Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 16:29 (GMT +7)
Giải pháp nào gỡ khó cho cơ sở giết mổ tập trung
Chủ nhật, 27/06/2021 | 11:18:48 [GMT +7] A A
Sau quá trình dài thu hút đầu tư, Quảng Ninh đã xây dựng được 6 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm (GSGC) tập trung. Đây là hạng mục dự án quan trọng, có tính đặc thù, góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Tỉnh Quảng Ninh cũng ban hành những chính sách hỗ trợ rất kịp thời đối với cơ sở giết mổ tập trung, tuy nhiên hiện hoạt động của đa số các cơ sở chưa hiệu quả.
100% cơ sở hoạt động kém hiệu quả
6 cơ sở giết mổ tập trung hiện nay của Quảng Ninh là Thái Hòa (TP Cẩm Phả), Thiên Trường, Hà Khánh (TP Hạ Long), Vang Thanh Dương, Đức Hà (TP Uông Bí) và Hồng Thái Tây (TX Đông Triều). Theo giới chuyên môn, đối với các dự án giết mổ GSGC tập trung, chỉ cần hoạt động trên 50% công suất thiết kế là đã bắt đầu có lãi. Nếu hoạt động đạt 100% công suất thiết kế thì mức lợi nhuận là 50-60% trên doanh thu. Vấn đề là công suất hoạt động hiện tại của cả 6/6 cơ sở giết mổ GSGC tập trung trên địa bàn dưới mức 50% công suất thiết kế.
Thái Hòa được đánh giá là cơ sở giết mổ GSGC tập trung hoạt động công suất nhất trong 6 cơ sở, mức trung bình 100-120 con lợn/ngày. Công suất này không làm Thái Hòa thua lỗ nhưng cũng không đủ mang lại lợi nhuận cho đơn vị. Các cơ sở Thiên Trường, Hà Khánh, Vang Thanh Dương đạt công suất 80-100 con/ngày, đảm bảo thu đủ bù chi. Riêng 2 cơ sở giết mổ tập trung là Đức Hà và Hồng Thái Tây, mỗi ngày giết mổ 20-30 con lợn, bằng 10-15% công suất thiết kế, nguồn thu mang lại chưa đủ chi trả 50% chi phí điện, nước, vệ sinh, lăn dấu thú y...
Đáng nói Đức Hà và Hồng Thái Tây là 2 cơ sở đầu tư bài bản nhất, đảm bảo đủ các yếu tố quy định khắt khe như khoảng cách, diện tích, thiết kế, các hạng mục hạ tầng, đến thiết bị giết mổ... Riêng hệ thống sàn hở bằng vật liệu inox hiện mới chỉ cơ sở Đức Hà đầu tư hoàn thiện. Việc giết mổ ở đây hiện đại, sạch sẽ, bảo đảm các quy định và thuận tiện cho các chủ cung ứng lợn.
Anh Lưu Văn Đức, chủ cơ sở giết mổ GSGC tập trung Đức Hà cho biết: Nếu vốn đầu tư vào cơ sở giết mổ tập trung là vốn vay, ngày ngày sinh lãi thì đơn vị chắc chắn đã phá sản. Còn anh Nguyễn Văn Tuân, chủ cơ sở giết mổ GSGC tập trung Hồng Thái Tây cũng cho hay, hiện đơn vị chưa biết phải xoay sở thế nào để lấy thu bù chi, nếu cứ bù lỗ mãi thì đơn vị sẽ không còn đủ lực...
Nguyên nhân do đâu
Theo thống kê sơ bộ của Chi cục Thú y tỉnh, hiện toàn tỉnh có 630 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, hầu hết đều tự phát, điều kiện giết mổ không đảm bảo, không được cấp phép vệ sinh thú y nhưng vẫn hoạt động hàng ngày. Đây là lý do chính khiến nguồn lợn vào giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung thấp và ngày càng giảm.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền, vận động các hộ nuôi đưa GSGC vào giết mổ tập trung ở các địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Từ đó người dân vẫn lén lút giết mổ ở những cơ sở nhỏ lẻ. Nhất là từ đầu năm 2021 đến nay, khi chính sách hỗ trợ người dân mang lợn đến giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung đã kết thúc thì việc giết mổ nhỏ lẻ ngày càng tăng.
Bên cạnh đó, việc kiểm soát, quản lý công tác giết mổ GSGC hiện chưa nghiêm. Ví như quy định ở các cơ sở giết mổ GSGC tập trung buộc phải có cán bộ thú y làm công tác kiểm soát nguồn lợn đầu vào và lăn dấu thú y chứng thực giết mổ an toàn, thế nhưng nhiều nơi không thực hiện.
Mục sở thị tại một ca giết mổ tại cơ sở giết mổ tập trung Hồng Thái Tây vào ngày 22/6, chúng tôi không ghi nhận sự hiện diện của cán bộ thú y và hoạt động lăn dấu thú y. Điều này, có nghĩa lợn được giết mổ tại cơ sở tập trung cũng giống như lợn giết ở các cơ sở nhỏ lẻ khác. Và tất cả số lợn trên đều được đưa đến các chợ tiêu thụ bình thường.
Bên cạnh những bất cập trên, bản thân chủ đầu tư các cơ sở giết mổ GSGC tập trung hiện nay cũng chưa thực sự chủ động phát huy hiệu quả cơ sở mình. Nguồn thu của các cơ sở chủ yếu là dịch vụ giết mổ, chưa có các dịch vụ khác. Không ít cơ sở còn có tình trạng trông chờ vào chính sách hỗ trợ của tỉnh.
Thống kê của tỉnh cho thấy, giai đoạn từ 2015 đến nay, Quảng Ninh đã chi gần chục tỷ đồng hỗ trợ các chủ cơ sở giết mổ tập trung đầu tư hạ tầng, chi gần 44 tỷ đồng hỗ trợ các hộ dân đưa GSGC vào giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung. Tuy nhiên chính sách hỗ trợ nào thì cũng chỉ được áp dụng bước ban đầu và sẽ có lộ trình kết thúc, dẫn đến các cơ sở gặp khó và không trụ vững như hiện nay.
Từ thực trạng trên, việc tăng cường trách nhiệm từ chính quyền các địa phương trong việc thực hiện mục tiêu giết mổ tập trung là rất cấp bách. Bên cạnh đó, các chủ cơ sở cũng cần nâng cao ý thức trong đầu tư để phát huy hiệu quả dự án sau đầu tư.
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()