Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 16/01/2025 13:52 (GMT +7)
Giám sát cần đánh giá sự đồng thuận của nhân dân, hiệu quả tổng hợp nhiều lĩnh vực
Thứ 2, 14/03/2022 | 18:31:40 [GMT +7] A A
Hôm nay, 14/3, tiếp tục chương trình làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành xem xét báo cáo kết quả bước đầu của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021” và quyết định việc lựa chọn đơn vị, địa phương để tiến hành giám sát thực tế.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, giám sát chuyên đề việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 phải rất cụ thể, tránh nói chung chung.
Cho rằng, rất cần đánh giá sâu sắc và kỹ lưỡng hơn, giám sát phải rất cụ thể, tránh nói chung chung. Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề, báo cáo kết quả bước đầu có nêu đã tiết kiệm được kinh phí, nhưng tiết kiệm ở chỗ nào? Chi thường xuyên hằng năm, dự toán ngân sách trung ương, địa phương bố trí có giảm được không? Hay "giảm chỗ này, lại tăng chỗ kia"?
Nhiều vấn đề từ thực tiễn
Những vấn đề khác cần đặt ra và xem xét, đánh giá cụ thể, đó là việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã lại phải xây dựng trụ sở làm việc mới, có trường hợp trụ sở cũ lại bỏ không? Biên chế giảm thì chủ yếu nằm ở tỉnh nào, tại sao địa bàn này giải quyết được vấn đề biên chế, tỉnh kia không thể thực hiện được? Theo Chủ tịch Quốc hội: “Qua giám sát để phát hiện nơi nào làm tốt thì nhân rộng, nơi nào có khuyết điểm, thiếu tinh thần trách nhiệm, liệu có nơi nào nóng vội, duy ý chí không? Rất nhiều vấn đề phải trả lời và phải sát với thực tiễn cơ sở, sát với người dân”.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, mục tiêu của Đoàn giám sát hướng đến là đánh giá sự đồng thuận của nhân dân như thế nào, hiệu quả tổng hợp về nâng cao năng lực hệ thống chính trị, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh như thế nào...
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành hữu quan cần đánh giá thêm. Hơn nữa, Ban Công tác đại biểu đánh giá về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân ở các đơn vị hành chính, rút ra những bài học kinh nghiệm cụ thể.
Trình bày Báo cáo kết quả bước đầu việc thực hiện giám sát chuyên đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã; ngày 12/3/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Đánh giá về hiệu quả của việc sắp xếp đơn vị hành chính, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ, về tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức: đã tinh gọn được tổ chức bộ máy thông qua việc giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã; 3.437 cơ quan, tổ chức ở cấp xã và 429 cơ quan, tổ chức ở cấp huyện.
Qua đó rà soát, bố trí sử dụng những cán bộ, công chức có năng lực, trình độ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị của các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới hình thành sau sắp xếp và thực hiện tinh giản đối với những người không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ; chủ động thực hiện sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định.
Về ngân sách nhà nước, theo báo cáo của Chính phủ, đã tiết kiệm chi ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2019-2021 khoảng 2.008,63 tỷ đồng. Trong đó, giảm chi hoạt động của chính quyền cấp huyện, cấp xã là 1.132,63 tỷ đồng và giảm chi phụ cấp người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố khoảng 876 tỷ đồng.
Cần đánh giá tác động nhiều chiều
Tuy nhiên, theo báo cáo và ý kiến thảo luận tại phiên họp, đề cập thời gian thực hiện ngắn nên ở một vài địa phương, tổng kinh phí tiết kiệm được do thực hiện sắp xếp chưa được thể hiện rõ do nguồn kinh phí tiết kiệm được chưa bảo đảm đủ cho việc chi các chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức dôi dư sau sắp xếp. Về vấn đề này, Đoàn giám sát trực tiếp làm việc với địa phương để tìm hiểu cụ thể tình hình.
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với Báo cáo kết quả bước đầu của Đoàn giám sát và cho rằng, việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là một chủ trương rất lớn, nhằm tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị quyết 39- NQ/TW của Bộ Chính trị. Để thực hiện chủ trương này, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TW về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, điều kiện cần để thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã là dựa vào tiêu chí về diện tích, dân số, điều kiện đủ là phải căn cứ vào vị trí địa lý, hoàn cảnh lịch sử, phong tục tập quán, dân tộc, tôn giáo, kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh.
Quá trình làm cần bảo đảm sự đồng thuận của nhân dân. Mục tiêu cuối cùng là tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, tiết kiệm kinh phí, tiết kiệm biên chế. Mỗi địa phương khi thực hiện sắp xếp đều phải ban hành Đề án riêng, rất công phu, đánh giá tác động nhiều chiều.
Qua đó đánh giá, mục tiêu của Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị và Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính; việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và các nghị định của Chính phủ.
Một số địa phương cho rằng, số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau sắp xếp lớn, nhất là các địa phương sắp xếp nhiều đơn vị hành chính nên không thể làm trong thời gian ngắn. Việc thực hiện chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở một số địa phương còn lúng túng.
Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có sự nghiên cứu, xây dựng chính sách hỗ trợ hợp lý hơn đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau khi sắp xếp đơn vị hành chính.
Hôm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét báo cáo công tác dân nguyện tháng 2/2002 của Quốc hội; kết quả bước đầu của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến 1/7/2021” và quyết định việc lựa chọn đơn vị, địa phương tiến hành giám sát thực tế.
Trong giai đoạn 2019-2021, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành tổng cộng 48 nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong số 45 tỉnh, thành phố thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn 2019-2021, đa số các địa phương (30/45 tỉnh, thành phố) thuộc khu vực từ Thừa Thiên Huế trở ra là có nhiều đơn vị hành chính được sắp xếp; 15 tỉnh, thành phố còn lại ở khu vực phía nam có số lượng đơn vị hành chính được sắp xếp không lớn.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()