Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 14:24 (GMT +7)
Giải trình về tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư công và công tác quản lý PCCC
Thứ 6, 26/05/2023 | 16:00:00 [GMT +7] A A
Ngày 26/5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên giải trình về tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023, các chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân nguồn kinh phí sự nghiệp cho lĩnh vực y tế, giáo dục và công tác quản lý phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh. Hội nghị được truyền hình trực tuyến đến cấp huyện, cấp xã trong tỉnh. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì hội nghị.
Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung trao đổi, giải trình, làm rõ những nội dung liên quan đến tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư công và chỉ tiêu công ở một số lĩnh vực như: y tế, giáo dục chưa có nhiều chuyển biến. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đến ngày 19/5/2023 đạt 15,6%, thấp hơn cùng kỳ (19,1%); tỷ lệ thu hồi tạm ứng năm 2022 và các năm trước chuyển sang năm 2023 mới đạt 16%; tiến độ triển khai các dự án chuyển tiếp và thủ tục khởi công các dự án mới năm 2023 còn chậm so với chỉ đạo. Công tác chuẩn bị đầu tư các dự án khởi công mới giai đoạn 2023-2025 chưa đáp ứng yêu cầu. Việc phân khai chi tiết cho các Chương trình mục tiêu theo Nghị quyết 12/NQ-HĐND của HĐND tỉnh còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành mục tiêu của Chương trình. Kinh phí phân bổ cho lĩnh vực y tế, giáo dục vẫn chưa được giải ngân. Đến nay vẫn đang trong quá trình giao dự toán cho đơn vị cấp dưới trực thuộc.
Nguyên nhân được các đại biểu chỉ rõ, đó là công tác chuẩn bị đầu tư chưa kỹ càng dẫn đến thường xuyên phải điều chỉnh; tiến độ giải phóng mặt bằng còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công; vướng mắc về việc xác định nguồn đất đắp và vị trí đổ thải, nhất là đối với một số dự án có kế hoạch vốn lớn trong năm. Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong các bước thực hiện dự án, cấp quyền khai thác khoáng sản đối với đất san lấp, xử lý tài sản công chưa nhuần nhuyễn; tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm của một số chủ đầu tư.
Kết luận nội dung này, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định, thời gian qua, tỉnh đã rất cố gắng trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành bằng các văn bản của Tỉnh ủy, HĐND, UBND trong việc nâng cao trách nhiệm của các cơ quan liên quan, nhất là đội ngũ cán bộ công chức trực tiếp thực thi nhiệm vụ đầu tư công theo quy định pháp luật. Đây cũng là những nội dung ràng buộc trách nhiệm rất chặt chẽ từ tỉnh tới cơ sở, các chủ đầu tư… được thể hiện rõ trong các văn bản của BCH Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhận diện, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra, thậm chí là khó khăn hơn so với các năm trước. Công tác lập, báo cáo, đề xuất chủ trương đầu tư chất lượng còn thấp, còn chậm ảnh hưởng tới việc trình quyết định chủ trương đầu tư. Công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án, chất lượng hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi…; giải phóng mặt bằng, vị trí đổ thải, đất san lấp... xử lý tài sản công vẫn còn những khó khăn. Nguyên nhân chính liên quan tới công tác phối hợp giữa một số cơ quan, đơn vị, địa phương trong giải quyết công việc có thời điểm, có việc chưa chặt chẽ, kịp thời, chưa làm hết trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả còn hạn chế; có tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu quyết tâm, quyết liệt, sợ sai trong một số cán bộ, công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ và người đứng đầu.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Đầu tư công được xác định là động lực, là trụ cột quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh; vì vậy cần được quan tâm. Theo đó, phải tiếp tục tái cơ cấu gắn với nâng cao hiệu quả đầu tư công, quản lý sử dụng tiết kiệm, hiệu quả vốn ngân sách nhà nước, ngân sách tập trung cho an sinh xã hội, thu hẹp chênh lệch vùng miền và các công trình có tính chất động lực lan tỏa; triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp thúc đẩy tiến độ, nâng cao tỷ lệ, hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công gắn với nâng cao chất lượng công trình, dự án; tăng cường cơ chế kiểm soát tạm ứng kinh phí và thanh toán vốn đầu tư theo thực tế khách quan khối lượng thi công và chất lượng; tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế và quy trình giám sát, nhất là giám sát hiện trường, công tác nghiệm thu trong quá trình thanh quyết toán đưa dự án vào vận hành. Phải tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, thủ trưởng các sở, ngành, ban quản lý dự án; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương nhằm phát hiện, giải quyết kịp thời, hiệu quả những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện; thực hành phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, “lợi ích nhóm”.
Ban Cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh chỉ đạo sát sao, khoa học các chủ đầu tư, các cơ quan quản lý lập kế hoạch giải ngân chi tiết bảo đảm khối lượng cam kết và các quy định của pháp luật.
Cùng ngày, Thường trực HĐND tỉnh nghe giải trình về công tác quản lý PCCC trên địa bàn tỉnh. Đây là vấn đề nhân dân, cử tri cả nước nói chung và trong tỉnh nói riêng quan tâm. Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh cũng có nhiều giải pháp đảm bảo mục tiêu PCCC tốt hơn, cuộc sống nhân dân an toàn hơn, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn. Ngày 27/8/2021, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 32/2021/NQ-HĐND quy định việc xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC được đưa vào hoạt động trước Ngày Luật PCCC số 27/2021/QH10 có hiệu lực. Theo Nghị quyết, sau thời hạn 24 tháng, các cơ sở không thể khắc phục được điều kiện bảo đảm an toàn về PCCC thì phải thay đổi tính chất hoạt động phù hợp với điều kiện về an toàn PCCC của công trình hoặc bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó có những bất cập về các quy định của nhà nước đã được các cơ quan chức năng, cộng đồng doanh nghiệp, cử tri, nhân dân kiến nghị sửa đổi, việc thực hiện Nghị quyết 32 của HĐND tỉnh đến nay chưa được kịp thời, hiệu lực, hiệu quả.
Để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC của các cấp chính quyền; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo đời sống dân sinh, an ninh trật tự, các đại biểu tham dự hội nghị đã thẳng thắn trao đổi để tìm những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong PCCC để vừa đảm bảo nghiêm quy định của pháp luật về PCCC, đảm bảo sự an toàn nhất cho người dân và sự phát triển bền vững của các chủ thể liên quan và tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong bối cảnh hiện nay.
Kết luận nội dung này, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải bám sát phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, từ xa, từ sớm, từ cơ sở để vận hành cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, sẵn sàng trong xử lý tình huống theo tinh thần phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả. Tăng cường vai trò của người đứng đầu cấp huyện, cấp xã, trong đó Bí thư, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã nắm rõ địa bàn, các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao trên địa bàn mình.
UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả chỉ đạo của Trung ương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong bảo đảm an toàn PCCC; trong đó chú trọng hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính và hướng dẫn, giải đáp đầy đủ, cụ thể, chi tiết các quy định để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân nắm bắt, triển khai. Thực hiện phân cấp quản lý theo tính chất, quy mô của công trình để hoàn thiện và gắn trách nhiệm cơ quan đầu mối quản lý nhà nước, các sở, ngành, đơn vị, địa phương và cá nhân có liên quan.
Thực hiện nghiêm túc công tác phê duyệt, thẩm định, thẩm duyệt, cấp phép, nghiệm thu đối với các dự án công trình xây dựng mới; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các công trình xây dựng trên địa bàn đảm bảo quản lý ngay từ ban đầu; kịp thời phát hiện và áp dụng các biện pháp ngăn chặn các hành vi vi phạm, sai phạm về xây dựng, PCCC trong quá trình thi công, kiên quyết xử lý dứt điểm không để phát sinh mới các công trình vi phạm tái diễn.
Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, nhất là những quy định, giải pháp tháo gỡ khó khăn, bất cập trong công tác PCCC đã ban hành để người dân, doanh nghiệp kịp thời nắm bắt và thuận lợi trong triển khai thực hiện, đáp ứng cho hoạt động đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Các Ban HĐND tỉnh, tổ đại biểu HĐND tỉnh tăng cường hoạt động giám sát để kịp thời có các đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh, sở, ngành để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, người dân tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, đảm bảo an ninh trật tự, an ninh nhân dân.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()