Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 16:22 (GMT +7)
Giải ngân nhanh vốn tín dụng cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo
Thứ 6, 26/11/2021 | 09:48:18 [GMT +7] A A
Nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, Quảng Ninh đã tiếp tục bố trí 40 tỷ đồng từ ngân sách thực hiện cho vay giải quyết việc làm tại 25 xã và 24 thôn vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh (CSXH) Quảng Ninh đã nhanh chóng triển khai giải ngân cho vay nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn sản xuất của người dân.
Trước tháng 6/2021, cũng như nhiều hộ gia đình ở thôn Tàu Tiên (xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ), gia đình anh Đặng A Tài được vay vốn ưu đãi từ chương trình cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Tuy nhiên, do không còn là xã đặc biệt khó khăn (theo Quyết định 861/QĐ-TTg, ngày 4/6/2021, của Thủ tướng Chính phủ), nên sau thời điểm tháng 6/2021 gia đình anh Tài không được tiếp tục vay vốn từ chương trình này. Thiếu vốn sản xuất khiến gia đình anh “đứng ngồi không yên”. Đáng mừng là, đến giữa tháng 10/2021, gia đình anh Tài được vay 100 triệu đồng vốn giải quyết việc làm. Với số vốn này, anh tiếp tục đầu tư giống, phân bón, nhân công trồng thêm 3ha quế.
Anh Tài chia sẻ: Thu nhập chính của gia đình tôi từ trồng rừng. Thực hiện sự vận động của huyện và xã, gia đình đã chuẩn bị cây giống để trồng thêm 3ha quế. Trồng quế thì phải từ 10-15 năm mới cho thu hoạch, do đó gia đình tôi rất cần vốn đầu tư để chăm sóc, thuê nhân công, duy trì sản xuất. Đang trong lúc loay hoay tìm vốn, gia đình tôi đã được tạo điều kiện vay vốn tín dụng chính sách với lãi suất ưu đãi với khoảng 600 nghìn đồng tiền lãi mỗi tháng, đây là mức vay rất thấp nếu so với các ngân hàng thương mại hiện nay. Từ đó, giúp gia đình tôi và nhiều hộ dân khác tiếp tục có nguồn lực phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Anh Lưu Minh Thắng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đồn Đạc (huyện Ba Chẽ), cho biết: Từ tháng 10/2021 đến nay, toàn xã có 26 hộ được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách cho vay giải quyết việc làm với tổng kinh phí 2,3 tỷ đồng. Bằng nguồn vốn trên, bà con nhân dân trên địa bàn xã đã tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích trồng quế, sa mộc, trà hoa vàng... Nguồn vốn được giải ngân kịp thời, nhanh chóng, đúng đối tượng sẽ là động lực quan trọng giúp người dân trên địa bàn xã tiếp tục vươn lên thoát nghèo bền vững, nâng cao thu nhập, làm giàu trên mảnh đất quê hương. Đồng thời, thực hiện các chủ trương của tỉnh và huyện về trồng rừng gỗ lớn, phát triển KT-XH bền vững, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền.
Được biết, trong tháng 10/2021, ngay sau khi được tỉnh bố trí vốn, Ngân hàng CSXH Chi nhánh Quảng Ninh đã tích cực phối hợp với địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, đưa vốn chính sách đến người dân trong vùng thụ hưởng. Đồng thời, nhanh chóng rà soát các hộ dân có nhu cầu, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ, tăng cường giám sát các hộ vay đảm bảo đúng đối tượng, mục đích, hiệu quả. Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh đã nhanh chóng giải ngân nguồn vốn tín dụng chính sách đến tay người dân .
Qua đó, tính đến ngày 24/11, Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh đã giải ngân cho 592 hộ dân được vay vốn giải quyết việc với tổng số tiền là 39,9 tỷ đồng. Mỗi hộ được vay tối đa 100 triệu đồng để tạo việc làm, sinh kế và phát triển các mô hình kinh tế. Như vậy, chỉ sau hơn 1 tháng, Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh đã cơ bản hoàn thành giải ngân nguồn vốn. Qua đó, giúp cho người dân 25 xã và 24 thôn vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo vừa thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn tiếp cận kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, giải quyết nhu cầu bức thiết về vốn sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Điều này, không chỉ khẳng định sự quan tâm của tỉnh, mà còn là sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị trong việc chăm lo tới đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo.
Ông Đặng Văn Phúc, Chủ tịch UBND xã Đồng Lâm (TP Hạ Long), cho biết: Sau khi hoàn thành Chương trình 135, giống như nhiều địa phương, toàn xã không còn là diện khó khăn và đặc biệt khó khăn (khu vực 2 và 3). Do đó, xã không còn được thụ hưởng một số chính sách của Trung ương dành cho khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo... Vì vậy, việc tỉnh quan tâm hỗ trợ nguồn vốn kịp thời sẽ là động lực rất lớn giúp các thôn, xã vừa thoát khỏi đặc biệt khó khăn có nguồn lực phát triển kinh tế, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng cuộc sống, nhất là giúp bà con tại khu vực này yên tâm phát triển sản xuất, cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Việc nhanh chóng hỗ trợ vốn sản xuất cho người dân 25 xã và 24 thôn vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo là nguồn lực quan trọng tạo động lực mạnh mẽ để người dân ở các khu vực này phát triển kinh tế, mở rộng mô hình sản xuất, tăng thu nhập, từ đó, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn .
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()