Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 20:31 (GMT +7)
Giải ngân vốn đầu tư công vẫn ì ạch
Thứ 7, 02/07/2022 | 14:01:19 [GMT +7] A A
Một trong những giải pháp cấp bách để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 được tỉnh Quảng Ninh xác định đó là đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Tại cuộc họp thường kỳ UBND tỉnh đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm vừa qua, các đại biểu đều nhận định công tác giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh còn ì ạch, chậm tiến độ, nhiều chủ đầu tư thậm chí không đạt theo kế hoạch chỉ đạo của tỉnh.
Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, tính đến ngày 30/6, tổng kế hoạch chi đầu tư công năm 2022 sau điều chỉnh bổ sung trên địa bàn tỉnh trên 16.500 tỷ đồng, chiếm 50% tổng chi ngân sách địa phương. Đến nay, đã phân khai được 15.917 tỷ đồng.
Về kết quả giải ngân, mặc dù đã có sự chỉ đạo rất quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và thành lập tổ công tác đặc biệt ngay từ đầu năm đôn đốc, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư, thế nhưng kết quả giải ngân vốn đầu tư công đến hết ngày 30/6 vẫn không đạt như kỳ vọng, mới giải ngân đạt 5.993/15.917 tỷ đồng, đạt 37,7% kế hoạch năm, thấp hơn so cùng kỳ năm 2021 (đạt 40%). Tuy nhiên, nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao thì tỷ lệ giải ngân đạt 53,4%, cao hơn giải ngân bình quân chung cả nước.
Đánh giá từng nguồn vốn cho thấy, nguồn vốn ngân sách Trung ương đã giải ngân đạt 15,1% kế hoạch, nguồn vốn ngân sách tỉnh giải ngân đạt 39,7% kế hoạch, nguồn vốn ngân sách địa phương giải ngân đạt 38,15% kế hoạch. Ngoài nguồn vốn ngân sách Trung ương giải ngân cao hơn so với cùng kỳ năm 2021, còn lại 2 nguồn vốn ngân sách tỉnh và địa phương đều có tỷ lệ giải ngân thấp hơn so với cùng kỳ.
Riêng đối với nguồn vốn ngân sách tỉnh, nhóm 8 dự án y tế, với tổng nguồn vốn 199 tỷ đồng, đến nay có 7/8 dự án chưa giải ngân (Dự án đầu tư nâng cấp mở rộng Trung tâm y tế TP Móng Cái, huyện Tiên Yên, Ba Chẽ, Bình Liêu; Bệnh viện bảo vệ tâm thần; Bệnh viện Lão Khoa; Bệnh viện Y dược). Nguyên nhân giải ngân chậm chủ yếu là do khó khăn trong công tác thẩm định giá (không có đơn vị thẩm định), tiêu chuẩn định mức có sự thay đổi. Mặt khác, theo quy định mới của Chính phủ tại Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 8/11/2021 có hiệu lực từ ngày 1/4/2022, cụ thể tại khoản 4, Điều 44 quy định “Không được mua bán trang thiết bị y tế khi chưa có giá kê khai và không được mua bán cao hơn giá kê khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán”. Vì vậy, hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã và đang phối hợp với các chủ đầu tư và Sở Y tế để sớm tham mưu UBND tỉnh rà soát lại phần thiết bị y tế trong 7 dự án, đồng thời đề xuất theo hướng tách phần trang thiết bị chuyên dùng ra khỏi dự án, giao các đơn vị mua sắm bằng nguồn chi thường xuyên, để tháo gỡ những khó khăn.
Một số dự án giao thông có tổng mức đầu tư lớn, do quá trình triển khai thực hiện vướng mắc về nguồn đất đắp và vị trí đổ thải, GPMB chậm... nên tỷ lệ giải ngân còn hạn chế, cụ thể: Dự án cầu Cửa Lục 1 giải ngân được 67/200 tỷ đồng, đạt 33,7% kế hoạch; dự án đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều đoạn từ nút giao Đầm Nhà Mạc đến tỉnh lộ 338 (Giai đoạn 1), giải ngân đạt 141/400 tỷ đồng, đạt 35,4% kế hoạch; dự án đường bao biển nối TP Hạ Long - TP Cẩm Phả giải ngân đạt 45,1/200 tỷ đồng, đạt 22,7% kế hoạch; dự án đường cao tốc Tiên Yên - Móng Cái theo phương thức đối tác công tư (PPP), giải ngân đạt 53,2/154 tỷ đồng, đạt 34,4% kế hoạch; dự án đường nối TP Hạ Long với cầu Bạch Đằng (không bao gồm chi phí GPMB) đã hoàn thành được bố trí trên 141 tỷ đồng, tuy nhiên đến nay mới giải ngân được 54,5/141 tỷ đồng, đạt 38,5% kế hoạch.
Đối với nguồn vốn ngân sách huyện, ngoài một số địa phương có tỷ lệ giải ngân cao, như: Ba Chẽ (73,7%), Cô Tô (61,1%), Tiên Yên (60,5%), Đông Triều (58,7%), Vân Đồn (57,8%), Quảng Yên (56,3%), Cẩm Phả (54,2%), Uông Bí (50,6%), các địa phương còn lại đều có tỷ lệ giải ngân chậm, không đạt như kỳ vọng của tỉnh đã đề ra từ đầu năm. Tiêu biểu như TP Hạ Long năm 2022 có tổng kế hoạch vốn là 3.237 tỷ đồng (chiếm 44,7% tổng kế hoạch vốn ngân sách cấp huyện), tuy nhiên đến 20/6 mới giải ngân đạt 17,9%, thấp hơn so với tỷ lệ chung của tỉnh, làm ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ giải ngân chung toàn tỉnh.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Đơn vị sẽ rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo kiểm điểm đối với những chủ đầu tư, nếu sau ngày 30/6/2022 không giải ngân đạt 50% kế hoạch vốn giao đầu năm, đặc biệt là đối với các dự án chuyển tiếp. Điều chỉnh kế hoạch vốn của các dự án, các chủ đầu tư đến hết ngày 30/6/2022 không đảm bảo tỷ lệ giải ngân theo chỉ đạo để điều hòa cho các dự án, chủ đầu tư khác có tỷ lệ giải ngân cao hơn nhằm đảm bảo mục tiêu giải ngân theo chỉ đạo của tỉnh đến hết 30/9/2022 đạt 80% và hết 31/12/2022 đạt 100%.
Mạnh Trường
- Cần giải pháp căn cơ để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
- Quảng Yên tập trung cao cho công tác giải ngân vốn đầu tư công
- Giải ngân vốn đầu tư công để phát huy được hiệu quả đồng vốn
- Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt như kỳ vọng
- Đánh giá kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2022
- TX Đông Triều: Chủ động giải ngân vốn đầu tư công
- Tích cực giải ngân vốn đầu tư công
Liên kết website
Ý kiến ()