Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 11:21 (GMT +7)
Giải pháp tiết kiệm điện của ngành Than
Thứ 6, 30/09/2022 | 10:43:07 [GMT +7] A A
Trung bình một năm, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) sử dụng khoảng 1,4 tỷ kWh điện phục vụ cho các lĩnh vực sản xuất than, Alumin và khoáng sản. Riêng điện phục vụ sản xuất than là gần 700 triệu kWh, chiếm 36,4% tổng mức tiêu thụ điện toàn tỉnh Quảng Ninh. Để sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, TKV đã triển khai nhiều giải pháp mang tính bền vững, như ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại, tiết kiệm điện, thân thiện với môi trường; ưu tiên sử dụng nguồn năng lượng thay thế điện năng trong sinh hoạt và đời sống; nâng cao ý thức và trách nhiệm của cán bộ, người lao động về việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
Hiện nay, Công ty CP Than Hà Tu đang vận hành 12 máy khoan xoay cầu với sản lượng điện tiêu thụ lớn nhất mỏ - gần 5,6 triệu kWh. Để vừa tiết kiệm điện vừa đảm bảo năng suất, sản lượng, Than Hà Tu đã thay thế biến tần khởi động mềm cho động cơ khoan và thay máy cắt điện cầu dao dầu sang máy cắt điện chân không rơ le kỹ thuật số tại tủ điện 6kV. Nhờ vậy, 1 mét khoan của máy giờ đây chỉ sử dụng hết 0,3 kWh điện, giảm một nửa so với thời gian trước.
Ngoài máy khoan, 11 máy xúc điện EKG phục vụ công tác xúc bốc ở khai trường dự án Bắc Bàng Danh cũng tiêu tốn trên 5,3 triệu kWh điện mỗi năm. Chi phí điện năng cho hệ thống thiết bị lớn, nhưng Than Hà Tu luôn phải đảm bảo máy móc hoạt động liên tục để đáp ứng yêu cầu sản xuất. Muốn tiết kiệm điện, đơn vị đã chuẩn bị tốt các điều kiện sản xuất như gương tầng công tác, đất nổ mìn, nền máy... Các thiết bị được bố trí và cân đối đủ cho các phương tiện vận tải làm việc liên tục, tránh tình trạng máy xúc điện chạy không tải chờ xe.
Ông Nguyễn Trọng Hiếu, Phó Giám đốc Công ty CP Than Hà Tu cho biết: Than Hà Tu - Vinacomin là đơn vị sử dụng điện năng trọng điểm của quốc gia và Tập đoàn (khoảng 22 triệu kWh/năm), tương đương tổng chi phí từ 31-36,5 tỷ đồng/năm. Chi phí điện năng được phân bổ cho các thiết bị khai thác dùng điện, như máy khoan xoay cầu, máy xúc EKG, hệ thống bơm nước moong, hệ thống sàng tuyển, các hoạt động khâu phục vụ như sửa chữa, đời sống... Nhờ các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trung bình mỗi năm, Than Hà Tu tiết kiệm được khoảng 5 tỷ đồng tiền điện.
Với các đơn vị khai thác than hầm lò, thông gió mỏ là lĩnh vực chi phí năng lượng lớn nhất, chiếm từ 20-40% điện năng tiêu thụ của mỏ.
Theo thiết kế, các quạt gió chính có công suất động cơ từ hàng trăm đến trên nghìn kW và hoạt động suốt ngày đêm để cung cấp đủ lượng gió cần thiết, phục vụ các diện sản xuất. Ông Nguyễn Thế Hưng, Phó Giám đốc Công ty CP Than Vàng Danh cho biết: Với mục đích tiết kiệm điện năng, mỏ đã lựa chọn phương án điều chỉnh chế độ làm việc của trạm quạt gió theo yêu cầu thực tế của các hộ tiêu thụ gió nói riêng và toàn mỏ nói chung; áp dụng thiết bị biến tần để đưa đặc tính quạt gió chính về công tác ở chế độ phù hợp thông qua việc thay đổi tốc độ quay của động cơ quạt, làm giảm điện năng thông gió chung, góp phần giảm giá thành khai thác than.
Không chỉ tiết kiệm điện ở các khâu sản xuất chính, các đơn vị cũng đã nghiên cứu, sử dụng nguồn năng lượng thay thế điện năng ở khâu phụ trợ.
Từ năm 2017, Công ty CP Than Núi Béo đã sử dụng chính sản phẩm tại chỗ là than cám 5,6 để đốt nồi hơi loại ghi xích có cơ cấu tiết kiệm năng lượng. Theo nguyên lý hoạt động, nồi hơi sẽ sinh ra hơi bão hòa với áp suất làm việc từ 6 đến 7kg/cm2, nhiệt độ hơi bão hòa lên đến 195 độ C. Lượng hơi này thông qua các đường ống bằng thép đúc được bọc bảo ôn cách nhiệt dẫn hơi nóng đến hệ thống các thiết bị, gồm: Tắm, giặt, sấy, nấu cơm, điều hòa nhiệt độ nhằm gia nhiệt cho các thiết bị.
Đối với điều hòa nhiệt độ, dòng hơi bão hòa được đưa đến buồng chứa khí của hệ thống điều hòa trung tâm sử dụng hơi bão hòa, hấp thụ nhiệt và hóa lỏng, tạo ra buồng lạnh từ 70-120 độ C. Dòng nước được vận chuyển tuần hoàn qua buồng lạnh dẫn tới các dàn lạnh điều hòa cục bộ treo trên trần nhà. Thông qua quạt gió và hệ thống ống dẫn xả hơi lạnh xuống phòng làm việc. Giải pháp này đã giúp đơn vị tiết kiệm được nhiều chi phí, giảm sức tiêu thụ điện năng.
Đánh giá về hiệu quả các giải pháp tiết kiệm điện của ngành than, ông Phạm Duy Thanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh cho biết: Ngành than đã có ý thức cao và triển khai tốt các giải pháp tiết kiệm năng lượng, với chỉ tiêu đạt được trên 2%/năm so với tổng mức tiêu thụ, tương đương 14 triệu kWh điện/năm, đảm bảo Kế hoạch số 150/KH-UBND ngày 20/8/2020 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025. Kết quả này, đã góp phần quan trọng trong mục tiêu sử dụng năng lượng điện tiết kiệm, giảm phát thải khí nhà kính của tỉnh Quảng Ninh.
Hoàng Yến
Liên kết website
Ý kiến ()