Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 08:30 (GMT +7)
Giảm thuế là nuôi dưỡng nguồn thu
Thứ 5, 25/05/2023 | 08:30:07 [GMT +7] A A
Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) dự kiến khiến nguồn thu ngân sách Nhà nước (NSNN) năm nay bị giảm 24.000 tỷ đồng. Tuy nhiên một số chuyên gia kinh tế nhận định: Trong bối cảnh hiện nay, giảm thuế chính là nuôi dưỡng nguồn thu.
Tạo cú hích cho doanh nghiệp
Trong quý I/2023, sự suy giảm chung của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 3,32%. Dự báo những tháng tới đây, cả quý II, thậm chí quý III/2023 khó khăn của các họat động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn hiện hữu.
“Cầu tiêu dùng trong nước, đặc biệt những lĩnh vực dịch vụ mặc dù đã có sự phục hồi nhưng chưa phản ánh hết được những khó khăn của các hộ kinh doanh, hay người bán hàng dịch vụ. Các hoạt động liên quan đến ăn uống, mua sắm, giải trí ngoài trời chưa đạt được mức tiềm năng, cũng như chưa phục hồi lại mức giống như thời kỳ trước dịch bệnh COVID-19”, TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) phân tích.
Theo TS Nguyễn Quốc Việt, việc giảm 2% VAT là chính sách rất kịp thời, chia sẻ phần nào khó khăn tới người lao động, từ đó kích thích người dân tiếp tục mua sắm, sử dụng hàng hóa, đặc biệt hàng tiêu dùng, hàng hóa thiết yếu.
Chia sẻ với phóng viên báo Tin tức, TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK) nhận định: Giải pháp giảm 2% thuế VAT có tác động trực tiếp làm tăng tổng cầu tiêu dùng cuối cùng của nền kinh tế, đặc biệt tác động lan tỏa của giải pháp này rất lớn, đem đến sự phục hồi nhanh hơn cho doanh nghiệp. “Khi thị trường tiêu thụ được khơi thông, doanh nghiệp sẽ phục hồi, mở rộng sản xuất, đảm bảo ổn định việc làm cho người lao động, giải quyết được hàng tồn kho, nợ đọng vốn”, TS Nguyễn Bích Lâm cho biết.
Mặc dù, NSNN bị hụt thu do cắt giảm 2% thuế VAT, nhưng việc cắt giảm này sẽ thúc đẩy tiêu dùng của thị trường trong nước với quy mô 100 triệu dân, tạo cú hích cho doanh nghiệp phục hồi, lấy lại đà sản xuất trong năm 2023 và những năm tiếp theo, đây là giải pháp tạo và nuôi dưỡng nguồn thu bền vững cho NSNN. Bên cạnh đó, khi doanh nghiệp tiêu thụ được sản phẩm, tạo thu nhập ổn định cho người lao động, sẽ giảm bớt áp lực từ ngân sách chi cho an sinh xã hội, hỗ trợ người dân nói chung và người lao động nói riêng.
“Hiệu quả của giải pháp giảm 2% thuế VAT sẽ tác động trực tiếp, làm GDP tăng 0,16% thông qua kích cầu tiêu dùng cuối cùng; đồng thời tác động lan toả đến sản xuất kinh doanh, tạo việc làm tăng thu nhập sẽ dẫn tới GDP tăng 0,64%, tổng tác động của giải pháp sẽ thúc đẩy GDP tăng 0,8%”, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Bích Lâm phân tích.
Quy trình, thủ tục cần cải tiến thêm để làm sao nhanh gọn
Theo TS Nguyễn Quốc Việt, để việc thực hiện chính sách lần này thực sự hiệu quả, Việt Nam phải rút được bài học kinh nghiệm về thời gian thực hiện sao cho rõ ràng, tránh có sự chuyển tiếp, những khu vực sản xuất kinh doanh mà có sự chuyển tiếp cần làm rõ ngay từ đầu, từ đó giải quyết được những khúc mắc của doanh nghiệp.
“Qua việc thực hiện năm ngoái, năm nay, bản thân doanh nghiệp cũng như Tổng cục Thuế và các cơ quan thuế ở địa phương đã có những kinh nghiệm để quy trình sẽ nhanh gọn hơn. Quy trình, thủ tục cần cải tiến thêm để làm sao nhanh gọn, đỡ chi phí tuân thủ của doanh nghiệp càng nhiều càng tốt”, TS Nguyễn Quốc Việt đề xuất.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia kinh tế cũng băn khoăn: Tuy không phải tất cả các lĩnh vực đều được giảm 2% VAT, nhưng thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh có những hoạt động là hỗn hợp, chưa bóc tách được ngay hay thể hiện được một cách rõ ràng. Do vậy, nếu có những khúc mắc của doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước trong quá trình thực thi nên có sự đồng hành và ủng hộ để làm sao đã có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp thì phải hỗ trợ đến cùng. Quá trình thực thi càng nhanh gọn, rõ ràng, minh bạch càng tốt.
"Để giải pháp giảm 2% thuế VAT đối với hàng hoá và dịch vụ chịu mức thuế suất 10% mang lại hiệu quả thực cho nền kinh tế đòi hỏi môi trường vĩ mô ổn định, giải quyết hiệu quả vấn đề việc làm, kịp thời thực hiện chính sách an sinh xã hội, đặc biệt kiểm soát tốt lạm phát. Có như vậy, người dân mới sẵn sàng chi tiêu, doanh nghiệp mới phục hồi và phát triển sản xuất", TS Nguyễn Bích Lâm đề xuất.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, việc giảm 2% thuế suất, thuế VAT áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
"Thực hiện theo phương án này nhằm đảm bảo đúng mục tiêu kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho NSNN cũng như nền kinh tế", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết: Việc giảm thuế VAT đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế VAT 10% sẽ góp phần giảm giá bán, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân. Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế VAT thuế suất 10% sẽ được hưởng lợi khi chính sách được ban hành. Việc giảm thuế VAT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất.
TS Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam: |
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()