Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 20/01/2025 06:45 (GMT +7)
Giảm thiểu nợ đọng BHXH, đảm bảo quyền lợi cho người lao động
Thứ 2, 20/01/2025 | 06:26:52 [GMT +7] A A
Hiện nay, trên địa bàn Quảng Ninh việc nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN vẫn diễn ra. Cá biệt có doanh nghiệp nợ hàng chục tỷ đồng, ảnh hưởng rất lớn đến việc chốt, trả sổ BHXH cho người lao động khi chuyển việc, ngừng việc và giải quyết các chế độ ốm đau, thai sản. Mặc dù có một số cơ quan, đơn vị có ý kiến, nhưng đến nay việc nợ đọng BHXH vẫn chưa giải quyết triệt để.
Đó là nội dung được người lao động của Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh (TP Hạ Long) kiến nghị tỉnh có biện pháp giải quyết nhằm hạn chế việc nợ BHXH của doanh nghiệp, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động để họ yên tâm làm việc.
Nội dung kiến nghị trên là đúng thực tế. Theo số liệu của BHXH tỉnh, hết năm 2024 tổng số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN toàn tỉnh là 176 tỷ đồng, chiếm 1,99% so với tổng số phải thu năm 2024, giảm 0,22% so với năm 2023. Trong đó toàn tỉnh có 374 đơn vị dừng hoạt động sản xuất kinh doanh với số nợ là 54,2 tỷ đồng; có 53 đơn vị giải thể với số nợ 2,2 tỷ đồng; 37 đơn vị phá sản với số nợ 2,03 tỷ đồng.
Trước kiến nghị nêu trên, BHXH tỉnh đã chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo. Định kỳ hằng quý, BHXH tỉnh tham mưu UBND cấp huyện ban hành văn bản chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN từ 3 tháng trở lên; phối hợp với Công an tỉnh, Sở LĐ-TB&XH, LĐLĐ tỉnh, Viện KSND tỉnh, Cục Thuế tỉnh… mời và làm việc trực tiếp với các đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên.
BHXH tỉnh chủ trì thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra đối với các đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, đồng thời xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT; công khai danh tính những đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và tỉnh.
Đặc biệt, BHXH tỉnh đã tham mưu, đề nghị các cơ quan liên quan không khen thưởng, vinh danh, xác nhận cấp thẻ APEC; không xem xét hồ sơ tham gia đấu thầu các dự án đầu tư công, gửi thông báo đến các đơn vị chậm đóng quỹ BHXH, BHYT trên 30 ngày; phân công cán bộ thu chuyên quản đơn vị sử dụng lao động thường xuyên đối chiếu, đôn đốc đơn vị thực hiện trích nộp tiền BHXH, BHYT hằng tháng; phối hợp với chính quyền địa phương chủ động nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị trên địa bàn.
Đối với trường hợp đơn vị không thực hiện nộp tiền, chậm đóng BHXH, BHYT từ 3 tháng trở lên thì nắm bắt tình hình hoạt động, đôn đốc chủ đơn vị sử dụng lao động thực hiện chấp hành việc trích nộp tiền BHXH đảm bảo quyền lợi cho người lao động; quyết định xử phạt hành chính đúng quy định… Với các đơn vị tạm dừng hoạt động, không có mặt trên địa bàn đăng ký kinh doanh thì cập nhật tình trạng hoạt động của doanh nghiệp vào hệ thống của ngành (quản lý thu, sổ, thẻ) để giảm lao động, không phát sinh số tiền thu và tiền lãi chậm đóng cho doanh nghiệp.
Các đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, nhưng đã giải thể, phá sản, hoặc chưa đóng đủ cho người lao động… thì cơ quan BHXH thực hiện xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn nợ thì xác nhận bổ sung trên sổ BHXH.
Trong thời gian tới đây, BHXH tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch và thanh tra đột xuất; tổ chức trao đổi, tập huấn nghiệp vụ, đặc biệt là tập huấn kỹ năng cho cán bộ để nâng cao chất lượng thanh tra, kiểm tra. Thường xuyên báo cáo cấp uỷ, chính quyền địa phương về tình hình nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN của các đơn vị sử dụng lao động, kiến nghị, đề xuất các biện pháp xử lý; tập trung đẩy mạnh thanh tra đột xuất đối với những đơn vị nợ bảo hiểm từ 3 tháng trở lên, đặc biệt tại các đơn vị có số nợ lớn. Đồng thời, chuyển hồ sơ những đơn vị không thực hiện quyết định thanh tra đến cơ quan công an, kiến nghị điều tra, khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Dương Trường
Liên kết website
Ý kiến ()