Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:52 (GMT +7)
Giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở vùng đồng bào DTTS
Thứ 6, 22/03/2024 | 09:12:33 [GMT +7] A A
Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là vấn nạn lớn của toàn xã hội. Vấn nạn này không chỉ là vi phạm pháp luật, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của phụ nữ, trẻ em và là lực cản đối với sự phát triển KT-XH.
Để giảm tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, các ban, ngành liên quan của Quảng Ninh đã phối hợp cùng các địa phương tích cực triển khai thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2015-2025 và đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021-2025 (giai đoạn II).
Trên cơ sở triển khai đề án, Ban Dân tộc tỉnh đã thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra việc thực hiện tại 56 xã vùng đồng bào DTTS ở các địa phương. Qua kiểm tra, số người tảo hôn tính từ tháng 1/2021 đến hết 9 tháng năm 2023 đã có chiều hướng giảm đáng kể. Có tổng số 521 người tảo hôn, trong đó có 25 cặp tảo hôn (cả vợ và chồng chưa đủ tuổi kết hôn). Trong khi đó, kết quả rà soát giai đoạn 2015-2020 có hơn 1.000 người tảo hôn (45 cặp cả vợ và chồng chưa đủ tuổi kết hôn nhưng đã có con chung và sống chung như vợ chồng). Kết quả kiểm tra không có hôn nhân cận huyết thống.
Từ năm 2021 đến nay, các sở, ngành và địa phương đã tổ chức 2.486 cuộc tuyên truyền, tư vấn, tọa đàm, thu hút trên 123.000 lượt người tham gia với các hình thức phong phú, đa dạng, như: Sân khấu hóa; diễn đàn học sinh DTTS nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại một số trường DTNT; sinh hoạt ngoại khóa... Bên cạnh đó, đã sản xuất, phát sóng 24 phóng sự, phim tài liệu, chuyên đề trên các kênh truyền hình địa phương; sản xuất và cấp phát đến 11 địa phương 11 USB nội dung tuyên truyền về hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; phát hành 70.000 tờ gấp, tờ rơi...
Tỉnh cũng đã xây dựng, triển khai nhân rộng các mô hình điểm về can thiệp làm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã xây dựng và duy trì thực hiện 79 mô hình CLB “Phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”, trong đó năm 2021 xây dựng 5 mô hình mới tại các địa phương: Hạ Long, Đông Triều, Cẩm Phả, Vân Đồn. Mỗi CLB có 40 thành viên nòng cốt tham gia, chế độ sinh hoạt định kỳ 1 lần/tháng. Các CLB đều ban hành kế hoạch hoạt động cụ thể, định hướng phát triển thành viên theo từng năm; có quy chế hoạt động, phân công trách nhiệm của từng thành viên nòng cốt. Đồng thời, các CLB duy trì tổ chức sinh hoạt nói chuyện chuyên đề, giao lưu, tọa đàm tìm hiểu về pháp luật hôn nhân, gia đình, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho đối tượng là thanh niên, vị thành niên, phụ huynh, học sinh, cha mẹ vị thành niên.
Đối với hoạt động truyền thông, ngoài các phóng sự tuyên truyền, một số xã đã sáng tạo tuyên truyền bằng hình thức lưu động đến từng cụm dân cư, ngõ xóm để bà con DTTS có thể hiểu rõ, nắm được những hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, từ đó góp phần thay đổi hành vi, từng bước hạn chế và chấm dứt tình trạng này.
Ông Chíu A Sy (bản Siềng Lống, xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà) cho biết: Chúng tôi thường xuyên dùng loa phát thanh lưu động đến từng cụm dân cư, ngõ xóm để tuyên truyền cho bà con. Nhiều người không hiểu tiếng Kinh, chúng tôi phải phát thanh cả bằng tiếng Dao Thanh Phán, Dao Thanh Y. Từ đó, bà con đã nắm vững hơn các kiến thức pháp luật về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Vì thế trên địa bàn giờ rất ít xảy ra trường hợp chưa đủ tuổi mà đã kết hôn.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền, biên soạn, cung cấp thông tin, tài liệu, sản phẩm truyền thông để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào DTTS trong tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tham gia thực hiện đề án giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống...
Vân Anh
Liên kết website
Ý kiến ()