Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:03 (GMT +7)
Giám sát ATTP hàu Thái Bình Dương
Thứ 5, 18/03/2021 | 08:24:07 [GMT +7] A A
Hiện Đài Loan (Trung Quốc) là thị trường xuất khẩu lớn đối với hàu Thái Bình Dương, một trong những sản phẩm nhuyễn thể chủ lực của huyện Vân Đồn. Tuy nhiên, các yêu cầu kỹ thuật của phía Đài Loan ngày càng nghiêm ngặt, nếu không đảm bảo các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm (ATTP), thị trường này sẽ áp dụng các biện pháp dừng nhập khẩu sản phẩm hàu Thái Bình Dương.
Sản lượng hàu Thái Bình Dương của huyện Vân Đồn cung cấp ra thị trường khoảng 80 tấn/năm. |
Huyện Vân Đồn có trên 4.300ha mặt biển và bãi triều, rất thuận lợi cho việc nuôi hàu Thái Bình Dương, hằng năm cung cấp cho thị trường khoảng 80 tấn sản phẩm. Trong 2 năm (2019, 2020), gần 19.000 tấn hàu Thái Bình Dương của Vân Đồn đã được xuất sang thị trường Đài Loan. Tuy nhiên, trong tháng 1 vừa qua, cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Đài Loan thông báo từ tháng 8/2020 đến tháng 1/2021 đã phát hiện Norovirus (loại virus rất dễ lây nhiễm tiêu chảy và nôn mửa) trong 10 lô hàng hàu thịt xuất xứ từ vùng thu hoạch Vân Đồn. Phía Đài Loan đã yêu cầu các doanh nghiệp khẩn trương điều tra nguyên nhân, áp dụng các biện pháp khắc phục phù hợp. Đồng thời, cho biết nếu tiếp tục phát hiện Norovirus sẽ áp dụng biện pháp dừng nhập khẩu hàu Thái Bình Dương có xuất xứ từ huyện Vân Đồn. Điều này chắc chắn sẽ gây thiệt hại rất lớn về kinh tế cho người nuôi hàu ở Vân Đồn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Nhận định bước đầu về nguyên nhân lây nhiễm virus, theo Trung tâm Chất lượng nông lâm và thủy sản vùng I (Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, Bộ NN&PTNT), hiện tượng này có thể xuất phát từ vùng nuôi, vùng thu hoạch và các cơ sở chế biến hàu. Do đó, để xác định nguyên nhân cụ thể thì phải tiến hành lấy mẫu của tất cả các công đoạn trên để phân tích. Trước đó, giai đoạn 2009-2015, hàu Thái Bình Dương đã được đưa vào chương trình kiểm soát nhuyễn thể 2 mảnh vỏ của Việt Nam, nhưng từ năm 2016 đến nay, các vùng thu hoạch nhuyễn thể đã được chuyển về địa phương giám sát, số lượng mẫu rất ít, chỉ tiêu phân tích chưa có Norovirus và chỉ đại diện cho một vùng nuôi nhỏ, không có ý nghĩa trong cảnh báo và xử lý vi phạm.
Giám sát ATTP đối với hàu Thái Bình Dương sẽ giúp người nuôi nhận biết được vùng nào nên thả nuôi để đảm bảo các quy định khi xuất khẩu sang thị trường Đài Loan. |
Ông Nguyễn Quang Sáng, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP XNK Thủy sản Quảng Ninh, cho biết: Công ty là đơn vị duy nhất trong tỉnh có mã xuất khẩu sản phẩm thủy sản vào thị trường Đài Loan. Thời gian qua, Công ty đã cùng với với người dân, các cơ sở sơ chế ban đầu sản phẩm hàu sữa để sơ chế lại, đóng gói xuất vào thị trường Đài Loan. Ngay khi nhận được thông tin từ phía Đài Loan, Công ty đã tiến hành kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các khâu trong quá trình xuất khẩu, nhất là khâu sơ chế của người dân.
Được biết, để xuất sang thị trường này, phía Đài Loan yêu cầu các cơ sở bao gói, chế biến phải đáp ứng đủ những yêu cầu cụ thể. Đối với cơ sở bao gói, chế biến xuất khẩu phải được Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ NN&PTNT) thẩm định, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP và được cấp mã số cơ sở xuất khẩu vào thị trường này. Nguyên liệu hàu xuất khẩu phải lấy từ các cơ sở đáp ứng các điều kiện về ATTP. Đối với từng lô hàng xuất khẩu, phải được cấp giấy chứng thư trên cơ sở kết quả kiểm soát điều kiện đảm bảo ATTP trong toàn bộ quá trình sản xuất và lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng sản phẩm tại cơ sở chế biến thủy sản.
Hàu Thái Bình Dương ở Vân Đồn chủ yếu nuôi thả theo hình thức tự nhiên |
Ông Lưu Văn Dần, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT Quảng Ninh), cho biết: Trong điều kiện các cơ sở nuôi hàu Thái Bình Dương ở huyện Vân Đồn chủ yếu nuôi thả theo hình thức tự nhiên, các cơ sở sơ chế hàu cũng rất nhiều. Bởi vậy việc chủ động giám sát chất lượng sản phẩm, ATTP để kịp thời cảnh báo, phát hiện là rất cần thiết. Đơn vị cũng đã báo cáo và được UBND tỉnh cho phép xây dựng kế hoạch giám sát ATTP đối với hàu Thái Bình Dương xuất khẩu vào Đài Loan và các thị trường nước ngoài. Dự kiến trong tháng 3 đơn vị sẽ hoàn thành việc lấy ý kiến của địa phương để triển khai việc giám sát trong thời gian sớm nhất. Qua đó, giúp tránh thiệt hại cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nhuyễn thể tại những vùng không bảo đảm vệ sinh an toàn và tăng cơ hội cho các doanh nghiệp dễ dàng thâm nhập, mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao uy tín, duy trì sự phát triển bền vững của ngành thủy sản Quảng Ninh.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()