Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 22:29 (GMT +7)
Giải pháp giúp doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất sau giãn cách
Thứ 7, 02/10/2021 | 15:56:42 [GMT +7] A A
Chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh gắn với phục hồi sản xuất, kinh doanh đang tạo thuận lợi để các doanh nghiệp từng bước khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh sau thời gian dài giãn cách theo Chỉ thị 16 để phòng, chống dịch COVID-19.
Tuy nhiên, để có thể lấy lại được nhịp và tìm cách bứt tốc trong những tháng cuối năm 2021 cũng như năm 2022, nhiều thách thức và áp lực đang đòi hỏi các cơ quan chức năng cần tiếp tục có thêm nhiều giải pháp hỗ trợ đồng bộ, cùng với nỗ lực của chính doanh nghiệp nhằm không “lỡ nhịp” trên lộ trình phục hồi và phát triển.
“Thời gian vàng” để mở cửa
Dù đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư đã tạo ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ nền kinh tế nước ta, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường nhiều hơn số thành lập mới nhưng trong bối cảnh Tp. Hồ Chí Minh, các tỉnh khu vực Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long đang dần khống chế được dịch bệnh, từng bước nới lỏng giãn cách, dần trở về trạng thái bình thường mới thì đây chính là thời gian vàng cho Việt Nam để mở cửa trở lại nền kinh tế.
Theo ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong 9 tháng năm 2021, số doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường lên đến trên 90.000 doanh nghiệp; tức là mỗi tháng có trung bình khoảng 10.000 doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại Đồng bằng sông Cửu Long - trung tâm sản xuất nông nghiệp và chế biến lương thực, thực phẩm lớn nhất của cả nước, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 3 tháng gần đây lên tới gần 90%. Trong khi đó, những doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động thông qua thực hiện “3 tại chỗ” cũng chỉ hoạt động được từ 5 - 10% công suất nhưng với chi phí rất cao.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, tại khu vực phía Nam, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có tới 98% doanh nghiệp bị thiệt hại do dịch bệnh.
Theo thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), từ đầu quý III/2021 đến nay là thời gian cực kỳ khó khăn cho các doanh nghiệp dệt may tại Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam do diễn biến vô cùng phức tạp và kéo dài của dịch COVID-19. Nhiều doanh nghiệp dệt may đã phải đóng cửa, ngừng sản xuất, sản xuất cầm chừng, không thực hiện được đơn hàng, phải giao hàng chậm, giao hàng bằng máy bay hoặc bị khách hàng hủy đơn hàng, gây đứt gãy chuỗi cung ứng.
Nhiều doanh nghiệp tại các tỉnh phía Nam cố gắng bố trí sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” hoặc phương án sản xuất “4 xanh” nhưng cũng chỉ duy trì được khoảng 10 - 30% số lao động đi làm với chi phí tốn kém hơn rất nhiều so với bình thường.
Tổn thất không những về kinh tế mà cả uy tín đối với khách hàng. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu tháng 8/2021 của ngành ước giảm 15,9% so với tháng trước và giảm 2,63% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu tháng 9 ước đạt 3 tỷ USD, tiếp tục giảm 9,2% so với tháng 8/2021 và giảm 10,5% so với tháng 9/2020.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Cà Mau, ông Lê Hoàng Phước cho biết, các doanh nghiệp hiện gặp rất nhiều khó khăn, phải làm lại từ đầu, không có thị trường, không có vốn, đầu vào và đầu ra đều giảm nên nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long đang dần nới lỏng giãn cách, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, 3 tháng cuối năm chính là thời gian vàng và cũng là thách thức “sinh tử” với nền kinh tế Việt Nam. "Mở cửa là con đường không thể nào khác được. Nếu mở cửa chậm hơn thì cái giá phải trả là vô cùng lớn, chúng ta sẽ có nguy cơ “lỡ nhịp”, phải đứng ngoài các chuỗi cung ứng toàn cầu. Do vậy, trong điều kiện nhiều địa phương đang kiểm soát tốt dịch bệnh, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để mở cửa trở lại nền kinh tế".
Đại diện VITAS dự báo, dù mục tiêu xuất khẩu mặt hàng dệt may năm 2021 đặt ra mức thực hiện 39 tỷ USD như năm 2019 sẽ rất khó khăn, song với kịch bản tích cực nhất đó là Việt Nam khống chế được dịch bệnh và thực hiện “bình thường mới” từ đầu tháng 10/2021, thì khả năng trị giá xuất khẩu dệt may cả năm nay của toàn ngành sẽ đạt khoảng từ 37,5 - 38 tỷ USD.
Cần đồng bộ các giải pháp để không lỡ nhịp
Một số chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế đang dần được phục hồi, các địa phương đã có kế hoạch cho tái khởi động, phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh, từng doanh nghiệp cũng cần có kịch bản phục hồi một cách cụ thể, phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, điều quan trọng lúc này là cần tiếp tục có những giải pháp đồng bộ để trợ lực cho doanh nghiệp, phải thật sự coi mỗi doanh nghiệp là một “tế bào” trong nền kinh tế quốc dân. Các tế bào nhanh chóng được phục hồi, nền kinh tế sẽ nhanh chóng được hồi phục.
Theo Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, để hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn sau giãn cách, bên cạnh việc tăng cường quy mô bao phủ vaccine, coi đây là giải pháp nền tảng, cần thực hiện đồng bộ theo “5 mũi giáp công” gồm: mở cửa thị trường - coi đây là “cỗ máy trợ thở” lớn nhất trong lúc này cho doanh nghiệp; đồng thời tăng cường cải cách thể chế, cải cách hành chính; thực hiện hiệu quả và mở rộng quy mô các gói hỗ trợ doanh nghiệp liên quan đến tài khóa, tiền tệ và an sinh; triển khai các chương trình trợ giúp nâng cao năng lực cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là nâng cao kỹ năng về chuyển đổi số, chuyển đổi “xanh” và tăng khả năng thích ứng, khả năng chống chịu cho doanh nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, thúc đẩy thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTAs), kết nối các chuỗi cung ứng và mở rộng thị trường.
Trong khi đó, đại diện VITAS kiến nghị, bên cạnh việc tự "cứu mình" là chính, các doanh nghiệp đang rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Để thực hiện “mục tiêu kép” vừa kiểm soát dịch, vừa duy trì sản xuất, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng thì việc khai thác nguồn vaccine nhiều nhất, nhanh nhất và tiêm đúng đối tượng là vấn đề cấp bách.
Hiệp hội mong muốn nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền để tránh cho doanh nghiệp không rơi vào tình trạng đứt thanh khoản, cụ thể như dừng các khoản thu không phải chi ngay mà để kết dư, cắt giảm các chi phí tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Liên quan đến các chính sách lâu dài, đại diện VITAS đề xuất cần sớm ban hành “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến 2035”; sớm ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn 2012 cho phù hợp thực tế và tương thích với những quy định liên quan của Bộ luật Lao động 2019; giảm mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% về tối đa 1%.
Bên cạnh đó, hiện còn những bất cập về quy định nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với doanh nghiệp sử dụng vải trong nước để may xuất khẩu, bất cập về thuế VAT cho hàng dệt may xuất khẩu tại chỗ; việc này hiệp hội đã kiến nghị nhiều lần và sẽ tiếp tục kiến nghị để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()