Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 06:55 (GMT +7)
Giải pháp “giữ chân” người lao động
Thứ 6, 17/03/2023 | 09:05:45 [GMT +7] A A
Những năm gần đây, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) duy trì sản lượng khai thác và tiêu thụ tăng cao, đòi hỏi lực lượng lao động phục vụ cho sản xuất lớn. Để đáp ứng nhân lực phục vụ sản xuất, TKV đang ưu tiên giải pháp “giữ chân” người lao động bằng nhiều chế độ đãi ngộ...
Hiện thực giấc mơ “an cư lạc nghiệp”
Chăm lo nhà ở cho thợ mỏ là chủ trương lớn được TKV thực hiện lâu nay với mong muốn tạo sự “an cư lạc nghiệp” cho người lao động. TKV xác định triển khai các dự án xây dựng nhà ở là mục tiêu chiến lược, giúp người lao động ổn định chỗ ở, yên tâm công tác, tạo động lực để họ gắn bó với nghề. Do đó, thời gian gần đây nhiều đơn vị ngành Than đã đầu tư, nâng cấp nhà ở tập thể cho thợ mỏ.
Điển hình như Khu tập thể công nhân 314 - mô hình chung cư kiểu mẫu của thợ mỏ Công ty CP Than Vàng Danh, với quy mô 132 phòng, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho gần 500 công nhân. Hiện khu tập thể thu hút gần 400 công nhân trong đơn vị đăng ký ở.
Được đầu tư 55 tỷ đồng xây dựng từ năm 2012 với 2 lô nhà 5 tầng, Khu tập thể công nhân 314 được sửa chữa, nâng cấp nhiều lần với đầy đủ công năng hiện đại, tiện ích, như: Thang máy phục vụ đi lại, wifi miễn phí, căng tin, phòng tập thể thao trong nhà, phòng hát karaoke, khu thể thao ngoài trời, khuôn viên, tiểu cảnh, vườn cây... Đặc biệt, khu tập thể có 3 phòng hạnh phúc, tiện nghi sang trọng như khách sạn 4 sao phục vụ những dịp đoàn tụ gia đình của thợ mỏ. Tháng 10/2022, công ty tiếp tục xây dựng bể bơi 4 mùa, siêu thị Winmart+ ngay trong khuôn viên khu tập thể để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, rèn luyện thể chất của công nhân.
Hơn chục năm gắn bó với nghề mỏ, thợ lò Nguyễn Xuân Đàm (tỉnh Thái Bình) đã có hơn 9 năm sinh sống cùng với đồng nghiệp trong căn phòng rộng hơn 40m² tại Khu tập thể công nhân 314. Xa quê lập nghiệp, trước đây anh Đàm thuê trọ ở ngoài. Thế nhưng điều kiện ăn ở và tiền thuê nhà trọ cao, cộng với an ninh không được đảm bảo, nên anh Đàm quyết định đăng ký với đơn vị vào ở trong Khu tập thể công nhân 314.
Anh Đàm chia sẻ: Dù xa gia đình, nhưng khi ở tại Khu tập thể công nhân 314, chúng tôi gắn bó coi đây như ngôi nhà thứ hai, bởi mọi sinh hoạt rất thoải mái, sôi động, khiến thợ mỏ phấn khởi, nâng cao đời sống tinh thần, gắn bó với mỏ. So với thuê trọ bên ngoài, môi trường ăn ở, sinh hoạt tại khu tập thể tốt hơn nhiều. Gần 100% khoản chi phí về nhà ở được công ty miễn giảm, giúp công nhân tiết kiệm chi phí sinh hoạt. Khi công nhân có nơi ăn, chốn ở ổn định sẽ nhanh chóng tái tạo sức lao động, lao động năng suất, hiệu quả cao. Việc bố trí chỗ ở hợp lý cho thấy chính sách đãi ngộ của doanh nghiệp với người lao động được quan tâm rất nhiều, khiến chúng tôi quyết định gắn bó công việc lâu dài với doanh nghiệp.
Theo thống kê của TKV, hiện nay có hơn 20 đơn vị trong ngành đầu tư khoảng 80 khu nhà ở công nhân lao động, tương ứng 5.000 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho khoảng hơn 17.000 người. Những khu nhà tập thể đã đáp ứng phần nào nhu cầu về nhà ở cho thợ mỏ, góp phần quan trọng trong việc cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động. Thực tế thời gian gần đây, nhiều đơn vị thuộc TKV, như: Công ty CP Than Hà Lầm, Công ty Than Quang Hanh, Công ty Than Vàng Danh, Công ty CP Than Mông Dương... đã xây dựng và sớm hoàn thành các khu tập thể cho người lao động.
Hiện nay, số công nhân mỏ làm việc ở các doanh nghiệp tại Quảng Ninh là trên 70.000 người, trong đó khoảng 61.000 người đã có chỗ ở ổn định, số còn lại chưa có chỗ ở ổn định. Công nhân mỏ tập trung chủ yếu tại Cẩm Phả, Hạ Long, Uông Bí và Đông Triều. Hiện khoảng 87% công nhân đã lập gia đình, chỉ có 13% công nhân chưa kết hôn. Các nhóm công nhân phân theo hình thái ở: Nhà ở thuộc sở hữu cá nhân hoặc người thân trong hộ gia đình; nhà ở công nhân mỏ; thuê trọ hoặc trọ nhờ nhà người thân.
Hiện nay, tỉnh đang thực hiện đề án Phát triển nhà ở cho công nhân lao động ngành Than, KCN; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng về làm việc, sinh sống tại Quảng Ninh. Theo đó, từ nay đến năm 2025, TKV đề xuất với tỉnh tiếp tục quy hoạch xây dựng 10 khu nhà ở tập thể, với diện tích đất khoảng 5,04ha. Dự kiến, khi đưa vào hoạt động 10 khu nhà ở tập thể sẽ đáp ứng chỗ ở cho 2.400 công nhân.
Trước đó, năm 2020 TKV đã có chủ trương xây dựng “Làng công nhân mỏ” nhằm tạo điều kiện về nhà ở cho người lao động giai đoạn 2019-2030, giải quyết kịp thời nhà ở cho hộ gia đình thợ lò. Đây là những quyết sách quan trọng giải quyết nhu cầu về nhà ở để công nhân “an cư lạc nghiệp” gắn bó lâu dài với Vùng mỏ.
Người lao động an tâm gắn bó với doanh nghiệp
Theo lộ trình, TKV sẽ giảm dần sản lượng than khai thác lộ thiên và tăng dần sản lượng khai thác hầm lò. Đặc thù khai thác than hầm lò, nhất là công việc thợ lò có môi trường làm việc nặng nhọc, độc hại và tiềm ẩn rủi ro, nên cần được quan tâm nhiều hơn so với các lực lượng lao động khác. Vì vậy, thu hút nguồn nhân lực thợ lò là bài toán mà TKV luôn quan tâm tìm giải pháp tháo gỡ.
Để “giữ chân” người lao động, ngoài triển khai chính sách an cư, TKV tập trung cải thiện điều kiện làm việc, tăng thu nhập... Đây là các yếu tố quan trọng níu chân người lao động của các đơn vị ngành Than.
Thực tế, TKV đã đầu tư đẩy mạnh áp dụng “3 hóa” (cơ giới hóa, tin học hóa, tự động hóa). Trong khai thác hầm lò đã sử dụng vì chống thuỷ lực, giá khung di động, một số mỏ hầm lò đã áp dụng cơ giới hoá đồng bộ trong khai thác; đầu tư hệ thống vận tải liên tục, vận tải người và vật liệu bằng monoray diezen, tời vô cực; đào lò bằng máy liên hợp (AM-45, AM-50); chống lò bằng vì neo (chất dẻo, bê tông)... Các mỏ lộ thiên đã sử dụng thiết bị cơ giới có công suất lớn như ô tô 96 tấn, máy khoan đường kính lớn, máy khoan thuỷ lực, máy xúc điện 10m3, máy xúc thuỷ lực gầu ngược, hệ thống vận tải liên hợp ô tô - băng tải, ô tô khung mềm. Các nhà máy tuyển được cải tạo nâng công suất, thực hiện tốt công tác quản lý kỹ thuật, do vậy luôn đạt năng suất cao, tăng tỷ lệ thu hồi than.
Nhờ áp dụng công nghệ khai thác than ngày càng hiện đại đã giảm bớt lao động thủ công, qua đó cải thiện điều kiện làm việc, tăng năng suất và thu nhập cho công nhân lao động. Năm 2022, thu nhập bình quân của TKV đạt 14,6 triệu đồng/người/tháng (tăng 2,2 triệu đồng/người/tháng so với năm 2021).
Bên cạnh đó, TKV còn đẩy mạnh thu hút tuyển sinh đầu vào bổ sung nguồn nhân lực đáp ứng phục vụ sản xuất. Trung bình mỗi năm, Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam được TKV giao tuyển sinh và đào tạo 4.000-4.500 chỉ tiêu các nghề mỏ hầm lò. Đây là lực lượng cung ứng nguồn nhân lực bổ sung cho đối tượng nghỉ hưu, nghỉ việc hằng năm của Tập đoàn.
TKV đã thực hiện nhiều giải pháp về tuyển sinh, đào tạo như tăng chế độ ưu đãi đối với học viên theo học trình độ trung cấp mỏ hầm lò để thu hút nhân lực ở khu vực đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ. Bổ sung chi phí đào tạo liên thông và tiền lương trong thời gian đào tạo liên thông ngoài đơn giá khoán các công đoạn tổng hợp sản xuất than. Sau khi tốt nghiệp ra trường, TKV cam kết bố trí việc làm, thu nhập, đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người lao động.
Lãnh đạo TKV đặt ra yêu cầu đối với các đơn vị cần tiếp tục tăng cường “giữ chân” người lao động, nghiêm túc triển khai kịp thời, hiệu quả các giải pháp nhằm đảm bảo cả về số lượng và chất lượng nguồn lao động phục vụ sản xuất, kinh doanh; tuyên truyền, ứng xử đối với người lao động chân tình, cầu thị, đáp ứng những lợi ích đích thực của người lao động.
Đặc biệt, cần nâng cao thời gian hữu ích trong ca làm việc, rút ngắn thời gian giao ca bằng việc nâng cao áp dụng công nghệ thông tin. Tập đoàn tiếp tục tăng cường mạng lưới tuyển sinh đảm bảo nguồn cung ứng lao động thợ lò; chú trọng đào tạo thợ lò, thợ cơ điện mỏ hầm lò một cách linh hoạt. Người học có thể là thợ khai thác học liên thông nghề cơ điện, hoặc tuyển dụng thu hút người học để vận hành thiết bị. Sau đó, nâng dần trình độ thông qua đào tạo liên thông, hoặc bồi dưỡng nghề, thi nâng bậc. Cùng với đó, TKV cũng chú trọng đào tạo lại, đào tạo chuyển đổi những nghề cần thu hút như tin học, tự động hóa, địa chất, trắc địa... từ đội ngũ lao động có trình độ kỹ sư thực tế đang trực tiếp sản xuất.
Phạm Tăng
Liên kết website
Ý kiến ()