Tất cả chuyên mục

Du lịch Việt Nam nói chung, du lịch Quảng Ninh nói riêng đang chịu những ảnh hưởng nặng nề từ tác động của dịch bệnh Covid-19. Vấn đề đặt ra và được tỉnh Quảng Ninh quan tâm là tìm giải pháp vượt khó cho ngành du lịch. Vừa qua, Thường trực Tỉnh ủy có buổi làm việc với ngành du lich nhằm tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn.
Tác động mạnh từ “cơn bão” Covid-19
Trước diễn biến của dịch Covid-19, du lịch Quảng Ninh đang chịu nhiều tác động mạnh mẽ. Quảng Ninh với đặc thù là địa bàn duy nhất trong cả nước vừa có đường biên giới trên bộ dài và trên biển với nước Công hòa Nhân dân Trung Hoa, có hệ thống đường mòn, lối mở dọc biên giới, có lượng người qua lại rất lớn. Ngoài ra, hàng ngày có hàng ngàn du khách trong và người nước đến các điểm du lịch trên dịa bàn tỉnh nên nguy cơ dịch bệnh có thể lây lan trên địa bàn là rất lớn.
![]() |
Khu du lịch Bãi Cháy vắng khách tham quan dù vào ngày cuối tuần do ảnh hưởng của dịch Covid-19. |
Trước tình hình trên, ngành du lịch đã quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch. Quảng Ninh đã thực hiện việc tạm dừng tổ chức các đoàn khách tới tỉnh, thành đang có dịch; không đón khách từ vùng có dịch; tạm dừng đón khác qua cửa khẩu Móng Cái; chỉ đạo các cơ sở lưu trú, dịch vụ, tàu du lịch, điểm du lịch, bến tàu, điểm tham quan thực hiện phun tiêu trùng khử độc; nhiều nơi trang bị thiết bị đo thân nhiệt cho khách...
Đối với du khách từ vùng dịch tới Quảng Ninh qua các con đường khác (ngoài cửa khẩu Móng Cái), vận đông khách xuất cảnh hoặc bố trí khách sạn phù hợp để tập trung khách lưu trú, quản lý chặt chẽ việc di chuyển; tăng cường các giải pháp phòng chống dịch; phối hợp Sở Y tế tập huấn cho doan nghiệp du lịch; phát khẩu trang miễn phí cho du khách tham quan…
Tuy cho tới thời điểm hiện tại, Quảng Ninh chưa phát hiện trường hợp nào lây nhiễm Covid 19 nhưng ngành du lịch chịu nhiều thiệt hại nặng nề. Các doanh nghiệp lữ hành, vận tải, khách sạn… sụt giảm mạnh doanh số, lượng khách.
Trong khuôn khổ Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch do Thường trực Tỉnh uỷ tổ chức ngày 15/02/2020, ông Lý Môn, Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Hạ Long, một đơn vị lữ hành, có thế mạnh trong đón khách Trung Quốc, cho biết: Lữ hành quốc tế đặc biệt là đón khách Trung Quốc chịu tác động vô cùng lớn, lượng khách suy giảm mạnh, cao điểm giảm 90%. Không chỉ chúng tôi, nhiều lữ hành khác hoạt động cầm chừng, phải cho cán bộ nghỉ luân phiên, lương vẫn trả khi không có doanh số.
Không chỉ tour đến và đi Trung Quốc, nhiều tour du lịch quốc tế đều đã hoãn, hủy. Theo tìm hiểu của phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh, các đơn vị lữ hành cũng chủ động hủy tour và hoàn lại tiền cho khách. Đến nay, các công ty cũng không tổ chức tour nào cho khách từ Trung Quốc qua Việt Nam hoặc Quảng Ninh. Tại khu vực Bãi Cháy, trung tâm du lịch vốn nhộn nhịp ngày đêm nay trở lên vắng vẻ. Các nhà hàng dọc đường Hạ Long, dọc công viên Sunworld Complex cũng vắng khách. Các khu vui chơi, dịch vụ nhà hàng, khách sạn hoạt động cầm chừng.
Bà Lê Thị Nguyệt, phụ trách truyền thông và marketing Khách sạn Wyndham Legend Hạ Long cho hay: Trước tết, khách đặt phòng đến từ Trung Quốc thì đã huỷ hết, khách Âu, Hàn Quốc... cũng giảm nhiều so với cùng kỳ. Công suất phòng giảm 1/2 so với dịp Tết; các đơn đặt tiệc, hội nghị trong tháng 2 đã bị huỷ hết.
Ông Đinh Thọ Tiếp, Đại diện Chi hội khách sạn nhà hàng (Hiệp hội Du lịch tỉnh) chia sẻ: Ngay sau dịch bệnh được công bố toàn cầu, công suất phòng các khách sạn trong khối giảm nghiêm trọng, chỉ còn dưới 30%. Tới nay đa phần hoạt động cầm chừng, công suất chỉ trên dưới 5%. Tuần tới khách sạn tôi và một số khách sạn 3 - 4 sao còn không có khách. Nhiều nhà hàng khách sạn gần như tê liệt.
Tại các khu vui chơi lớn như Sunworld, Tuần Châu… lượng khách cũng suy giảm mạnh, nhiều dịch vụ phải đóng cửa hoặc chỉ duy trì hoạt động. Đại diện Công ty CP Phát triển Tùng Lâm (Uông Bí) cho biết, khách tới di tích Yên Tử cũng giảm 70% so với cùng kỳ; 90% khách của đơn vị hủy, hoãn tour tới tháng 4. Doanh thu giảm 60 - 70% so với năm 2019, kéo tổng doanh thu năm 2020 giảm 40%, tương đương trên 120 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho biết, thông thường tháng 12 tới tháng 4 là mùa cao điểm khách quốc tế, nay do dịch bệnh đã suy giảm mạnh. Thị trường chủ chốt là khách Trung Quốc giảm từ 70 - 80% thậm chí có lúc tới 90% dù hiện Quảng Ninh chưa phát hiện trường hợp nào. Các dòng khách chi trả cao như: Hàn Quốc, Châu Âu, Mỹ… phần lớn đã hoãn hoặc hủy tour.
Dịch vụ tham quan Hạ Long, cùng kỳ 2019 đón 12 nghìn lượt người/ngày, nay chỉ chừng 3 nghìn lượt/ngày và sắp tới còn thấp nữa. Các khách sạn có thể cho lao động tạm thời nghỉ việc nhưng có những dịch vụ vẫn phải nuôi lao động như như đội tàu du lịch hơn 500 chiếc với hơn 5.000 lao động, họ vẫn phải trực, phải trả lương trong khi không hoạt động.
![]() |
Du khách check-in ở khách sạn Mường Thanh Quảng Ninh. |
Theo dự báo của Sở Du lịch, trong quý I/2020, dự báo lượng khách của du lịch Quảng Ninh sẽ tụt giảm mạnh. So với cùng kỳ, thị trường Trung Quốc và Đông Bắc Á giảm khoảng 80%; thị trường Tây Âu, Bắc Mỹ, Úc ở mức gần 30%. Về khách nội địa, dự báo giảm tới 65- 70%.
Giải pháp nào gỡ khó?
Theo nhận định, đánh giá của chuyên gia thì tác động mạnh từ Covid -19 đến kinh tế toàn cầu nói chung và ngành du lịch nói riêng rất nghiêm trọng, không thua kém đại dịch SARS năm 2003. Hầu hết các doanh nghiệp du lịch đều đánh giá, trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh Covid-19 chưa có hồi kết, ảnh hưởng còn lâu dài, gây suy yếu du lịch, các doanh nghiệp cũng như tâm lý du khách.
Tại buổi làm việc của Thường trực Tỉnh ủy với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, ngoài những đề xuất về hỗ trợ, cơ chế chính sách, các đơn vị cũng thảo luận, đề xuất với tỉnh những giải pháp. Đó là việc tranh thủ thời gian này tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, du lịch; thiết kế, hoàn thiện các sản phẩm mới để chuẩn bị sẵn sàng khi tình hình ổn định.
Ngoài việc tranh thủ thực hiện công tác đào tạo, tái đầu tư nâng cao chất lượng tàu thuyền, khách sạn, dịch vụ, nhiều đơn vị đề xuất xây dựng các sản phẩm mới, cao cấp trên vịnh Hạ Long, tạo thêm các tuyến xe bus tiện ích kết nối các sản phẩm du lịch, sân bay với các điểm du lịch trong tỉnh, ngoài tỉnh, tới các điểm du lịch tâm linh. Đồng thời với đó là việc thực hiện công tác quảng bá xúc tiến sớm để "khởi động", kéo du khách tới ngay khi tình hình ổn định.
![]() |
Trang bị dung dịch rửa tay khử khuẩn để du khách rửa tay tại Cảng tàu khách Tuần Châu. |
Một trong những giải pháp được đánh giá cao đó là tạo khu vực, điểm đến an toàn cho du khách nội địa và quốc tế và công bố, tuyên truyền rộng rãi mô hình này. Một điểm mạnh là cho tới thời điểm hiện tại Quảng Ninh vẫn duy trì một môi trường an toàn. Để lan tỏa rộng cần có hình thức tuyên truyền, quảng bá đa dạng, rộng khắp kèm thông điệp: Quảng Ninh, điểm đến an toàn. Đây cũng là cách để "phá băng" tâm lý ngại đi du lịch của du khách.
Đồng thời, các đơn vị cũng nêu cao tinh thần hợp tác, kết nối để tạo sản phẩm hấp dẫn sau dịch. "Chúng tôi sẵn sàng liên kết cùng các đơn vị doanh nghiệp, Hiệp hội Du lịch tỉnh để tạo một gói sản phẩm dạng gồm các sản phẩm thế mạnh các doanh nghiệp với những ưu đãi cụ thể. Như vậy sẽ hiệu quả hơn" - đại diện Tập đoàn Sungroup chia sẻ.
Với Quảng Ninh, thị trường khách Trung Quốc chiếm phần quan trọng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng qua sự cố này cũng là dịp để nhìn lại, cơ cấu lại sản phẩm, thị trường khách. Nhiều doanh nghiệp du lịch cho rằng, khủng hoảng này một mặt nào đó là đòn bẩy hợp lý giúp ngành du lịch tái nhìn nhận nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, cải thiện hình ảnh, tìm thị trường mới, tập trung vào thu hút phân khúc thị trường khách cao cấp như khách Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản... để vừa tạo ra nguồn thu lớn, vừa đa dạng nguồn, ít bị phụ thuộc.
Ở khối các cơ sở lưu trú, vận tải, khu vui chơi, ngoài giải pháp trước mắt là tiết kiệm chi phí, nhân công, các đơn vị cũng chủ động duy trì thông tin liên lạc với những đoàn khách đã hủy tour, chuẩn bị sẵn gói kích cầu để chào bán ngay khi tình hình dịch bệnh không còn.
Trong bối cảnh khó khăn chung, hiện cũng có nhiều chuyển động tích cực với ngành du lịch. Đó là hiện tại tỉnh Quảng Ninh đang thúc đẩy hoàn thiện các hạ tầng du lịch như Dự án đường bao biển Hạ Long- Cẩm Phả, Suối nước nóng do Tập đoàn Sungroup thực hiện.
Việc sớm hoàn thành các dự án này sẽ tạo thêm điểm nhấn, sản phẩm du lịch mới hấp dẫn du khách đến với Quảng Ninh khi tình hình ổn định. Đồng thời, tỉnh cũng hướng tới thu hút nguồn khách ở miền Nam, khu vực Tây Nam Bộ, Tây Nguyên vốn rất ấn tượng với vẻ đẹp của Quảng Ninh. Năm 2020, Quảng Ninh đăng cai tổ chức Nghị Viện Á - Âu đồng thời, trong năm Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch ASEAN, Quảng Ninh sẽ đăng cai rất nhiều sự kiện; một số môn của SEAGames 21...
Tin rằng, ngoài việc tích cực phòng chống dịch, sự chỉ đạo sâu sát, xác định rõ các nhóm giải pháp; sự chủ động, linh hoạt, du lịch Quảng Ninh sẽ khắc phục, vượt qua được khó khăn và hoạt động tốt trở lại sau dịch.
Hà Phong
Ý kiến ()