Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:29 (GMT +7)
Giảm thiểu rác thải nhựa tại 5 xã đảo của Vân Đồn
Chủ nhật, 12/05/2024 | 09:00:19 [GMT +7] A A
Nối tiếp sau huyện đảo Cô Tô với chương trình Cô Tô không rác thải nhựa khá hiệu quả trong những năm gần đây, cuối tháng 4 vừa qua, Vân Đồn cũng khởi động chương trình giảm thiểu rác thải nhựa tại 5 xã đảo trên địa bàn. Qua đó, nhằm góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và phát triển du lịch xanh, bền vững.
Chương trình này được huyện cụ thể hoá bằng Kế hoạch số 1299/KH-UBND ngày 24/4/2024 về giảm thiểu rác thải nhựa tại 5 xã đảo của Vân Đồn. Cuộc họp triển khai kế hoạch vào 2 ngày sau đó do ông Đào Văn Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện chủ trì, đã đưa ra một quyết sách mạnh mẽ. Đó là ngay từ ngày 27/4/2024, cũng là ngày đầu tiên của đợt nghỉ lễ kéo dài 5 ngày dịp 30/4, 1/5, du khách tới 5 xã đảo Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, Thắng Lợi và Bản Sen không được mang theo các sản phẩm từ nhựa dùng một lần.
Nhằm ngăn chặn rác thải nhựa ngay từ trên bờ, không để rác theo người dân, du khách ra đảo, địa phương đã phối hợp với các đơn vị chức năng, đơn vị quản lý Cảng tàu khách quốc tế Ao Tiên, Cảng Cái Rồng và 5 xã đảo khẩn trương lắp đặt đồng bộ các pano, áp phích với chủ đề “Không mang rác thải nhựa ra đảo” để tuyên truyền tới người dân, du khách. Việc treo lắp các băng rôn không chỉ làm tại cảng, ở những vị trí dễ thấy mà còn được lắp ở ngay các điểm dẫn vào huyện, từ tuyến cao tốc dẫn vào cho tới cầu Vân Đồn, Cảng hàng không Vân Đồn và ở các xã đảo.
Cùng với đó, vận động du khách để lại rác thải nhựa (chai lọ, cốc, túi nilon) ngay từ các cảng. Để có thể triển khai sớm, đảm bảo thuận tiện cho du khách và người dân, ông Vũ đề nghị các đơn vị cảng chủ động đảm bảo vật tư thay thế túi nilon bằng các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường trong 6 tháng đầu tiên khi triển khai…
Tham gia cuộc họp, đại diện Cảng Ao Tiên cho hay, đơn vị sẽ có phương án thay thế cho khách. Cùng với túi thay thế túi nilon còn có cốc, ống hút, bát mang đi đều bằng giấy. Còn đại diện Cảng Cái Rồng cho biết sẽ in kế hoạch của địa phương để phát cho các chủ tàu, đồng thời khi có mẫu cam kết của địa phương, đơn vị sẽ triển khai cho các chủ tàu ký cam kết về việc không sử dụng sản phẩm từ nhựa dùng một lần trên tàu.
Sự vào cuộc của các xã đảo có vai trò quan trọng. Ông Lưu Minh Đức, Chủ tịch UBND xã Minh Châu, chia sẻ: Đây là kế hoạch dài hơi của địa phương. Khi mới có dự thảo kế hoạch thì xã đã tổ chức hội nghị với các hộ kinh doanh du lịch của địa phương tuyên truyền cơ bản. Địa bàn xã có 2 khách sạn thì cả 2 đều thông tin trên trang mạng của mình khuyến cáo du khách đến với khách sạn không mang theo sản phẩm từ nhựa dùng một lần, khách sạn sẽ miễn phí sản phẩm nước uống như lá vối đóng chai, làm lạnh phục vụ du khách.
Tới đây, xã tiếp tục phối hợp với các đoàn thể tổ chức, bố trí nhân lực tuyên truyền ngay tại bến cảng, rồi làm pa nô tuyên truyền tại bãi biển Minh Châu, nhất là trong mùa du lịch hè này, tổ chức cho các hộ dân ký cam kết…
Bên cạnh đó, Hội LHPN huyện vào cuộc với các hoạt động phân loại, xử lý rác tại nguồn và các mô hình “Biến rác thành tiền”. Chị Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện, cho biết: Trước đây, chúng tôi đã tổ chức truyền thông cho hơn 100 cán bộ phụ nữ nòng cốt của huyện về phân loại và xử lý rác thải tại nguồn. Những năm gần đây, đơn vị đã phát động và nhân rộng những mô hình hố ủ rác hữu cơ với 184 hố, nâng tổng số lên 480 hố trên địa bàn huyện. Chúng tôi đã chỉ đạo cơ sở hội ở các xã tuyến đảo như Thắng Lợi, Ngọc Vừng, Bản Sen… xây được từ 1-2 trạm rác/xã để thu gom, phân loại rác thải, rác tái chế và xây dựng các mô hình “Biến rác thành tiền” để thực hiện các hoạt động nhân đạo từ thiện. Cùng với đó, tiếp tục duy trì và củng cố lại mô hình dùng làn đi chợ và sử dụng túi nilon sinh học…
Như vậy là bước đầu Vân Đồn đã có sự đồng thuận, vào cuộc đồng bộ từ chính quyền cho tới các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn. Việc giảm thiểu rác thải nhựa cũng sẽ áp dụng đồng loạt tới tất cả các cơ quan, đơn vị, tổ chức tại 5 xã đảo cho tới việc thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm từ nhựa trong sinh hoạt của người dân, khách du lịch, thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Đồng thời tăng cường thu gom, tái sử dụng các sản phẩm từ nhựa. Vân Đồn đưa ra lộ trình phấn đấu đến năm 2025 giảm thiểu 50% lượng rác thải nhựa và đến năm 2030 thì không có rác thải nhựa trên địa bàn các xã đảo.
Khẳng định quyết tâm của huyện trong giảm thiểu rác thải nhựa tại các xã đảo, ông Đào Văn Vũ nhấn mạnh: Việc giảm thiểu rác thải nhựa phải làm đồng bộ từ cơ sở sản xuất kinh doanh, khu dân cư cho tới khách du lịch. Vân Đồn xác định địa bàn trọng điểm, trọng tâm là 5 xã đảo, vì việc vận chuyển, xử lý rác thải ở các đảo rất khó khăn. Trong đó, Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng phải làm trước vì phát triển mạnh các hoạt động du lịch. Cần có cam kết để các hộ kinh doanh phải làm ngay. Riêng Cảng Cái Rồng là phải triển khai tới cả các chủ tàu cá, phương tiện rời bến tại đây cũng là một nguồn “phát thải” rác thải nhựa nếu không được kiểm soát tốt, tránh tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”. Các tàu cá liên quan tới đơn vị, địa phương nào thì đơn vị, địa phương đó phải quản lý, triển khai nội dung này…
Ngọc Mai
Liên kết website
Ý kiến ()