Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 01:38 (GMT +7)
Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh
Thứ 6, 19/04/2024 | 08:51:08 [GMT +7] A A
Mất cân bằng giới tính khi sinh gây ảnh hưởng tiêu cực và trực tiếp đến sự phát triển bền vững về cơ cấu dân số, chất lượng dân số. Các ngành chức năng trong tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, góp phần kiểm soát tốc độ mất cân bằng giới tính khi sinh, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên.
Ngày 10/10/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 245/KH-UBND về thực hiện Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025 (giai đoạn II). Mục tiêu chung là khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh. Mục tiêu cụ thể là đưa tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh đạt dưới 110 trẻ em trai/100 trẻ em gái vào năm 2025. Để đạt mục tiêu này các cấp, ngành, địa phương cần vào cuộc tích cực, thực hiện tốt các giải pháp và các hoạt động cụ thể mà Kế hoạch đề ra.
Theo Chi cục DS-KHHGĐ (Sở Y tế), trong 2 năm 2021 và 2022 tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng nhẹ, năm 2021 là 111,2 trẻ em trai/100 trẻ em gái, năm 2022 là 111,34 trẻ em trai/100 trẻ em gái, năm 2023 là 113,07 trẻ em trai/100 trẻ em gái. Tình trạng tỷ số chênh lệch giới tính giữa trẻ em trai và trẻ em gái ở mức tương đối cao là do ở một số gia đình vẫn còn tư tưởng sinh con trai để “nối dõi tông đường”, con trai mới là nguồn lao động chính trong nhà. Do đó nhiều gia đình tìm mọi cách để sinh con trai, khiến cho dân số có sự chênh lệch về tỷ lệ nam - nữ.
Để xóa bỏ dần tâm lý “khát con trai”, Chi cục DS-KHHGĐ đã đẩy mạnh hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh, các hoạt động kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh được triển khai gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Chi cục đã tổ chức tiếp nhận, cấp phát hàng trăm cuốn tài liệu, hàng chục nghìn tờ rơi, ấn phẩm truyền thông về DS-KHHGĐ cho các xã, thị trấn; phối hợp với các trường THPT, THCS trong tỉnh tổ chức truyền thông giáo dục sức khỏe, SKSS... cho học sinh; tổ chức các lớp tập huấn cung cấp kỹ năng tuyên truyền về giới và giới tính khi sinh cho đội ngũ cộng tác viên dân số...
177/177 xã, phường, thị trấn trong tỉnh duy trì mô hình CLB giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Nhờ đó đã tạo chuyển biến trong nhận thức của mỗi cá nhân, gia đình về thực hiện quy mô gia đình có đủ 2 con.
Chị Bùi Thị Hiền (khu Tân Lập 1, phường Phương Đông, TP Uông Bí) sinh được 2 con gái. Con gái lớn của chị đã lập gia đình, có công việc ổn định; con gái thứ 2 hiện học lớp 11. Chị chia sẻ: “Trước đây khi sinh 2 cháu gái, tôi cũng muốn sinh thêm 1 cháu trai. Các cán bộ dân số tích cực tuyên truyền, vận động vợ chồng tôi không nên sinh con thứ 3, vì thế gia đình không tìm đến phương pháp lựa chọn giới tính khi sinh”.
Chị Phạm Thị Tâm, cán bộ dân số phường Phương Đông, cho biết: Để người dân chủ động, nắm rõ về những hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh, chúng tôi đã chủ động xây dựng kế hoạch, lồng ghép tuyên truyền vào các hội nghị, sơ kết, tổng kết của các ban, ngành, đoàn thể; tổ chức các cuộc nói chuyện chuyên đề qua các mạng lưới của cộng tác viên dân số; tư vấn trực tiếp cho các hộ gia đình có nguy cơ cao, nam - nữ chuẩn bị kết hôn; cung cấp các bản tin về mất cân bằng giới tính khi sinh trên hệ thống loa truyền thanh của phường và khu dân cư…
Với việc tăng cường công tác truyền thông và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của cộng đồng sẽ từng bước giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số, chất lượng cuộc sống của người dân tỉnh.
Vân Anh
- 19.140 - là số hộ trên địa bàn tỉnh tham gia phỏng vấn trực tiếp tại cuộc Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024
- Truyền thông dân số cho lứa tuổi thanh, thiếu niên
- Phát huy vai trò của phụ nữ trong công tác dân số
- 49,3% - là tỷ lệ nữ giới trong tổng dân số tỉnh Quảng Ninh.
- Bình đẳng giới nâng cao chất lượng dân số
- Để phụ nữ vùng cao tiếp cận các chính sách dân số
Liên kết website
Ý kiến ()