Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:25 (GMT +7)
Giải ngân vốn đầu tư công ngành nông nghiệp đạt trên 50%
Thứ 6, 10/09/2021 | 10:23:52 [GMT +7] A A
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết tháng 8, giải ngân vốn đầu tư công của Bộ ước đạt 4.985 tỷ đồng, bằng 50,6% kế hoạch năm.
Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 19/6/2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công.Theo đó, cá nhân người đứng đầu chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước Bộ trong trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ hàng tháng, hàng quý và cả năm như đã cam kết với Bộ từ đầu năm.
Đánh giá kết quả giải ngân trong 6 tháng đầu năm của các chủ đầu tư, Bộ đã tuyên dương 12 chủ đầu tư có giá trị giải ngân lớn, tỷ lệ giải ngân cao và vượt kế hoạch giải ngân đã cam kết. Đồng thời, phê bình cá nhân người đứng đầu và tập thể lãnh đạo 4 chủ đầu tư có dự án tiến độ chậm, giải ngân thấp.Kết quả thực hiện, giải ngân kế hoạch năm 2021 là tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo đơn vị, chủ đầu tư năm 2021. Những đơn vị thường xuyên không hoàn thành kế hoạch 6 tháng, 9 tháng và cả năm, Bộ sẽ xem xét không giao chủ đầu tư các dự án trong kỳ trung hạn 2021-2025.Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện đấu thầu qua mạng theo quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, lựa chọn nhà thầu đủ năng lực; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực trong đầu tư công.Bộ đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với các dự án, dự toán mua sắm sử dụng vốn nhà nước do Bộ quản lý.
Theo đó, giai đoạn 2021-2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện theo lộ trình lựa chọn nhà thầu qua mạng quy định tại Điều 29 Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT ngày 16/12/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu, lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng và quản lý, sử dụng giá trị bảo đảm dự thầu, bảo đảm thực hiện hợp đồng không được hoàn trả.
Cụ thể lựa chọn nhà thầu qua mạng trong năm 2021 bảo đảm tổng số lượng các gói thầu đạt tối thiểu 70% số lượng gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh. Tổng giá trị gói thầu đạt tối thiểu 35% tổng giá trị các gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh.
Về việc xử lý nghiêm các trường hợp nhà thầu vi phạm tiến độ hợp đồng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đánh giá năng lực nhà thầu tham gia các dự án do Bộ quản lý trong 6 tháng đầu năm. Trong số 678 nhà thầu tham gia các dự án có 17 nhà thầu không đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng đã được nhắc nhở, chấn chỉnh, tạm dừng tham gia các gói thầu mới để tập trung thực hiện các gói thầu đang triển khai dở dang hoặc xem xét chấm dứt hợp đồng.
Để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên, Bộ thường xuyên phối hợp với các địa phương, đôn đốc các đơn vị có liên qua. Đến nay, còn 3 dự án lớn chậm tiến độ trong giải phóng mặt bằng.
Dự án Hồ chứa nước Cánh Tạng tỉnh Hòa Bình và dự án Hồ Bản Mồng tỉnh Nghệ An phát sinh kinh phí giải phóng mặt bằng, phải điều chỉnh dự án, cơ cấu vốn đầu tư mới có thể triển khai tiếp. Bộ đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính hoàn thiện hồ sơ thủ tục và đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương để thực điều chỉnh dự án trong tháng 9/2021.
Với dự án hồ Krông Pách Thượng, tỉnh Đắk Lắk, mặc dù các cơ quan, đơn vị có liên quan của Bộ cùng với UBND tỉnh Đắk Lắk đã chủ động, tích cực tháo gỡ các khó khăn để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng nhưng đây là công trình có khối lượng giải phóng mặt bằng lớn; đối tượng bị ảnh hưởng phần lớn là đồng bào di cư tự do; trải qua nhiều giai đoạn triển khai với nhiều thay đổi về đơn giá, chính sách, quy định dẫn đến gặp rất nhiều vướng mắc, đặc biệt là việc xác định nguồn gốc đất và áp dụng đơn giá bồi thường. Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Đắk Lắk đã báo cáo, xin ý kiến Ban chỉ đạo một số công trình trọng điểm giai đoạn 2021-2025 (thuộc Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk) để triển khai thực hiện.
Để đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn, các đơn vị xác định “mỗi công trình là một vùng xanh” phù hợp với các quy định của địa phương; đồng thời trao đổi, làm việc với các địa phương để có giải pháp xử lý đối với các ảnh hưởng do dịch như việc đứt gãy nguồn nhân lực, đứt gãy nguồn cung vật tư, vật liệu… để đảm bảo hoàn thành mục tiêu kép vừa phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, vừa đảm bảo thực hiện, giải ngân các dự án không bị gián đoạn.
Các đơn vị thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng, trong vòng 03 ngày làm việc, kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu. Chủ đầu tư, chủ dự án hoàn thiện đầy đủ thủ tục thanh toán vốn đầu tư gửi Kho bạc Nhà nước thanh toán cho nhà thầu, không để dồn thanh toán vào cuối tháng, cuối quý.
Ngoài ra, Bộ rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn. Trong 7 tháng, đã có 5 đợt điều chỉnh kế hoạch vốn với số vốn điều chỉnh giữa các dự án khoảng 1.080 tỷ đồng, gồm: vốn trong nước điều chỉnh 630 tỷ đồng, vốn ODA điều chỉnh 450 tỷ đồng.
Tổng kế hoạch vốn năm 2021 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao là 9.846 tỷ đồng; trong đó, vốn trong nước là 7.001 tỷ đồng, vốn ODA 2.845 tỷ đồng.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()