Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 06:32 (GMT +7)
Nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, sáng tạo trong công tác giảm nghèo
Thứ 5, 15/07/2021 | 07:24:11 [GMT +7] A A
Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, sự nỗ lực của người dân, cùng với những cách làm sáng tạo như lồng ghép chương trình giảm nghèo với chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) và Đề án 196, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đạt được kết quả nổi bật.
Quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành
Tỉnh luôn xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, được đặt trong chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đây cũng là một nội dung quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội...
Thực hiện Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 2/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ "Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020", UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3856/QĐ-UBND ngày 11/10/2017 "Phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020". Theo đó, xây dựng 11 nhóm giải pháp trọng tâm: Công tác chỉ đạo điều hành; các giải pháp thực hiện các chỉ số thiếu hụt đa chiều về dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, dịch vụ nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin; các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020...
Ban chỉ đạo (BCĐ) thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (BCĐ giảm nghèo) từ cấp tỉnh đến cơ sở được thành lập, kiện toàn. Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng cách làm riêng, bổ sung Đề án về nhiệm vụ đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn (ĐBKK), hoàn thành mục tiêu chương trình 135 (Đề án 196) vào nhiệm vụ BCĐ giảm nghèo; phân công lãnh đạo UBND tỉnh phụ trách chỉ đạo thực hiện Đề án ở từng địa phương, phân công các sở, ban, ngành theo dõi việc triển khai tại các địa phương.
Hằng năm, UBND các cấp ban hành kế hoạch thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên BCĐ giảm nghèo để tổ chức thực hiện; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, gắn chương trình giảm nghèo bền vững với chương trình xây dựng NTM, chương trình 135, Đề án 196 trên địa bàn; xây dựng các nghị quyết chuyên đề thực hiện giảm nghèo, tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các chính sách, dự án giảm nghèo của địa phương… Việc phân cấp quản lý, hướng dẫn quy trình lập kế hoạch và phân bổ nguồn lực rõ ràng đã tạo thuận lợi trong tổ chức thực hiện, phát huy vai trò và sự tham gia của người dân, cộng đồng.
Các cấp ủy, chính quyền coi trọng công tác xã hội hóa, phối hợp với MTTQ, LĐLĐ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội LHPN, Đoàn Thanh niên đẩy mạnh các phong trào thi đua thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, vận động các hội viên, đoàn viên trực tiếp giúp đỡ các hộ nghèo sửa chữa nhà ở, hỗ trợ về cây, con giống, vốn, kinh nghiệm sản xuất, phát triển kinh tế hiệu quả; huy động thêm các nguồn lực để thực hiện chương trình.
Những kết quả đáng ghi nhận
Giai đoạn 2016-2020, tại các xã ĐBKK vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, từ nguồn vốn trung ương và tỉnh (gần 30 tỷ đồng) đã thực hiện hỗ trợ đầu tư xây dựng 35 công trình cơ sở hạ tầng. Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, đã hỗ trợ giống vật nuôi cho 148 hộ nghèo, cận nghèo tại 6 xã của huyện Vân Đồn, trong đó có 64 hộ dân tộc thiểu số; kết quả có 75 hộ thoát nghèo (đạt 50,67%).
Thực hiện chương trình 135, toàn tỉnh đã huy động trên 1.722,2 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh trên 1.506,2 tỷ đồng, nguồn vốn xã hội hóa trên 216 tỷ đồng. Đặc biệt, tỉnh chủ động cân đối, bố trí nguồn lực hơn 1.406 tỷ đồng để thực hiện Đề án 196. Chương trình đã đầu tư xây dựng 630 công trình, dự án hạ tầng chủ yếu phục vụ trực tiếp cho sản xuất và tăng điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân, đem lại hiệu quả cao, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân vùng miền núi, biên giới, vùng ĐBKK, góp phần cải thiện rõ rệt diện mạo nông thôn, miền núi. Đến hết năm 2019, 100% xã ĐBKK có đường ô tô được cứng hoá đến trung tâm xã; đường giao thông đến các thôn ĐBKK cơ bản được cứng hóa theo tiêu chí NTM; các xã có trạm y tế đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về y tế; ở các xã, thôn ĐBKK, 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, trên 97,82% số hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Chương trình đã hỗ trợ 9.168 lượt hộ nghèo, cận nghèo về giống cây trồng, vật nuôi. Tỉnh ưu tiên bố trí vốn đáp ứng 100% nhu cầu hỗ trợ phát triển sản xuất theo đề nghị của các địa phương. Việc xây dựng các mô hình phát triển sản xuất được gắn với quy hoạch phát triển sản xuất và phát triển các thương hiệu của địa phương theo chương trình OCOP. Các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã trực tiếp hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo về sinh kế, tăng thu nhập. Nhiều mô hình được tái sản xuất, nhân rộng, giúp các hộ thoát nghèo bền vững (hỗ trợ bò giống, trâu giống...). Tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo tại các xã ĐBKK giảm từ 61,99% (tháng 12/2015) còn 13,38% (tháng 12/2019); thu nhập bình quân tăng từ 12,75 triệu đồng/người (cuối năm 2015) lên 32,62 triệu đồng/người (năm 2019).
Đối với các địa phương ngoài chương trình 30a (Nghị quyết số 30a/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo) và chương trình 135, tỉnh xây dựng Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo đối với các đối tượng tham gia là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn các xã không thuộc chương trình 135, phân công các sở, ngành, địa phương thực hiện. Theo đó, đã có 1.297 hộ nghèo tham gia với 49 mô hình giảm nghèo. Nhân rộng mô hình giảm nghèo đã phát huy được năng lực cộng đồng, tính tự chủ của người dân, tạo niềm tin cho nông dân dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn áp dụng KHKT để nâng cao năng suất. Vai trò của người dân được thay đổi, đóng vai trò trung tâm trong các hoạt động. Nhiều hộ thoát nghèo từ tham gia các mô hình là những “điểm sáng” trong phong trào vươn lên thoát nghèo.
Với những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, cách làm sáng tạo, đến hết năm 2019, Quảng Ninh có 100% các xã, thôn hoàn thành chương trình 135, ra khỏi diện ĐBKK (hoàn thành trước 1 năm so với lộ trình Đề án 196). Quảng Ninh là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất so với các tỉnh miền núi Đông Bắc, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 4,56% (năm 2016) còn 0,23% (năm 2020).
Trần Thanh
Ông Phạm Văn Hoài, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên: “Đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững”
Quan điểm, mục tiêu xuyên suốt của huyện Tiên Yên về công tác giảm nghèo những năm qua là “Tạo điều kiện thuận lợi để các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận nguồn vốn, kiến thức, kinh nghiệm sản xuất và việc làm, vươn lên thoát nghèo; từng bước thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa vùng thấp và vùng cao”. Bên cạnh việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách của trung ương, của tỉnh; huyện đã có nhiều giải pháp hỗ trợ giúp đỡ hộ nghèo, người nghèo, trong đó tập trung vào hỗ trợ lãi suất vốn vay, kiến thức KHKT, phát triển các dự án trồng cây dược liệu, cây ăn quả, cây bản địa có giá trị kinh tế cao, chăn nuôi gà Tiên Yên, nuôi tôm thẻ chân trắng..., đảm bảo đầu ra cho sản phẩm; hỗ trợ đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động, nhất là lao động trẻ ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hỗ trợ, khuyến khích lao động vào làm việc tại các KCN, nhà máy, xí nghiệp và ngành Than trên địa bàn tỉnh.
Triển khai hiệu quả các giải pháp giảm nghèo bền vững, đa số hộ nghèo, hộ cận nghèo đã nỗ lực lao động, sản xuất, cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu chính đáng. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm mạnh từ 8,53% (1.059 hộ) năm 2016 còn 0,2% (27 hộ) năm 2020. Kết quả này góp phần quan trọng thực hiện chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện. Đến nay, huyện có 10/10 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM năm 2019.
Ông Đồng Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn (huyện Hải Hà): "Hỗ trợ, vận động người dân vươn lên thoát nghèo bền vững"
Những năm qua, xã Quảng Sơn luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Thường trực Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện và các phòng, ban chuyên môn huyện trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Cùng với đó là sự cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân xã. Năm 2020, xã và các phòng, ban của huyện đã tuyên truyền, giúp 103 lao động của xã đi làm việc tại KCN Cảng biển Hải Hà; đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hỗ trợ cho 8 hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất, đến nay đã thoát nghèo. Xã phối hợp với MTTQ huyện, các đoàn thể hỗ trợ sửa nhà ở cho 6 hộ nghèo. Đến cuối năm 2020, xã giảm từ 63 hộ nghèo còn 19 hộ nghèo.
Là một xã vùng đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn, thời gian tới Quảng Sơn mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các cấp, ngành, tổ chức, đoàn thể trong công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế. Xã tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, vận động người dân tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững.
Ông Triệu Sáng, Bí Thư Chi bộ, Trưởng thôn Thìn Thủ (xã Quảng An, huyện Đầm Hà): “Tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để bà con phát triển sản xuất”
Những năm qua, người dân thôn Thìn Thủ đã có nhiều nỗ lực trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, đầu tư các mô hình phát triển kinh tế, hiện là thôn có nhiều mô hình kinh tế so với các thôn khác của xã. Mặc dù vậy, là xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên điều kiện hạ tầng còn khó khăn. Để giảm nghèo bền vững, người dân thôn Thìn Thủ nói riêng, xã Quảng An nói chung, mong muốn các cấp, các ngành tiếp tục đầu tư hệ thống kênh mương thủy lợi phục vụ tưới tiêu; tạo điều kiện để bà con được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, nhất là thành lập các trang trại, gia trại, đầu tư trồng rừng, trồng cây ăn quả, phát triển chăn nuôi, bởi đây là những mô hình phù hợp với điều kiện của xã. Nhà nước tiếp tục hỗ trợ BHYT, gia hạn BHYT cho đồng bào dân tộc thiểu số để bà con giảm bớt khó khăn mỗi khi ốm đau.
Ông Bàn Văn Trường, Chủ tịch HND xã Quảng La (TP Hạ Long): “Lấy du lịch dẫn dắt nông nghiệp”
Thời gian qua, trên cơ sở điều kiện sản xuất nông nghiệp của địa phương, HND xã đã định hướng, tuyên truyền bà con tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi phát triển kinh tế, nâng cao giá trị sản lượng, giá trị trên diện tích đất. Nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư và áp dụng kỹ thuật vào sản xuất. Hội tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các hộ tham gia các phương án hỗ trợ phát triển sản xuất trong chương trình xây dựng NTM. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tình trạng “được mùa thì mất giá, được giá mất mùa”. Để khắc phục tình trạng này, đồng thời tạo điều kiện cho bà con phát triển kinh tế, Hội đã xin ý kiến, chủ trương và được chấp thuận thành lập Tổ nghề nghiệp trồng cây ăn quả gắn với trải nghiệm du lịch vườn. Đây cũng là một mô hình mới, lấy du lịch dẫn dắt nông nghiệp. Để nâng cao giá trị sản phẩm, địa phương sẽ làm việc với cơ quan chức năng đăng ký nhãn hiệu thương mại của Tổ nghề nghiệp xã Quảng La. Như vậy, đầu ra cho các nông sản sẽ rộng mở hơn. Hiện mô hình đã có 8 hộ với diện tích khoảng 5ha; thời gian tới tiếp tục mở rộng, dự kiến đưa vào hoạt động từ 30/4/2022.
Thu Nguyệt-Thanh Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()