Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:30 (GMT +7)
Giải pháp nào cho bài toán ngập lụt ở Cẩm Phả
Thứ 2, 11/10/2021 | 09:30:00 [GMT +7] A A
Trận mưa lớn kéo dài từ sáng ngày 24/9 vừa qua khiến ngập cục bộ nhiều khu vực tại một số đô thị trên địa bàn tỉnh, trong đó TP Cẩm Phả nhiều nơi bị ảnh hưởng lớn. “Mưa là lụt” đã trở thành quy luật tại địa phương này, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân…
Trở lại tâm lụt
Đầu tháng 10, chúng tôi trở lại Khe Sím, xã Dương Huy (TP Cẩm Phả), nơi đây từng là tâm lụt, ảnh hưởng nặng nề từ trận mưa lụt lịch sử kinh hoàng tháng 7/2015. Chúng tôi ghé vào một số gia đình ở vùng trũng, xóm Ngã Ba và ghi nhận được những tâm tư, mong mỏi của người dân nơi đây. Thấy chúng tôi, bà Đào Thị Hường, than thở: “Trận mưa gần đây dù không kéo dài, nhưng nhà tôi cũng ngập gần 30cm. Mặc dù luôn trong tư thế chủ động, thế nhưng mưa to quá, nhiều vật dụng trong nhà không di chuyển kịp nên hỏng hóc nhiều. Khi nước rút, cả nhà lại phải sửa soạn đồ đạc, nhất là tủ bảo ôn phải mang ra phơi sấy mất mấy ngày…”.
Vừa nói chuyện, bà Hường dẫn chúng tôi vào các gian nhà của gia đình. Các căn phòng ẩm thấp với nhiều vết nứt trên tường; trần nhà được be bịt tạm bợ bởi những tấm bạt, xốp chống dột; nhiều xô, chậu vẫn trong tư thế sẵn sàng hứng nước ở những vị trí nhà dột… “Trận mưa lụt lịch sử năm 2015, nhà tôi ngập đến nóc. Năm ấy nếu không kịp chạy lên đồi có khi cả nhà mất mạng. Bao năm nay, nhà tôi sống trong cảnh tạm bợ, dột nát như thế này mà không được sửa chữa vì trong vùng có kế hoạch di dời. Bà con chúng tôi ở đây rất mong chính quyền, các đơn vị sớm có phương án giúp dân di dời đến nơi an toàn. Chứ nhỡ mưa lớn kéo dài, rất có thể lịch sử ngập lụt năm 2015 sẽ lặp lại…” - bà Hường than thở.
Còn anh Nguyễn Văn Tráng, xóm Cột điện, thôn Khe Sím, cho biết: "Sống ở thung lũng này năm nào cũng chịu cảnh ngập lụt, thế nhưng trận mưa lụt tháng 7/2015 là kinh hoàng nhất. Cả thôn có gần 100 hộ dân bị ngập, thiệt hại nhiều tài sản. Năm nay dù chưa có trận mưa nào kéo dài, nhưng ngập lụt vẫn xảy ra. Trận mưa vừa rồi nhiều người làm công nhân phải đi ca, kíp, mưa bất ngờ đổ về, đồ đạc không kịp di chuyển nên hỏng, trôi dạt hết...".
Trò chuyện với bà con trong thôn Khe Sím, chúng tôi cảm nhận được nỗi lo của họ khi phải sống trong cảnh thấp thỏm, lo âu. Theo một số người dân địa phương, căn nguyên của tình trạng ngập lụt ở Khe Sím từ hoạt động khai thác than đã hình thành nên các bãi thải lớn, nhiều bãi thải nằm ép sát khu dân cư. Mặc dù chân một số khu bãi thải đã được đắp đập, kè đá, trồng cây xanh, nhưng thực tế chỉ đảm bảo với những trận mưa vừa và nhỏ. Nếu mưa kéo dài, lưu lượng nước lớn thì việc nhấn chìm cả một khu vực là điều khó tránh khỏi. Nếu không sớm di dời dân, hoặc có biện pháp hạ thấp các bãi thải thì có thể hậu quả khó lường.
Bà Nguyễn Thị Thư, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Khe Sím, cho biết: Trước đây, khi ngập lụt, thôn đã có nhiều hộ được hỗ trợ di dời đi nơi khác. Nhưng hiện thôn vẫn còn tới 110 hộ trong vùng có nguy cơ ngập lụt. Bà con mong muốn địa phương cũng như các đơn vị liên quan sớm có phương án để đảm bảo ổn định cuộc sống, sản xuất…
Chúng tôi tiếp tục đến phường Mông Dương, đây cũng là địa bàn bị ảnh hưởng nhiều mỗi khi mưa lớn. Một đồng chí cán bộ phường Mông Dương dẫn chúng tôi đi thực tế, cho biết: Nhiều năm nay, hơn 50 hộ dân phường Mông Dường luôn thường trực nỗi lo bởi cứ mưa là ngập lụt; nhà cửa hư hỏng mà không được sửa chữa, nâng cấp có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Nguyên nhân có nhiều, nhưng chủ yếu vẫn được xác định do hoạt động khai thác than hầm lò của Công ty CP Than Mông Dương - Vinacomin. Một thực tế hiện nay, tiến độ đền bù, hỗ trợ di dời các hộ đến nơi an toàn rất chậm. Nhiều hộ trong vùng bị ảnh hưởng vẫn đang ngóng chờ được di dời đến nơi ở khác…
Hiện nay, ngoài một số khu vực trọng điểm về ngập lụt, nhiều khu vực đô thị trên địa bàn TP Cẩm Phả cũng trong tình trạng ngập lụt cục bộ mỗi khi có mưa lớn. Theo báo cáo của TP Cẩm Phả, từ đêm ngày 23/9 đến 14h ngày 24/9/2021, trên địa bàn TP Cẩm Phả có mưa to, có thời điểm mưa rất to, kết hợp với triều cường đã gây ngập lụt cục bộ tại một số điểm/khu vực của nhiều phường, xã. Có nơi ngập 30-40cm khi mưa lớn không thoát kịp, như: Tuyến đường Bà Triệu (phường Cẩm Đông), Km6 (phường Quang Hanh), tuyến đường 18A - từ cầu 20 đến bến xe Cửa Ông, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (phường Cửa Ông)...
Giải pháp an toàn nào cho người dân?
Qua những đợt mưa lớn, TP Cẩm Phả đều rà soát, tìm hiểu nguyên nhân để có hướng khắc phục. Nguyên nhân ngập cục bộ được xác định là do trong quá trình triển khai các dự án, hạ tầng chưa hoàn thiện, khi mưa lớn bùn đất trôi xuống làm thu hẹp, ách tắc dòng chảy; hệ thống thoát nước dù đã được đầu tư nhưng chưa đồng bộ… Thêm nữa, Cẩm Phả là khu vực có số doanh nghiệp lớn với hàng chục đơn vị khai thác than hầm lò, lộ thiên thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc (Bộ Quốc phòng). Với hàng chục năm khai thác lộ thiên, các đơn vị khai thác than đã đắp nên những bãi thải mỏ khổng lồ lên khoảng 150 triệu mét khối đất, đá/năm, ảnh hưởng đến vùng rộng lớn khoảng 6.000ha diện tích tự nhiên toàn thành phố.
Dù đã có không ít biện pháp nhằm hạn chế tác động tiêu cực từ các bãi thải đến môi trường, thế nhưng hệ luỵ từ việc khai thác lộ thiên đối với người dân sinh sống phụ cận các bãi thải không hề nhỏ. Trong đó có những trận ngập lụt gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng, thiệt hại đến cả tính mạng con người…
Sau trận mưa lụt lịch sử năm 2015, cấp uỷ, chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều phương án để giải “bài toán” ngập lụt trên địa bàn. Ngành Than đã bố trí kinh phí lớn để triển khai các dự án ngăn chặn và khắc phục ô nhiễm môi trường, hỗ trợ di dời các hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao.
Tỉnh cũng ban hành Đề án di dân tổng thể ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, ngập lụt nguy hiểm và quy hoạch bố trí dân cư phòng tránh thiên tai trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025. Theo đó, tổng nhu cầu di dời các hộ dân ra khỏi vùng sạt lở, ngập lụt nguy hiểm là 2.106 hộ, trong đó chủ yếu là các hộ sinh sống gần chân bãi thải các đơn vị khai thác than. Đến hết năm 2018, Quảng Ninh hoàn thành di dời 558 hộ (đạt 100% kế hoạch đề ra trong giai đoạn). Cùng với đó, TP Cẩm Phả cũng chủ động dành nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, cải tạo đường, cầu, nhất là hệ thống thoát nước thải để đảm bảo lưu thông nước, nhất là khi có mưa lớn…
Với những giải pháp đó đã góp phần quan trọng khắc phục tình trạng ngập lụt, giúp nhiều hộ dân ổn định đời sống, đảm bảo an toàn nơi ở mới. Mặc dù vậy, hiện nay tình trạng ngập lụt mỗi khi có mưa lớn tại địa phương này vẫn chưa được giải quyết triệt để, gây nhiều ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ông Phạm Văn Kính, Phó Chủ tịch UBND TP Cẩm Phả, cho biết: Thành phố đã chỉ đạo các xã, phường, đơn vị, lực lượng chức năng chủ động theo dõi, có các kế hoạch, phương án ứng phó hiệu quả với mưa bão, nhất là mưa lớn kéo dài; thường xuyên kiểm tra, rà soát và kiên quyết di chuyển những hộ dân ở các nơi nguy hiểm đến nơi an toàn khi dự báo có mưa lớn xảy ra. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị ngành Than đóng trên địa bàn triển khai ngay các phương án đề phòng mưa lớn gây lũ quét, sạt lở khu vực bãi thải, ngập úng đường lò, khai trường khai thác, nhất là tại bãi thải Đông Cao Sơn (Mông Dương), bãi thải Bàng Nâu, bãi thải Đông Khe Sim và hạ lưu một số khai trường sản xuất...
Theo tính toán, để di dân ra khỏi vùng sạt lở, ngập lụt nguy hiểm trên địa bàn TP Cẩm Phả rất cần nguồn kinh phí lớn. TP Cẩm Phả đã làm việc với đơn vị ngành Than và yêu cầu sớm có phương án di dời, bố trí tái định cư cho các hộ dân trong vùng ngập lụt, nguy hiểm đến nơi ở khác để đảm bảo an toàn, ổn định đời sống.
Đặc biệt, đối với khu vực thôn Khe Sím hiện vẫn có hàng trăm hộ trong vùng nguy cơ ngập lụt, sạt lở, ông Phạm Văn Kính cho biết thêm: "Trước đây, khi tổ chức di dời dân khu vực này, chính quyền đã tính toán di dời hết. Nhưng do một số hộ không đồng tình phương án hỗ trợ, nên cơ quan chức năng đành phải để lại. Mới đây, ngành Than đưa ý kiến không có nhu cầu sử dụng diện tích đất người dân đang sinh sống. Vì vậy, để di dời được hơn 100 hộ dân trong vùng này phải có nguồn kinh phí rất lớn, chính quyền địa phương chưa thể thực hiện nên đành chờ chủ trương của cấp trên".
Có thể thấy, cấp uỷ, chính quyền địa phương và các đơn vị đã nỗ lực khắc phục tình trạng ngập lụt, tuy nhiên chưa được giải quyết triệt để. Thực tế hiện nay, cuộc sống của nhiều người dân, nhất là các hộ sống gần khu vực đổ thải của một số đơn vị ngành Than vẫn phải đối mặt với bụi, ô nhiễm môi trường, nguy cơ mất an toàn vào mùa mưa bão. Do đó, vấn đề đặt ra là cần giải pháp căn cơ, hiệu quả hơn nữa để khắc phục triệt để tình trạng ngập lụt trên địa bàn.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()