Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, dự kiến trong thời gian tới số lượng huyện, xã phải sắp xếp, sáp nhập là rất lớn. Giai đoạn trước giảm được 8 huyện và 563 xã thì thời gian tới sẽ giảm gấp 3 số huyện, gấp 2 số xã.
Bộ Nội vừa đưa ra phương án về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030 theo 2 đợt.
Theo đó, các đơn vị hành chính cấp huyện (huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc thành phố), cấp xã (xã, phường, thị trấn) thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025 gồm có 3 trường hợp.
Một là sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% tiêu chuẩn quy định.
Hai là những đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% tiêu chuẩn quy định.
Ba là đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% tiêu chuẩn quy định.
Các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2026-2030 cũng có 3 trường hợp.
Một là các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% tiêu chuẩn quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Hai là các đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 200% tiêu chuẩn quy định.
Ba là các đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 300% tiêu chuẩn quy định.
Ngoài ra, Bộ Nội vụ khuyến khích việc sắp xếp các đơn vị hành chính không thuộc các diện sắp xếp nêu trên để giảm số lượng đơn vị hành chính, tăng quy mô đơn vị hành chính, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước và đời sống của Nhân dân.
Sẽ giảm thêm hơn 20 huyện và hàng nghìn xã
Tiêu chuẩn đơn vị hành chính trong từng trường hợp cụ thể được quy định tại Nghị quyết số 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 27/2022.
Cụ thể, với cấp huyện, những huyện miền núi, vùng cao phải có diện tích 850 km2 và dân số 80.000 người trở lên; các huyện còn lại có diện tích 850 km2 và 120.000 người trở lên.
Còn các thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố phải có diện tích từ 150 km2 và dân số từ 150.000 người trở lên; thị xã có diện tích từ 200 km2 và dân từ 100.000 người trở lên; quận phải có diện tích từ 35 km2 và dân số từ 150.000 người trở lên.
Với cấp xã, các xã miền núi, vùng cao có diện tích 50 km2 và 5.000 người trở lên; các xã còn lại có diện tích 30 km2 và 8.000 người trở lên.
Còn phường phải có diện tích tự nhiên từ 5,5 km2 trở lên, đồng thời có từ 15.000 người với phường thuộc quận, từ 5.000 người với phường thuộc thị xã; thị trấn thì phải có điện tích từ 14 km2 và 8.000 dân trở lên.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, năm 2023, 2024 là thời điểm tập trung cao nhất để sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
“Dự kiến số lượng huyện, xã phải sắp xếp, sáp nhập tới đây là rất lớn. Giai đoạn trước giảm được 8 huyện và 563 xã thì giai đoạn tới sẽ phải thực hiện gấp 3 số huyện, gấp 2 số xã”, Bộ trưởng Nội vụ nêu quyết tâm.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ngoài căn cứ vào tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số thì còn phải chú trọng đến các yếu tố đặc thù về lịch sử, truyền thống, văn hóa, phong tục, tập quán, điều kiện địa lý tự nhiên, cộng đồng dân cư tạo thuận lợi trong quản lý nhà nước, bảo đảm ổn định xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng.
Hiện Bộ Nội vụ đã hoàn thành dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023 - 2030, Bộ Tư pháp đang thẩm định trước khi Chính phủ trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tới đây.
Các yếu tố đặc thù không bắt buộc sắp xếp:
Đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp nhưng có một trong các yếu tố đặc thù không bắt buộc sắp xếp:
- Có vị trí biệt lập với các đơn vị hành chính khác (có toàn bộ đường địa giới đơn vị hành chính đi qua núi, sông, suối, hồ, biển và khó tổ chức giao thông thuận lợi kết nối với đơn vị hành chính liền kề)
- Có đường địa giới đơn vị hành chính đã hình thành ổn định từ trước năm 1945 và đến nay chưa có sự thay đổi, điều chỉnh lần nào
- Đơn vị hành chính cấp xã được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng công nhận là xã, phường, thị trấn trọng điểm về quốc phòng, an ninh hoặc được Bộ trưởng Bộ Công an công nhận là xã, phường, thị trấn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự.
- Đơn vị hành chính cấp huyện có từ 50% đơn vị hành chính cấp xã trở lên được công nhận là xã, phường, thị trấn trọng điểm về quốc phòng, an ninh hoặc xã, phường, thị trấn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự;
- Đơn vị hành chính nông thôn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phát triển thành đơn vị hành chính đô thị trong giai đoạn 2023-2030 (bao gồm cả đơn vị hành chính nông thôn đã được quy hoạch nhập vào đơn vị hành chính đô thị).
Ý kiến ()