Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:19 (GMT +7)
Giải pháp cho các vùng chuyên canh cây na
Thứ 6, 24/03/2023 | 11:17:24 [GMT +7] A A
Với giá trị kinh tế cao, những năm qua, cây na đã trở thành một trong những giống cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh. Để đảm bảo phát triển bền vững và nâng cao hiệu quả cho các vùng chuyên canh cây na, nhiều giải pháp đã và đang được nghiên cứu triển khai, bước đầu đem lại những thành công nhất định.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, diện tích trồng na toàn tỉnh hiện đạt trên 1.220ha, sản lượng hàng năm đạt khoảng 14.000 tấn với chủ yếu hai giống na dai và na bở. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất na tập trung như tại các địa phương: Việt Dân, An Sinh, Bình Khê, Tân Việt (TX Đông Triều); Tiền An (TX Quảng Yên), sản phẩm na đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân và được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến.
Với trên 200ha diện tích trồng cây na dai, Việt Dân hiện là một trong những vùng trồng na lớn trên địa bàn TX Đông Triều. Bắt nhịp xu hướng sản xuất an toàn, hiệu quả, những năm qua, cây na tại Việt Dân được trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP với các công đoạn chăm sóc theo đúng kỹ thuật và đảm bảo các yêu cầu về chất lượng. Bà Nguyễn Thị Minh Tâm, hộ trồng na tại thôn Tân Thành, xã Việt Dân, chia sẻ: Na dai Việt Dân cho chất lượng tốt, sản lượng cao là nhờ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đây rất thích hợp. Chính bởi vậy nên hiện nay na đã trở thành cây làm giàu chủ lực của người dân địa phương. Như gia đình tôi có trên 1ha trồng na dai, mỗi năm cho thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng.
Cùng với Việt Dân, tại các vùng trồng na khác trên địa bàn tỉnh, để nâng cao giá trị cây na, người dân đã chú trọng các biện pháp phát triển sản xuất na theo hướng VietGAP. Tuy nhiên, hiện nay, các vùng trồng cũng gặp một số khó khăn như thị trường tiêu thụ còn hạn chế do thời gian thu hoạch, bảo quản ngắn. Mặt khác, đa số diện tích na tại địa phương là giống na dai, na bở, được nhân giống bằng hạt, đã canh tác và cho thu hoạch nhiều năm nên năng suất có xu hướng giảm, quả nhỏ, tỷ lệ bị nhiễm sâu bệnh tăng, hiệu quả kinh tế giảm.
Để giải quyết vấn đề này, các địa phương trồng na đã tập trung các giải pháp cơ cấu lại các giống na, bổ sung giống mới; cấp lại chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP. Riêng đối với TX Đông Triều vùng trồng na lớn nhất tỉnh, thị xã đã xây dựng phương án phục tráng các giống na đang được trồng tại địa phương (na dai và na bở) đảm bảo năng suất của giống được phục tráng đạt trên 150 tạ/ha, từ đó tiến hành thay thế khoảng 120ha diện tích na ở độ tuổi từ 16 trở lên trong tình trạng suy thoái bằng các giống mới.
Để có bước đi cụ thể cho các địa phương trên địa bàn, TX Đông Triều cũng xây dựng kế hoạch thay thế giống qua các năm. Cụ thể, giai đoạn 2024-2025 thay thế 125ha na xuống cấp; giai đoạn 2026-2027 thay thế 155ha. Bên cạnh đó, để giải quyết vấn đề đầu ra cho người nông dân, những năm qua, TX Đông Triều đã tập trung mở rộng các kênh tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, toàn bộ sản lượng na được thị xã tiêu thụ qua 4 kênh: Tiêu thụ qua kênh truyền thống thương lái; tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử; tiêu thụ tại các chợ, siêu thị, chuỗi cửa hàng; tiêu thụ qua tổ chức, doanh nghiệp. Với cách làm này đã tạo đầu ra ổn định, đưa sản phẩm na của Đông Triều đến rộng rãi hơn với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Được biết, để hỗ trợ các địa phương, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT) đã tập trung nghiên cứu và được Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT chấp thuận công bố lưu hành giống na QN-D1. Theo đó, na QN-D1 là giống na có nguồn gốc từ giống na dứa Đài Loan, khả năng sinh trưởng, phát triển khỏe, chống chịu sâu bệnh tốt, quả to. Đặc biệt, cây có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt trong điều kiện khí hậu nhiệt độ thấp nên thuận lợi để áp dụng các biện pháp kỹ thuật rải vụ thu hoạch vào vụ có nhiệt độ lạnh (có thể tạo quả cho thu hoạch từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau), từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất. Năng suất năm thứ 4 sau trồng đạt 8-10 tấn/ha, từ năm thứ 5 sau trồng năng suất ổn định đạt trên 10 tấn/ha.
Trung tâm Khuyến nông cũng đã triển khai ghép cải tạo diện tích 1ha giống na QN-D1 trên gốc na dai, na bở tại thôn Giếng Đá, xã Tiền An, TX Quảng Yên. Sau 2 năm ghép cải tạo bắt đầu cho thu hoạch đạt năng suất trên 1,5 tấn/ha; sau 3 năm năng suất trung bình đạt trên 15kg/cây (tương đương trên 7,5 tấn/ha). Thành công của mô hình đã giúp tăng cơ hội và sự lựa chọn để phát triển kinh tế cho nông dân trồng na trên địa bàn tỉnh cũng như các địa phương có điều kiện tương đồng. Hiện nay, Trung tâm Khuyến nông đang tiếp tục nghiên cứu kỹ thuật nhân giống, hoàn thiện quy trình trồng, chăm sóc giống na QN-D1 để chuyển giao kỹ thuật đến nông dân và ứng dụng vào sản xuất đạt hiệu quả, góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()