Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:23 (GMT +7)
Giải pháp ngăn chặn các hình thức dạy thêm, học thêm biến tướng
Thứ 2, 18/09/2023 | 09:35:19 [GMT +7] A A
Việc dạy thêm tại các trường phổ thông hiện nay không được kiểm soát và diễn ra dưới nhiều hình thức: Phụ đạo, dạy tiếng Anh tăng cường, tích hợp, bồi dưỡng nâng cao… Dù trên tinh thần tự nguyện đăng ký, song theo phụ huynh, họ khó lòng từ chối khi nhà trường đưa ra lời gợi ý.
Tăng thời gian học không đồng nghĩa với dạy thêm, học thêm
Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu các tiết học thêm diễn ra theo tinh thần tự nguyện. Phụ huynh có nhu cầu sẽ đăng ký cho con học và phải được đảm bảo, cam kết về chất lượng. Song, thực tế những gì diễn ra lại hoàn toàn trái ngược.
Kể từ khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 áp dụng, học sinh tiểu học, THCS được học 2 buổi/ngày. Cũng từ đây, các trường đua nhau liên kết với các đơn vị, trung tâm dạy kỹ năng sống, dạy ngoại ngữ, toán tăng cường... để mời chào phụ huynh đăng ký. Phụ huynh dù không muốn cũng phải "cắn răng" chi vài trăm nghìn mỗi tháng để con theo học bởi các tiết dạy thêm này đều được lồng ghép vào chương trình chính khoá.
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng - Điều phối viên chính Ban Phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bày tỏ sự trăn trở trước thực trạng nêu trên.
"Khi xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chúng tôi được các chuyên gia quốc tế khuyến nghị tăng thời gian học ở trường của học sinh, nhất là học sinh tiểu học. Thời gian học trung bình của học sinh từ 7 tuổi đến 15 tuổi (tương đương từ lớp 1 đến lớp 9) ở các nước thuộc nhóm OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) khoảng 7.390 giờ (60 phút) (số liệu năm 2009).
Trong khi đó, theo chương trình 2006, học sinh Việt Nam chỉ học khoảng hơn 5.600 giờ, còn theo chương trình mới 2018, thời gian chỉ tăng lên được chút ít là gần 6.200 giờ. Nghĩa là còn thấp khá nhiều so với thời gian học của học sinh các nước OECD" - PGS.TS Bùi Mạnh Hùng phân tích và cho rằng, nếu có điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị... thì lẽ ra Việt Nam cần tăng thêm thời gian học ở trường của học sinh.
"Điều mà chúng tôi mong đợi là nhà trường có thêm không gian vận động, vui chơi giải trí cho học sinh. Thật tiếc là hiện nay, các địa phương và nhà trường chưa có nhiều nỗ lực để đổi mới theo hướng đó" - ông Hùng bày tỏ.
Cần xử lý nghiêm người đứng đầu nếu để xảy ra vi phạm
TS Vũ Thu Hương - chuyên gia giáo dục - cũng phản đối việc hiện nay có nhiều trường học liên kết với các đơn vị tư nhân, doanh nghiệp bên ngoài, đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào giờ học chính khoá. Bà Hương cho rằng, không khó để quán triệt tình trạng này, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết liệt hơn trong công tác quản lý, xử lý nghiêm người đứng đầu nếu xảy ra vi phạm.
"Dù đó là trường công hay trường tư, miễn là các quy định của bộ có cả các chế tài xử phạt và có hệ thống thanh tra giáo dục làm việc hiệu quả thì chắc chắn không thể có những hành vi sai trái hết sức ngang nhiên như vậy diễn ra" - TS Vũ Thu Hương đề xuất.
Đồng tình với quan điểm cần cấm triệt để tình trạng dạy thêm, học thêm trong trường học dưới mọi hình thức, thầy Thái Hạo - người từng có nhiều năm làm trong ngành giáo dục, hiện là một chuyên gia với nhiều bài viết về lĩnh vực giáo dục nêu quan điểm: "Giải quyết câu chuyện dạy thêm - học thêm thực chất phải là trả lại và nhận lại vị trí mà mỗi người vốn phải thuộc về: Nhà nước lo tiền và cơ sở vật chất nói chung; giáo viên lo dạy cho đạt mục tiêu mà chương trình đã đề ra; phụ huynh lo phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục con cái (sau khi đã đóng thuế đầy đủ). Còn học sinh thì vui vẻ đi học, em nào không đủ điều kiện lên lớp thì lưu ban. Nếu bất cứ bên nào không làm tròn vai trò của mình, thì giáo dục đều sẽ lâm vào tình trạng tơ vò".
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()