Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 05:37 (GMT +7)
Giải pháp 'tiêu' hơn 94.000 tỷ đồng vốn đầu tư công của ngành Giao thông
Thứ 7, 04/02/2023 | 10:44:18 [GMT +7] A A
Trên cơ sở kế hoạch vốn đầu tư công được Chính phủ giao năm 2023 (94.161 tỷ đồng), ngay từ đầu năm, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã ban hành chỉ thị đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công và kịp thời giao chi tiết cho các dự án đầy đủ thủ tục (đạt 99,97%).
Phê duyệt đầu tư 18 dự án giao thông trọng điểm
Thông tin về tình hình triển khai các dự án đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ các dự án và tình hình giải ngân vốn đầu tư công của Bộ GTVT mới đây, theo ông Lê Quyết Tiến, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng, hiện có 57/63 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư. Trong 57 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, có 39 dự án đã được phê duyệt dự án đầu tư, 18 dự án còn lại tiến độ phê duyệt đang được lập kế hoạch điều chỉnh, dự kiến hoàn thành trong quý III/2023.
Cụ thể, 3 dự án dự kiến được phê duyệt dự án đầu tư trong tháng 2/2023, gồm: Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; xây dựng hệ thống thông tin phục vụ quản lý Nhà nước của Cục Đường bộ Việt Nam.
Một dự án dự kiến được phê duyệt trong tháng 3/2023 là tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn; 14 dự án khác sẽ được phê duyệt trong quý II - III/2023. Cục Quản lý đầu tư xây dựng đang đề nghị lãnh đạo các đơn vị quyết liệt chỉ đạo tư vấn thiết kế phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn chỉnh thủ tục về đầu tư, kiểm điểm tiến độ hàng tuần, hàng tháng, tập trung giải quyết dứt điểm các thủ tục về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đánh giá tác động môi trường, khung chính sách… để hoàn thành thẩm định.
Ngay từ đầu năm, Bộ GTVT đã ban hành ngay chỉ thị đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công. Trong đó, nguồn vốn nước ngoài đã được giao 100% kế hoạch (4.958 tỷ đồng), vốn trong nước đã giao 89.177, đạt 99,97% kế hoạch. Trong tổng số vốn đã phân khai, các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án thuộc Bộ được giao 86.094 tỷ đồng (chiếm 91,5%); các chủ đầu tư khác được giao 8.040 tỷ đồng (chiếm 8,5%).
Theo nhóm dự án, các dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn I 2017 - 2020 được giao 17.889 tỷ đồng (chiếm 19% kế hoạch vốn được giao); các dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn II 2021 - 2025 được giao 45.266 tỷ đồng (chiếm 48%); các dự án ODA được giao 7.784 tỷ đồng (chiếm 8,3%); các dự án trọng điểm, cấp bách được giao 2.259 tỷ đồng (chiếm 2,4%); các dự án giao thông trong nước còn lại được giao 20.977 (chiếm 22,3%).
Thống kê của Bộ GTVT, dự kiến năm 2022, ngành Giao thông giải ngân được 52.969 tỷ đồng, đạt 96,2% kế hoạch được giao. Kết quả giải ngân năm 2022 của Bộ GTVT đảm bảo mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch được giao theo chỉ đạo của Chính phủ, cao hơn mức bình quân cả nước (khoảng 92,7%) và kết quả giải ngân năm 2021 (đạt 93,7%). Trong tổng số vốn giải ngân năm 2022, nhóm các chủ đầu tư/Ban Quản lý dự án giải ngân 47.089 tỷ đồng (đạt 98%), các đơn vị khác giải ngân 5.879 tỷ đồng (đạt 83,9%).
Bốn nguyên tắc tăng tốc giải ngân
Để đảm bảo hoàn thành tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng yêu cầu toàn ngành thực hiện 4 nguyên tắc theo hướng thi công nhanh nhất, khởi công càng sớm càng tốt và chủ động, sáng tạo. Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, năm 2023, Bộ GTVT đăng ký kế hoạch vốn 72.000 tỷ đồng, nhưng Chính phủ giao thêm hơn 22.000 tỷ, tổng số vốn được giao gấp 1,7 lần năm 2022 và 2,2 lần năm 2021.
Vì vậy, Bộ GTVT yêu cầu Cục Quản lý đầu tư xây dựng phải là đầu mối tham mưu các giải pháp xử lý nhanh vướng mắc cản trở tiến độ các dự án như: Mặt bằng, vật liệu, bãi đổ thải, công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật; thành lập tổ chuyên biệt thực hiện giải quyết vướng mắc một cách thống nhất, đồng bộ, kịp thời, trong đó chú trọng khối lượng vốn giải ngân năm 2023 vào các dự án cao tốc Bắc Nam.
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án thực hiện mọi giải pháp nhanh chóng khởi công, thi công các dự án càng sớm càng tốt; giải phóng mặt bằng càng nhanh càng tốt, giải phóng đến đâu tăng tốc thi công cuốn chiếu đến đó, đảm bảo quyết liệt, chủ động, bám sát hỗ trợ địa phương để hoàn thành sớm nhất; các dự án thi công nhanh nhất, nhiều nhất có thể; riêng các dự án giao thông trọng điểm cao tốc Bắc Nam giai đoạn II có quy mô gói thầu lớn, phải thực hiện theo phương châm “vừa chạy, vừa xếp hàng”, triển khai song song vừa thiết kế bản vẽ thi công, thi công trên cơ sở bản vẽ được duyệt, vừa xây dựng phương án mua vật liệu ở các mỏ thương mại, đảm bảo vật liệu thi công trong thời gian đầu, đẩy nhanh hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép mỏ vật liệu mới.
Tính nhanh phương án giải ngân năm 2023, để đáp ứng kế hoạch vốn được giao, bình quân mỗi tháng, Bộ GTVT phải giải ngân một khối lượng “khổng lồ” khoảng 8.000 tỷ đồng so với mức 2.500 - 3.000 tỷ đồng trong năm 2022. Do vậy, các chủ đầu tư/Ban Quản lý dự án phải chủ động từ thủ tục đầu tư đến công tác huy động nguồn lực triển khai thi công dự án, huy động sẵn vật tư, vật liệu, nhân lực thi công cuốn chiếu các hạng mục thuận lợi về công địa; đồng thời, phải xây dựng được kế hoạch giải ngân chi tiết từng tuần, từng tháng, làm cơ sở điều hành, siết chặt quản lý, xử lý nghiêm các nhà thầu yếu kém, ngăn chặn tình trạng chậm tiến độ, ảnh hưởng đến kết quả giải ngân.
Ngoài ra, Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư/Ban Quản lý dự án toàn quyền xử lý nhà thầu yếu kém, không đáp ứng được yêu cầu theo quy định trong hợp đồng ký kết và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng. Với lực lượng tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, Bộ GTVT yêu cầu nâng cao trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với nhà thầu trong thiết kế, thi công, nghiệm thu, quyết toán công trình, không để việc thi công, quyết toán chậm trễ chỉ vì tư vấn không thực thi đầy đủ nhiệm vụ theo hợp đồng.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()