Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 12:12 (GMT +7)
Uông Bí: Những giải pháp trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản tại Uông Bí
Thứ 7, 06/07/2024 | 13:52:13 [GMT +7] A A
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Uông Bí lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra các mục tiêu cụ thể đối với lĩnh vực du lịch, phấn đấu xây dựng trở thành Trung tâm du lịch văn hoá tâm linh của cả nước.
PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia: “Hợp tác liên vùng, liên tỉnh để xây dựng chuỗi các sản phẩm du lịch tâm linh”Tự thân di sản văn hóa (các di tích lịch sử - văn hóa) không phải và không thể trở thành sản phẩm du lịch. Ngược lại, dù có các loại hình dịch vụ phong phú đến đâu mà không kết hợp dựa trên cơ sở các di sản văn hóa được bảo tồn theo đúng chuẩn mực khoa học thì ngành du lịch không thể phát triển các sản phẩm du lịch có chất lượng. Vì vậy m, để phát triển du lịch tâm linh, TP Uông Bí tất yếu phải xây dựng những dự án tổng hợp, liên ngành (Di sản và du lịch là chủ đạo) để tạo ra những sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, hấp dẫn có giá trị thương phẩm cao, bán được nhiều lần, cho nhiều người với giá trị cao. Hạt nhân trung tâm của các tour, tuyến, điểm du lịch tâm linh của Uông Bí là Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử. Tuy nhiên, khu di tích này cũng chỉ là 1 trong 4 hợp phần quan trọng làm nên Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (Uông Bí - Đông Triều (Quảng Ninh), Vĩnh Nghiêm - Tây Yên Tử (Bắc Giang), Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương)). Do đó, việc hợp tác liên vùng, liên tỉnh để xây dựng chuỗi các sản phẩm du lịch tâm linh để phát huy hết tiềm năng, tài nguyên của một khu di sản văn hóa thế giới trong tương lai gần là vấn đề cấp bách cần được giải quyết. |
Bà Huỳnh Phương Lan, Viện Bảo tồn di tích (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch): “Phát huy giá trị di sản văn hóa vùng đất Uông Bí trong phát triển KT-XH của địa phương” TP Uông Bí hiện có 30 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh; với 1 di tích quốc gia đặc biệt, 5 di tích xếp hạng cấp tỉnh và 24 di tích kiểm kê, phân loại. Nổi bật là Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử đã được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt và đang trong hành trình trở thành di sản văn hóa thế giới. Nhận thức được giá trị và những đóng góp to lớn của hệ thống di tích lịch sử, văn hóa đối với sự phát triển KT-XH của địa phương, trong nhiều năm qua, hệ thống di tích ở Uông Bí đã được quan tâm, đầu tư tu bổ cũng như nâng cấp hệ thống hạ tầng phục vụ khách tham quan. Bên cạnh việc đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, còn có sự tham gia của các doanh nghiệp cũng như chức sắc tôn giáo trong việc tu bổ di tích cũng như phát huy giá trị di tích. Bên cạnh tiềm năng du lịch tâm linh, du lịch văn hóa, các tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm ở Uông Bí đang được khai thác và đóng góp vào sự phát triển KT-XH của địa phương. |
Ông Phạm Hồng Thái, Phó Giám đốc Sở KH&CN Quảng Ninh: “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong kỷ nguyên số” Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong kỷ nguyên số 4.0 chính là việc ứng dụng các công nghệ số hiện đại nhằm đưa di sản đến rộng rãi công chúng, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu. Hiện nay, nhiều công nghệ số phù hợp có thể ứng dụng hiệu quả để bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử. Tiêu biểu là ứng dụng công nghệ quét 3D bằng laser được sử dụng để tạo ra mô hình 3D của các di tích, hiện vật và cổ vật; công nghệ quét 3D bằng ánh sáng quang học được phát ra từ một nguồn ánh sáng quang học của thiết bị; công nghệ VR (Thực tế ảo) và AR (Thực tế tăng cường) cho phép người dùng trải nghiệm di tích và cổ vật trong môi trường ảo hoặc thông qua việc kết hợp thông tin số hóa với thế giới thực; công nghệ trí tuệ nhân tạo cho thuyết minh, thuyết trình lý lịch di vật, di tích; trưng bày di sản trên nền tảng công nghệ 4.0 (website, quét mã QR, trình chiếu 3D Mapping)... Hy vọng rằng, các giải pháp công nghệ sẽ được ứng dụng tại khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử để không chỉ bảo tồn, gìn giữ mà còn phát huy những giá trị vượt thời đại của Yên Tử, đồng thời mở ra nhiều cơ hội thu hút khách du lịch về đây. |
Ông Phạm Chiến Thắng, Ban Quản lý di tích lịch sử Bạch Đằng (TX Quảng Yên): “Đẩy mạnh bảo tồn, phát huy các di tích lịch sử và văn hóa, gắn liền với phát triển du lịch Uông Bí, Quảng Yên” Để thực hiện được mục tiêu đẩy mạnh bảo tồn, phát huy các di tích lịch sử văn hóa gắn liền với phát triển du lịch trên địa bàn TP Uông Bí và TX Quảng Yên, thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp. Trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân về quyền và nghĩa vụ đối với các di sản văn hóa. Củng cố, hoàn thiện bộ máy quản lý di tích, xây dựng mô hình khung cho các ban quản lý. Đẩy mạnh công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa của các di tích lịch sử, các công trình văn hóa. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đẩy mạnh ứng dụng KH&CN trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thông qua sự gắn kết giữa công nghệ số với phát triển du lịch thông minh để đưa các nội dung quảng bá giá trị di sản lên các nền tảng công nghệ, qua đó lan tỏa và phát huy giá trị di sản văn hóa. |
Nguyễn Hoa-Hoàng Yến
Liên kết website
Ý kiến ()