Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 07:18 (GMT +7)
Giảm mỡ máu bằng cách nào?
Thứ 7, 28/10/2023 | 15:07:56 [GMT +7] A A
Mỡ máu là một thành phần quan trọng trong cơ thể. Tuy nhiên khi mỡ máu cao sẽ gây ra bệnh máu nhiễm mỡ với nhiều biến chứng nguy hiểm.
Chính vì vậy việc kiểm soát mỡ máu rất quan trọng để luôn có một sức khỏe tốt nhất. Thay đổi lối sống có thể giúp bạn giữ liều thuốc thấp, tăng hiệu quả kiểm soát mỡ máu. Hãy thực hiện các biện pháp dưới đây.
Mỡ máu cao có hại cho sức khỏe như thế nào?
Nguyên nhân chính gây ra bệnh mỡ máu là do thói quen ăn uống cũng như duy trì một lối sống không lành mạnh. Tình trạng mỡ máu tăng cao do chế độ ăn uống có chứa nhiều mỡ động vật, nội tạng động vật, lòng đỏ trứng, bơ, sữa, các loại thịt đỏ trong các bữa ăn hàng ngày.
Một số tác hại của bệnh mỡ máu lên cơ thể đó là:
- Ảnh hưởng đến tim mạch, gây ra bệnh xơ vữa động mạch khiến lượng máu cung cấp cho tim giảm.
- Gây đột quỵ não.
- Ảnh hưởng đến huyết áp.
- Gây ra bệnh gan nhiễm mỡ.
- Giảm chức năng sinh lý.
Trước đây, bệnh mỡ máu chỉ thường xuyên gặp ở người cao tuổi nhưng căn bệnh này hiện nay đã có xu hướng trẻ hóa. Vì thế việc phòng ngừa bệnh mỡ máu để hạn chế nguy cơ mắc bệnh trong tương lai rất quan trọng.
Cách hạn chế mỡ máu không cần dùng thuốc
- Lựa chọn thực phẩm tốt
Một vài thay đổi trong chế độ ăn uống có thể giúp làm giảm mỡ máu và cải thiện sức khỏe tim mạch của bạn, bao gồm:
- Giảm chất béo bão hòa: chất béo bão hòa được tìm thấy chủ yếu trong thịt đỏ và các sản phẩm chế biến từ sữa đầy đủ chất béo. Giảm tiêu thụ chất béo bão hòa có thể giảm cholesterol lipoprotein mật độ thấp (LDL), hay còn gọi là cholesterol xấu.
- Loại bỏ chất béo chuyển hóa.
- Ăn thực phẩm giàu axit béo omega-3: Axit béo omega-3 không làm ảnh hưởng đến chỉ số cholesterol LDL. Thực phẩm có axit béo omega-3 như là cá hồi, cá thu, cá trích, quả óc chó và hạt hạnh nhân.
- Tăng chất xơ hòa tan: Chất xơ hòa tan có thể làm giảm sự hấp thu cholesterol vào máu. Chất xơ hòa tan được tìm thấy trong các loại thực phẩm như bột yến mạch, đậu thận, mầm Brussels, táo và lê.
- Thêm whey protein vào khẩu phần ăn: whey protein được tìm thấy trong các sản phẩm sữa, nó đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như một chất bổ sung làm giảm cả cholesterol LDL và cholesterol toàn phần cũng như là huyết áp.
- Tập thể dục thường xuyên và tăng cường hoạt động thể chất
Tập thể dục có thể cải thiện chỉ số cholesterol. Hoạt động thể chất vừa phải có thể giúp tăng lượng cholesterol lipoprotein mật độ cao (HDL), còn được gọi là cholesterol tốt.
Các chuyên gia y tế khuyên bạn nên tập thể dục ít nhất 30 phút/lần và năm lần một tuần. Hoặc tập aerobic trong 20 phút/lần và ba lần một tuần.
Bạn có thể lựa chọn một số loại hình luyện tập sau đây:
- Đi bộ nhanh hàng ngày
- Đi xe đạp đi làm
- Chơi một môn thể thao mà bạn yêu thích.
- Bỏ thuốc lá
Nếu bạn đang hút thuốc lá thì việc bỏ thuốc lá sẽ giúp cải thiện chỉ số cholesterol HDL của bạn. Khi bạn làm điều này sẽ có nhiều lợi ích xảy ra một cách nhanh chóng:
- Trong vòng 20 phút sau khi bỏ thuốc, huyết áp và nhịp tim của bạn sẽ hồi phục sau khi tăng đột biến do hút thuốc lá.
- Trong vòng ba tháng sau khi bỏ thuốc, tuần hoàn máu và chức năng phổi của bạn bắt đầu được cải thiện.
- Trong vòng một năm bỏ thuốc, nguy cơ mắc bệnh tim của bạn sẽ giảm chỉ bằng một nửa so với khi bạn hút thuốc lá.
- Giảm cân
Việc vượt quá cân nặng chỉ một vài pound cũng đã làm tăng chỉ số cholesterol. Những thay đổi nhỏ có gộp lại có thể tạo ra sự thay đổi đáng kể mà bạn không ngờ tới. Nếu bạn thích uống đồ uống có đường, hãy chuyển sang uống nước lọc. Ăn nhẹ với bỏng ngô hoặc bánh mỳ, tuy nhiên cần theo dõi lượng calo mà bạn đã nạp vào. Nếu bạn thèm ăn một thứ gì đó ngọt ngào, bạn hãy thử kẹo có ít hoặc không có chất béo.
Tìm cách kết hợp nhiều hoạt động hơn vào thói quen sinh hoạt hàng ngày của bạn. Chẳng hạn như sử dụng cầu thang bộ thay vì đi thang máy, đỗ xe xa hơn và đi bộ đến văn phòng của bạn. Đi dạo trong giờ nghỉ ngay tại nơi làm việc. Tăng cường các hoạt động đức như nấu ăn, làm vườn sau khoảng thời gian ngồi làm việc cả ngày.
- Hạn chế uống rượu bia
Sử dụng rượu vừa phải có liên quan đến chỉ số cholesterol HDL cao hơn, nhưng lợi ích của nó không đủ lớn để có thể khuyến khích bất cứ ai uống rượu.
Uống quá nhiều rượu có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm cao huyết áp, suy tim và đột quỵ. Chính vì vậy, bạn nên hạn chế việc uống rượu.
Mỡ máu là một thành phần quan trọng trong cơ thể. Tuy nhiên khi mỡ máu cao sẽ gây ra bệnh máu nhiễm mỡ với nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Chính vì vậy việc kiểm soát mỡ máu là rất quan trọng để luôn có một sức khỏe tốt nhất.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()