Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:00 (GMT +7)
Giải pháp bền vững tiêu thụ nông sản
Thứ 2, 23/08/2021 | 11:44:25 [GMT +7] A A
Lúa hè thu bán chậm, rớt giá; trái cây giá rẻ khó tiêu thụ; thủy sản tồn nhiều ở ao nuôi… là thực trạng đang diễn ra tại các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài nguyên nhân do dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng, còn do sự lỏng lẻo trong chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ và hạn chế về chất lượng sản phẩm, không đáp ứng yêu cầu của các đơn hàng. Chính vì vậy, rất cần các giải pháp đường dài cho nông sản để không còn cảnh rớt giá, tồn hàng.
Anh Nguyễn Quốc Trịnh ở thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, tỉnh Long An trồng 4 ha thanh long đỏ cho biết: Thời gian qua, giá thanh long rớt xuống chỉ còn 7.000 - 8.000 đồng/kg khiến nông dân thua lỗ nặng. Theo tính toán, giá bán phải đạt 15.000 đồng/kg thì người trồng mới có lãi, tuy nhiên trong dịch Covid-19, việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn thì bán được giá nào nông dân cũng mừng. Mà giá bán này cũng chỉ là đối với diện tích trồng VietGAP, còn nếu sản phẩm chưa được cấp chứng nhận thì rất khó bán, thậm chí không thể bán được trong điều kiện dịch bệnh. Trong khi đó, cũng với sản phẩm thanh long đỏ, anh Nguyễn Văn Ba ở xã An Phú Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp trồng 1,2 ha, vừa trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, vừa ký hợp đồng liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp, thì giá bán đạt 15.000 - 18.000 đồng/kg. Anh cho biết: Các sản phẩm thanh long loại 1, chất lượng cao thì tiêu thụ khá ổn, vì doanh nghiệp thu mua hết để xuất khẩu, còn các loại chất lượng thấp, mẫu mã không đẹp thì giá chỉ còn khoảng 3.000 - 4.000 đồng/kg mà doanh nghiệp cũng không muốn thu mua.
Những thông tin nêu trên chứng tỏ nông sản chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, có chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt không chịu ảnh hưởng quá lớn từ dịch Covid-19. Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Trần Thanh Nam - Tổ trưởng Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía nam trong điều kiện dịch Covid-19 (Tổ công tác 970) cũng nhận định: Hầu hết nông sản có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP hay các chứng nhận chất lượng tương đương hoặc cao hơn khi đăng ký nguồn cung qua tổ công tác đều được kết nối tiêu thụ thành công. Thậm chí nhiều mặt hàng có chứng nhận chất lượng VietGAP còn không đủ hàng để bán. Đây chính là vấn đề các địa phương cần đặc biệt lưu ý trong thời gian tới để triển khai hiệu quả hơn nữa việc xây dựng các vùng nuôi, trồng đạt chứng nhận chất lượng trong nước và quốc tế.
Không chỉ thị trường nội địa mà thị trường xuất khẩu cũng vậy. Cục trưởng Bảo vệ thực vật Hoàng Trung cho biết: Nhiều nông sản hiện nay chưa được quản lý từ gốc trong các vấn đề như: Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, phân bón…, chưa được cấp mã số vùng trồng, chưa có các chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt cho nên vẫn rất khó xuất bán.
Mới đây, Tổ công tác 970 đã có cuộc kết nối trực tuyến giữa Công ty TNHH Kết nối hải sản Mekong (Mekong Seafood connection) với các sở NN và PTNT tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng và các hợp tác xã để tìm cơ hội liên kết sản xuất và tiêu thụ thủy hải sản. Ông Hoàng Văn Duy - Giám đốc Mekong Seafood connection cho biết: Nhu cầu thu mua sản phẩm hằng tháng của công ty rất lớn, khoảng 985 tấn cá tra (40 container); 73 tấn cá ngừ (4 container); 5 container tôm càng xanh; 2 container đùi ếch; 3 container tôm sú, tôm thẻ... cung cấp cho khoảng 500 đối tác nhập khẩu từ siêu thị tới tổng kho, nhà phân phối sỉ, nhà nhập khẩu lẻ đến từ 85 quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, sau cuộc kết nối, ông Duy cho biết, các đơn hàng kết nối được vẫn còn ít vì mặc dù các tỉnh đều có nguồn cung tương đối lớn, nhưng lại chưa đáp ứng được một trong những yêu cầu quan trọng của công ty là sản phẩm phải qua sơ chế, chứ không phải sản phẩm thô từ ao nuôi. Lãnh đạo sở NN và PTNT các tỉnh đều cho rằng, đây là vấn đề khó đối với địa phương hiện nay vì các hợp tác xã chủ yếu bán sản phẩm ngay tại ao nuôi, nhưng đồng thời đây cũng là cơ hội để các hợp tác xã nâng cao hiệu quả hoạt động thông qua hình thành và phát triển công đoạn sơ chế các sản phẩm thủy sản.
Trong khi đó, vụ lúa hè thu 2021 của vùng đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch rộ đúng vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát tại các tỉnh, thành phố phía nam đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến khâu tiêu thụ, khiến giá lúa giảm sâu. Tuy nhiên, theo Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn, hầu hết diện tích lúa có liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân đều được thu hoạch kịp thời, thu mua hết với mức giá như đã ký kết hợp đồng từ đầu vụ. Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Thanh Tùng cũng khẳng định: “Tiêu thụ lúa hè thu khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 đã cho thấy rõ khâu liên kết trong sản xuất - tiêu thụ ở các địa phương còn yếu, và cần cấp thiết cải thiện. Bởi lẽ, khi nông dân không có hợp đồng liên kết, phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái thì khi “mắt xích” này bị đứt gãy đương nhiên sẽ kéo theo tình trạng lúa tồn đọng số lượng lớn và giá sụt giảm. Điều này được nói đến nhiều lần, nhưng có lẽ đây là thời điểm bộc lộ rõ nhất vai trò của liên kết trong sản xuất lúa”.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()