Tất cả chuyên mục

Công tác giảm nghèo là một trong những mục tiêu trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong 5 năm qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, các địa phương tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tạo điều kiện cho các hộ dân, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo phát huy nguồn lực bản thân, vươn lên thoát nghèo nhanh, bền vững.
Nhìn từ huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất
Bình Liêu là một trong những huyện miền núi của tỉnh còn nhiều khó khăn, hầu hết người dân dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp, mức sống còn thấp. Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Xuân Lồng, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Bình Liêu, cho biết: Bình Liêu có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới trên 95% dân số của huyện, số hộ nghèo chiếm hơn 11%. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng 5 năm qua, huyện đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong công tác giảm nghèo.
![]() |
Lớp dạy nghề nấu ăn cho phụ nữ tại xã Hiệp Hoà (TX Quảng Yên) do Phòng LĐ-TB&XH TX Quảng Yên tổ chức. |
Để đẩy mạnh phát triển kinh tế, giảm nghèo một cách bền vững, cấp uỷ, chính quyền huyện đã thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, từng bước khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế ở địa phương. Huyện tranh thủ các nguồn vốn đầu tư để xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, tạo điều kiện cho việc lưu thông, trao đổi hàng hoá. Huyện nghiên cứu, từng bước quy hoạch các vùng thâm canh nông - lâm nghiệp, nhất là tập trung vào những sản phẩm có giá trị hàng hoá cao như dong riềng, hồi, quế, nuôi cá nước chảy, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Cùng với đó, huyện tạo điều kiện cho các hộ vay vốn phát triển mô hình kinh tế gia trại, trang trại vừa và nhỏ, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho lao động dôi dư ở địa phương. Đặc biệt, hàng năm, huyện chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện tổ chức mở từ 4-5 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn (khoảng 100 người/lớp) về kỹ thuật nuôi ong lấy mật, nuôi dê, sửa chữa máy nông nghiệp, sửa chữa điện dân dụng... Hầu hết các học viên sau khi học nghề xong đã có việc làm và thu nhập ổn định. Bằng những cách làm thiết thực trên, 5 năm qua, số hộ nghèo của huyện đã giảm từ 16% năm 2010 xuống còn trên 11% hiện nay.
Nhiều giải pháp giảm nghèo hiệu quả
Để đẩy mạnh phát triển kinh tế nói chung, giảm nghèo nhanh, bền vững nói riêng, 5 năm qua, tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp mang tính chiến lược, tạo ra bước đột phá. Trước hết, tỉnh quan tâm chỉ đạo tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ. Xác định, hạ tầng giao thông là một trong những tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, từng bước xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực ngoài ngân sách triển khai các dự án, công trình trọng điểm, thu hút các dự án phát triển sản xuất, tạo việc làm.
Một trong những giải pháp thiết thực, hiệu quả nhất là đẩy nhanh chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Từ chương trình này đã tạo ra phong trào thi đua sản xuất, giảm nghèo trên khắp các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo trong tỉnh. Qua chương trình, hạ tầng kỹ thuật nông thôn được đầu tư đồng bộ phục vụ sản xuất và sinh hoạt, đời sống người dân được nâng cao; văn hoá xã hội, môi trường nông thôn có nhiều tiến bộ; dân chủ được mở rộng, hệ thống chính trị được củng cố; an ninh, trật tự xã hội được giữ vững. Kết quả của chương trình đã được Trung ương đánh giá Quảng Ninh là một trong những tỉnh đi đầu trong cả nước về xây dựng nông thôn mới, dẫn đầu 15 tỉnh miền núi phía Bắc về số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Góp phần quan trọng vào những kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh là việc thực hiện hiệu quả công tác dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Chính phủ. Sau hơn 5 năm thực hiện, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có trên 21.000 lao động nông thôn được đào tạo nghề với tổng kinh phí trên 110 tỷ đồng. Qua đó, đã tạo công ăn việc làm, tăng năng suất lao động và nâng cao thu nhập của lao động nông thôn, góp phần giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng chuyển dần từ các nghề nông nghiệp sang các nghề phi nông nghiệp như du lịch, dịch vụ, nhà hàng, sửa chữa cơ khí...
Với những giải pháp thiết thực, hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội đã tạo tiền đề quan trọng để tỉnh đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo bền vững: Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 7,68% năm 2010 xuống còn 1,55% năm 2015; nhiều hộ nghèo đã vươn lên khá giả, trở thành hạt nhân trong vận động, tuyên truyền, giúp đỡ các hộ khác vươn lên thoát nghèo.
Phạm Hoạch
Ý kiến ()