Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:50 (GMT +7)
Giảm thương vong TNGT đối với trẻ em nhờ thiết bị an toàn trên ô tô
Thứ 4, 16/11/2022 | 14:15:16 [GMT +7] A A
Các chuyên gia đề xuất cần có quy định pháp luật bắt buộc phải sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em ngồi trên xe ô tô tham gia giao thông.
TNGT là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ dưới 18 tuổi
Sáng 16/11, Trường Đại học Y tế Công cộng đã phối hợp với Uỷ ban ATGT Quốc gia và Quỹ Phòng chống thương vong châu Á tổ chức hội thảo khoa học “Thiết bị an toàn trên xe ô tô cho trẻ em tại Việt Nam”.
Theo Ban tổ chức, tỷ lệ các vụ TNGT đường bộ có liên quan đến ô tô chiếm khoảng 30% tất cả các vụ tai nạn. Nếu xét đến tỷ lệ ô tô so với xe máy thì con số này đang cho thấy rằng người điều khiển ô tô đang có nguy cơ cao hơn rất nhiều, nhất là khi mức độ gia tăng về số lượng ô tô cá nhân tại Việt Nam hàng năm đạt đến trên 10%.
Tính từ năm 2016 - 2020, số ô tô đăng ký tại cơ quan Công an đã tăng 1.720.866 xe (+58,69%), mô tô tăng 24.300.469 xe (+50,88%), dân số nước ta cũng tăng 3.243.162 người (94.444.200 lên 97.687.362). Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề do việc phải chấp hành giãn cách xã hội, số lượng phương tiện ô tô lưu hành toàn quốc vẫn tăng trên 374.000 xe, nâng tổng mức ô tô đang lưu hành toàn quốc từ 4.180.478 vào tháng 12/2020 lên đến 4.554.590 xe vào 12/202.
Tai nạn giao thông đường bộ luôn được coi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong đối với nhóm trẻ từ 5-18 tuổi.
Ths. BS Dương Kim Tuấn, Trường Đại học Y tế công cộng cho biết, khảo sát 14.924 xe ô tô cá nhân tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. HCM cho thấy 7,4% các xe chở trẻ em và tình trạng để trẻ em ngồi ghế trước khá phổ biến. Cụ thể có 22,8% xe có trẻ em ngồi ghế trước 1 mình và 19,2% xe có trẻ ngồi ghế trước chung với người lớn.
Tuy nhiên chỉ có khoảng 1,3% xe có sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ, tập trung chủ yếu tại Hà Nội với 2,6%, ở TP. HCM có 1,1%. Đáng chú ý tại Đà Nẵng không có trường hợp nào sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ trên xe ô tô.
Thiết bị an toàn trên xe ô tô giúp giảm đến 60% nguy cơ tử vong cho trẻ
Theo nhóm nghiên cứu trường Đại học Y tế công cộng, phần lớn các dòng xe ô tô đang có mặt trên thị trường ngày nay đều được trang bị các tính năng, thiết bị an toàn (TBAT) cho người sử dụng như túi khí, đai an toàn, hệ thống chống bó cứng phanh,...
Trong đó, dây đai an toàn là thiết bị có chức năng cố định người để không bị di chuyển khỏi vị trí ghế ngồi. Tuy nhiên thiết bị này không được thiết kế dành cho trẻ em và không thực hiện được chức năng cố định trẻ bởi điểm treo của dây đai quá cao, gần như sát với mặt của trẻ và dây đai quá lỏng để cố định cơ thể trẻ em. Trong trường hợp va chạm, trẻ có thể văng ra khỏi ghế ngồi và có thể bị va vào thành xe gây thương tích ở đầu và ngực ngồi trên xe.
Thiết bị an toàn trên ô tô cho trẻ em với cơ chế bảo vệ giữ trẻ không bị văng ra khỏi chỗ ngồi, ngăn chặn việc trẻ bị va đập vào các bề mặt nội thất của xe hay các vật thể bên ngoài, hướng các lực tác động lên trẻ tới các vị trí có sức chịu lực mạnh nhất trên cơ thể trẻ và phân bố lực tác động trên diện rộng, bảo vệ phần đầu, cổ và cột sống của trẻ sẽ giúp trẻ tránh không bị thương bên trong xe khi xảy ra va chạm.
Tác dụng của thiết bị an toàn dành cho trẻ em khác nhau tùy thuộc vào loại thiết bị an toàn được sử dụng.
Theo Liên hợp quốc, TBAT có hiệu quả cao trong việc giảm thiểu thương tích và tử đối với trẻ em. Việc sử dụng TBAT có thể giảm thiểu tới 60% nguy cơ tử vong. Lợi ích của TBAT đã cho thấy rất tích cực đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là với trẻ dưới 4 tuổi. Đối với trẻ từ 8-12 tuổi, việc sử dụng ghế nâng được cho thấy có mối liên quan trong việc giảm 19% nguy cơ tổn thương so với việc sử chỉ dụng dây đai an toàn.
Đề xuất quy định bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn trên xe ô tô cho trẻ em
Nhóm nghiên cứu trường Đại học Y tế Công cộng cho biết, hiện nay, ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới đã có luật bắt buộc sử dụng TBAT trên xe ô tô cho trẻ em với nhiều qui định về chiều cao, cân nặng và độ tuổi khác nhau.
Và kết quả của nhiều nghiên cứu đều cho thấy việc ban hành Luật có tác dụng tích cực đến việc sử dụng TBAT cho trẻ và góp phần vào giảm thương tích và tử vong do TNGT ở trẻ em.
“ Thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô là các thiết bị bao gồm: nôi, ghế, đệm nâng được lắp thêm trên ô tô để đảm bảo an toàn cho trẻ khi tham gia giao thông. ” |
Tính đến nay, đã có 96 quốc gia ban hành luật trẻ em khi tham gia giao thông phải sử dụng thiết bị an toàn. Tuy nhiên, Ths. Bs Dương Kim Tuấn, Trường Đại học Y tế Công cộng cho biết, tại Việt Nam chưa có quy định pháp luật về thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô.
Pháp luật về giao thông đường bộ Việt Nam cũng không quy định cấm hay có một quy định cụ thể nào về việc trẻ em ngồi ghế phụ phía trước thậm chí là ngồi cùng ghế lái.
Luật Giao thông đường bộ 2008 và Nghị định 123/2021 cũng chỉ quy định người điều khiển ô tô và người ngồi ở vị trí có trang bị dây an toàn bắt buộc phải thắt dây an toàn. Do đó, trẻ em cũng có thể ngồi ở vị trí ghế phụ phía trước và trong trường hợp này cần phải thắt dây an toàn.
Tuy nhiên, việc để trẻ em ngồi ở vị trí ghế phụ phía trước rất nguy hiểm, kể cả trong trường hợp có sử dụng TBAT thì vẫn nên ưu tiên lắp đặt ở hàng ghế phía sau.
Các chuyên gia tại hội thảo nhấn mạnh: Trong xu hướng chuyển sang sử dụng ô tô tăng nhanh tại Việt Nam, đặc biệt là đối với các gia đình trẻ, quy định về thiết bị an toàn trên ô tô cho trẻ em tại Việt Nam là vô cùng cần thiết để đảm bảo an toàn cho trẻ khi tham gia giao thông bằng ô tô.
Điều này cần được luật hoá mang tính bắt buộc và phải có quy định cụ thể về chiều cao và tuổi của trẻ em là dưới 10 tuổi hoặc dưới 135cm theo khuyến nghị.
Theo baogiaothong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()