Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 16:28 (GMT +7)
Giải bài toán môi trường sau bão trên Vịnh Hạ Long
Chủ nhật, 03/11/2024 | 07:08:02 [GMT +7] A A
Sau bão số 3, tình trạng rác trôi nổi tràn lan từ các vật liệu nuôi trồng thuỷ sản trên Vịnh Hạ Long có lẽ là vấn đề môi trường nghiêm trọng nhất đối với di sản này từ trước tới nay. Việc khắc phục mất nhiều công sức, thời gian, đòi hỏi về lâu dài cần có những giải pháp hiệu quả hơn nữa, để không chỉ gìn giữ tốt môi trường mà còn trả lại vẻ đẹp, sự sạch sẽ cần có cho cảnh quan di sản khi nơi này là điểm đến hút khách suốt 4 mùa trong năm, nhất là dòng khách quốc tế.
Cơn bão số 3 (Yagi) đổ bộ vào các vùng biển Quảng Ninh, với sức tàn phá khủng khiếp đã đánh tan hàng loạt các lồng bè nuôi trồng thuỷ sản, khiến số lượng lớn các bè này vỡ hỏng, trôi dạt khắp nơi, tạo thành lượng rác khổng lồ trên mặt nước nhiều địa phương, trong đó có khu vực di sản Vịnh Hạ Long. Sau bão, rất dễ thấy những mảng lồng bè lớn, các vật dụng nuôi trồng thủy sản trôi nổi hay dạt vào các chân đảo, khu vực ven bờ. Không chỉ như vậy, nhiều loại vật liệu này còn bị sóng đánh, gió thổi mắc kẹt vào các vị trí hiểm trở trên các đảo đá khiến công tác thu dọn càng khó khăn hơn, tốn kém về sức người hơn.
Chung tay làm sạch di sản
Theo thông tin từ Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cho thấy, để nhanh chóng khắc phục thảm họa sau bão, sớm trở lại đón khách tham quan, ngay sau bão, đơn vị đã ban hành các Kế hoạch tổ chức đợt cao điểm thu gom rác thải trên vịnh, đề nghị nhà thầu thu gom rác thải bổ sung thêm phương tiện để thu gom, vận chuyển rác trên Vịnh Hạ Long và tăng cường phương tiện bốc xúc, vận chuyển rác thải tại cảng Bến Đoan về điểm tập kết để xử lý. Đồng thời, đơn vị cũng gửi văn bản đến Chi hội Tàu du lịch Hạ Long, các tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ, du lịch trên vịnh đề nghị phối hợp thu gom rác thải, làm sạch Vịnh Hạ Long, hỗ trợ kéo các bè rác thải về điểm tập kết; có văn bản gửi các địa phương liên quan (Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Quảng Yên) đề nghị tăng cường công tác thu gom rác thải, thực hiện tổng vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả sau bão.
Để gia tăng nguồn nhân lực chung tay làm sạch di sản sau bão, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã huy động tối đa nhân lực, trang thiết bị, phương tiện của đơn vị và các cơ quan, tổ chức, cộng đồng, như: Bộ Chỉ huy BĐBP, Bộ CHQS tỉnh, Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, các tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ du lịch trên vịnh và các tình nguyện viên cùng tham gia vớt rác, nhặt rác trên các chân đảo Vịnh Hạ Long.
Theo thống kê của đơn vị, chỉ tính riêng từ ngày 14-25/9, đã huy động được 1.209 lượt nhân lực, 334 lượt phương tiện tổ chức liên tục vớt rác phao xốp, bè tre trôi nổi, đồng thời tổ chức nhặt rác phao xốp, bè mảng trôi dạt vào các chân đảo, bãi cát trên Vịnh Hạ Long. Nhờ đó, các điểm tham quan du lịch trên Vịnh Hạ Long đã nhanh chóng được vệ sinh, dọn dẹp đảm bảo đón tiếp khách du lịch. Lượng lớn rác thải trôi nổi tại các vùng nước, chân đảo tại các tuyến, điểm tham quan đã được thu gom, xử lý.
Hoạt động ra quân cao điểm thu gom rác thải từ ngày 14-25/9 kể trên và sau đó duy trì tăng cường tính đến ngày 15/10, đơn vị đã tổng huy động 2.107 lượt nhân lực, 529 phương tiện, thu gom 1.563m3 rác thải và 410 bè tre. Ngoài ra, còn phải kể đến sự chung tay thu gom rác ven bờ trong các chiến dịch huy động sự tham gia của các địa phương lân cận, hay của chính khách du lịch tham gia dọn vệ sinh cho di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long...
Xử lý triệt để bằng cách nào?
Mặc dù vậy, lượng rác sau bão trên vịnh vẫn còn rất lớn, bởi lẽ việc thu gom thời gian qua tập trung nhiều hơn cho các điểm tham quan chính nơi đây. Vịnh Hạ Long có diện tích rộng lớn, nhiều đảo đá, điều kiện khí tượng thuỷ văn phức tạp cũng gây khó khăn không nhỏ cho công tác thu gom triệt để lượng rác thải phát sinh này. Qua đánh giá của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long thì hiện nay, khi bão đã đi qua được gần 1 tháng nhưng khu vực ven bờ, đặc biệt tại khu vực Tuần Châu - Đại Yên, khu vực Quảng Yên vẫn tồn tại lượng lớn rác thải, bè tre nuôi trồng thủy sản, tiềm ẩn nguy cơ phát tán rác thải ra khu vực di sản Vịnh Hạ Long.
Chính vì thế, trong thời gian tới đây, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long sẽ tiếp tục tăng cường nhân lực, trang thiết bị, phương tiện để thực hiện thu gom rác thải phát sinh do ảnh hưởng của cơn bão số 3 cũng như các loại rác khác trên vịnh để làm sạch rác thải tại các điểm tham quan và toàn bộ khu vực di sản Vịnh Hạ Long.
Ban cũng sẽ tăng cường công tác tuần tra, giám sát môi trường tại các khu vực trên và ven bờ vịnh để kịp thời phát hiện và phối hợp xử lý các trường hợp vi phạm, khu vực, điểm tập trung rác thải để thực hiện thu gom, xử lý. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các địa phương liên quan như UBND TP Hạ Long, Cẩm Phả, TX Quảng Yên, huyện Vân Đồn xử lý triệt để lượng rác thải sau bão đang tích tụ tại khu vực ven bờ, nhằm ngăn chặn các nguồn rác này tiếp tục phát tán ra Vịnh Hạ Long…
Tuy nhiên, điều đáng nói là, thời gian qua, việc thu gom rác trên Vịnh Hạ Long đều thực hiện bằng phương pháp thủ công, dựa vào sức người là chính trong khi phương tiện, vật dụng thu gom rác rất đơn giản, nhỏ bé cũng ảnh hưởng nhất định tới hiệu quả công việc này. Vịnh Hạ Long là di sản thiên nhiên, cũng là điểm đến du lịch có sức hút lớn bậc nhất thế giới, mang lại nguồn thu lên tới cả nghìn tỷ đồng hằng năm. Chính vì thế, thiết nghĩ việc trang sắm các phương tiện chuyên dụng, hiện đại cũng như có những giải pháp mang tính đột phá hơn để xử lý triệt để các vấn đề môi trường, trong đó có vấn đề về rác thải trôi nổi trên vịnh cần sớm được quan tâm nghiên cứu, đầu tư một cách thoả đáng.
Cùng với đó, Quảng Ninh cũng cần có những quy định nghiêm ngặt hơn đối với các cơ sở nuôi trồng thủy sản. Các chuyên gia cần vào cuộc giúp ngư dân nghiên cứu việc khai thác, sử dụng các vật liệu phù hợp trong nuôi trồng thuỷ sản, đảm bảo có sức chống chịu tốt với bão gió hoặc thuận lợi di chuyển đến các khu vực an toàn khi có bão, đồng thời đảm bảo bền vững, thân thiện môi trường hay có thể tái sử dụng nhiều lần. Có như vậy mới giúp bà con ngư dân giảm thiểu những rủi ro, thiệt hại từ thiên tai, cũng như hạn chế tác động, tránh xảy ra sự cố môi trường như hiện nay, phương hại tới môi trường biển nói chung, trong đó có di sản Vịnh Hạ Long nói riêng.
Phan Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()