Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 08:27 (GMT +7)
Giảm 2% thuế VAT: Đòn bẩy kích cầu tiêu dùng
Thứ 4, 12/04/2023 | 09:18:29 [GMT +7] A A
Như với một bó rau, nếu thuế VAT giảm 2%, người tiêu dùng sẽ được mua rẻ hơn, qua đó kích thích chi tiêu nhiều hơn và đóng góp doanh thu tốt hơn cho nhà bán lẻ.
Giảm thuế VAT kích thích tiêu dùng
Tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống còn 8% từ ngày 1/7 đến hết năm nay là đề xuất mới nhất từ Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính. Nếu được thông qua thì với cùng một ví tiền của bất kỳ người dân nào sẽ có thể mua được nhiều hàng hoá hơn, qua đó kích thích nhu cầu tiêu dùng để chính các doanh nghiệp sản xuất cũng được hưởng lợi sau đó.
Như với một bó rau, nếu thuế giá trị gia tăng giảm 2%, người tiêu dùng sẽ được mua rẻ hơn, qua đó kích thích chi tiêu nhiều hơn và đóng góp doanh thu tốt hơn cho nhà bán lẻ. Còn với hộ kinh doanh ăn uống mua về để làm nguyên liệu, thì rõ ràng là chi phí đầu vào cũng giảm đi, từ đó có thể giảm giá bán và kéo khách đến ăn nhiều hơn.
"Thông qua chính sách này với giá bán giảm, người tiêu dùng mua hàng nhiều, chúng tôi bán được nhiều sản phẩm hơn, thì đối với những nhà cung cấp hàng hóa trực tiếp cho doanh nghiệp bán lẻ họ cũng sẽ được lợi. Khi đó nhà cung cấp cũng sẽ tương đồng bán được nhiều hàng hóa cho doanh nghiệp bán lẻ", bà Đoàn Kim Hương - Giám đốc Khối Vận hành, Hệ thống siêu thị Aeon đánh giá.
Khi thi trường xuất khẩu vẫn khó khăn với chỉ số sản xuất công nghiệp cả nước quý I giảm hơn 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc thúc đẩy thị trường nội địa, tăng tiêu dùng trong nước sẽ có tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng.
Dù vậy tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý 1 có một số điểm đáng lo. Chỉ số này tại đầu tàu kinh tế là TP Hồ Chí Minh chỉ tăng trưởng bằng 1/3 so với cả nước, điều rất hiếm gặp. Do đó theo giới chuyên gia, sử dụng công cụ giảm thuế sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn để giải bài toán này.
"Chi phí đầu vào giảm sẽ kích thích sản xuất. Các nhà sản xuất sẽ dễ triển khai các chương trình kích thích tiêu dùng hơn. Một mặt đỡ áp lực đầu vào, một mặt sẽ kích thích tiêu dùng thông qua chính sách giá, hỗ trợ, khuyến mãi gì đó. Qua đó tạo ra được vòng quay tiêu dùng. Tất cả những cái đó sẽ đóng góp vào tăng trưởng GDP và đóng thuế trở lại", ông Huỳnh Phước Nghĩa - Đại học UEH Kinh tế TP Hồ Chí Minh phân tích.
Ông Phạm Duy Hoàng Nam - Giám đốc Tài chính FPT Retail kỳ vọng chính sách này có thể kéo dài hơn, để đem lại hiệu quả đủ lớn. Đồng thời cũng tiết kiệm cho doanh nghiệp phần chuyển đổi, quy trình, đào tạo hệ thống.
Các doanh nghiệp kiến nghị, trong trường hợp không phải hàng hóa, dịch vụ nào cũng được giảm thuế VAT, thì ngành chức năng cần xác định rõ và cụ thể những mặt hàng không được giảm thuế. Tránh gây lúng túng khi phân loại và phát sinh chi phí cho doanh nghiệp.
Tối ưu phương án giảm VAT
Theo dự thảo, Bộ Tài chính đang đưa ra 2 phương án giảm thuế khác nhau. Một là giảm 2% VAT với tất cả các nhóm hàng hoá, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%. Hai là chỉ áp dụng với các nhóm ngành nhất định.
Năm ngoái chính sách giảm thuế giá trị gia tăng đã hỗ trợ trực tiếp cho người dân tới 38.900 tỷ đồng, nhưng quá trình thực thi được cho là vẫn ghi nhận những vướng mắc và lúng túng nhất định.
Theo đánh giá, dù giảm thuế là có lợi nhưng cũng cần kể đến chi phí tuân thủ và thời gian áp dụng có đủ dài hay không? Và đây cũng chính là lý do mà đa phần ý kiến chuyên gia được bản tin Tài chính Kinh doanh ghi nhận đều cho rằng phương án giảm thuế VAT với tất cả các nhóm ngành hàng và dịch vụ nên là lựa chọn được ưu tiên.
Theo Hội tư vấn Thuế Việt Nam, phương án giảm 2% thuế VAT cho tất cả các mặt hàng có sức tác động lớn hơn, bên cạnh đó thuận tiện cho công tác hạch toán thuế đầu vào - đầu ra tại các đơn vị và cũng không còn vướng mắc về phân loại sản phẩm, dịch vụ được giảm thuế.
"Khi thực hiện năm 2022, doanh nghiệp rất là lấn cấn trong việc xuất hoá đơn, nên xuất 8% hay xuất 10%. Ví dụ như cái thìa, cái muỗng tiêu dùng thì được giảm, nhưng từ cái sản phẩm sắt thép không được giảm rất là khó", bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam cho biết.
Theo chuyên gia thuế, thuế giá trị gia tăng là thuế tiêu dùng nhiều giai đoạn, cho nên nếu như việc giảm thuế mà không giảm tất cả hàng hoá dịch vụ sẽ dẫn đến hiệu ứng chuyển thuế. Doanh nghiệp không thật sự hấp thụ được những tác động từ chính sách.
"Ví dụ như là hàng hoá này được giảm thuế nhưng thuộc đầu vào của hàng hoá khác. Hàng hoá khác không được giảm thuế nhưng lại được đầu vào giảm thuế thì sẽ dẫn đến thực chất ra là trong trường hợp đó giảm số thuế của doanh nghiệp bán hàng lại tăng số thuế phải nộp của doanh nghiệp mua hàng.
Còn ngược lại nếu doanh nghiệp sản xuất hàng hoá, dịch vụ được giảm thuế nhưng đầu vào của họ không chịu thuế thì thực chất ra có thể họ được hưởng nhưng sẽ để ở thuế đầu vào chưa khấu trừ hết, chứ cũng chưa chắc sẽ được hưởng ngay", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Xuân Trường - Trưởng khoa Thuế và Hải quan - Học viện Tài chính phân tích.
Tính chung quý I/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1,505 triệu tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy các chính sách kích cầu phục hồi kinh tế vẫn đang tiếp tục phát huy hiệu quả. Dù vậy, nếu xét về quy mô thì vẫn chưa tương xứng được với giai đoạn trước COVID-19,
Chính vì thế, để tăng tốc phục hồi và phát triển kinh tế, chính sách thuế sẽ chỉ thật sự hiệu quả nếu quá trình thực thi đơn giản, thuận tiện và được kiểm soát chặt chẽ. Bởi chỉ khi mang lại lợi ích thực chất với người dân thì mới thực sự kích thích được nhu cầu mua sắm nội địa, cũng là khơi dậy được động lực tăng trưởng lớn nhất của nền kinh tế.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()