Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:55 (GMT +7)
Giảm 287 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập
Thứ 3, 06/06/2023 | 15:58:34 [GMT +7] A A
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, từ năm 2017 đến nay, cả nước đã giảm được 287 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập (giảm 23% số cơ sở).
Giảm 575 trung tâm công lập cấp huyện
Trong Báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 gửi các đại biểu Quốc hội mới đây, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, tính đến tháng 5.2023, cả nước có 1.888 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 397 trường cao đẳng, 433 trường trung cấp và 1058 trung tâm giáo dục nghề nghiệp.
Trong đó, có 1.205 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập (chiếm 63,8%) với 313 trường cao đẳng, 204 trường trung cấp, 698 trung tâm giáo dục nghề nghiệp.
Hiện, đã bước đầu hình thành mạng lưới trường chất lượng cao và các nghề trọng điểm quốc gia, khu vực, quốc tế theo từng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, từng vùng, địa phương và trình độ đào tạo.
Bộ cũng đã phối hợp xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 10.2.2023 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thực hiện Nghị quyết số 64/NQ-CP ngày 4.9.2014 của Chính phủ về việc sáp nhập các trung tâm công lập cấp huyện thành một đơn vị, cả nước đã có 538 huyện của 54 tỉnh sáp nhập trung tâm dạy nghề với các trung tâm công lập cấp huyện thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, giảm 575 trung tâm công lập cấp huyện. Từ năm 2017 đến nay, cả nước đã giảm được 287 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập (giảm 23% số cơ sở).
Quyền tự chủ trong hoạt động chuyên môn của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngày càng được nâng cao. Các cơ sở được tự chủ hoàn toàn trong việc phát triển chương trình đào tạo căn cứ chuẩn đầu ra, được đào tạo văn hóa, đào tạo chương trình chất lượng cao và được xác định học phí tương xứng chi phí đào tạo chương trình chất lượng cao, được liên kết đào tạo với doanh nghiệp...
Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở
Mặc dù mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã phát triển nhưng theo đánh giá của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện vẫn chưa phân bố hợp lý giữa các vùng miền, chủ yếu tập trung ở khu vực đô thị.
Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa gắn với quy hoạch phát triển nhân lực, với quy hoạch, kế hoạch phát triển của các ngành và địa phương, cấp trình độ đào tạo.
Bên cạnh đó, cơ cấu tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp còn bất cập, chủ yếu vẫn là trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng (chiếm hơn 80%), trình độ trung cấp, cao đẳng chỉ chiếm khoảng 20%. Chất lượng, hiệu quả đào tạo của nhiều cơ sở còn thấp, chưa gắn bó hữu cơ với nhu cầu nhân lực của từng ngành, từng địa phương...
Để khắc phục tình trạng trên, trong thời gian tới, Bộ sẽ rà soát, hoàn thiện chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trong và ngoài nước thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Cùng với đó, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, sắp xếp để quy hoạch, phát triển mạng lưới hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm yêu cầu phát triển về quy mô, chất lượng. Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, bảo đảm quy mô, cơ cấu, hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo (đa ngành, chuyên ngành), vùng miền, chuẩn hóa, hiện đại hóa, có phân tầng chất lượng.
Sắp xếp, tổ chức lại cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập nhằm giảm mạnh đầu mối, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ.
Tiếp tục thực hiện tự chủ theo lộ trình, áp dụng quản trị tiên tiến; chuyển đổi hoạt động của các cơ sở công lập đủ điều kiện sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hạch toán như doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tự chủ đi đôi với trách nhiệm giải trình, tăng cường sự kiểm tra, giám sát của nhà nước và xã hội.
Theo daibieunhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()