Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 06:36 (GMT +7)
Giải mã cơn sốt toàn cầu từ phim Hollywood quay ở Việt Nam
Thứ 6, 12/05/2023 | 07:38:29 [GMT +7] A A
Dù kịch bản còn hạn chế, phim “A Tourist's Guide to Love” vẫn gây sốt nhờ biết cách khai thác bối cảnh, lồng ghép khéo léo nhiều chi tiết văn hóa Việt.
Ra mắt cuối tháng 4, A Tourist's Guide to Love (Tựa Việt: Hành trình tình yêu của một du khách) nhanh chóng thu hút sự chú ý của khán giả. Đây là phim Hollywood đầu tiên được quay tại Việt Nam kể từ khi kết thúc giãn cách cuối năm 2021.
Sau hơn 2 tuần phát hành, dự án vẫn đang rất hút khách, vươn lên giữ ngôi đầu bảng xếp hạng phim được xem nhiều nhất toàn cầu trên nền tảng phát trực tuyến. Hơn nữa, tác phẩm cũng liên tục lọt "Top thịnh hành" của nhiều quốc gia ở khắp các châu lục, bao gồm Việt Nam.
Khi xem phim, khán giả trong nước thích thú trước cách ê-kíp Hollywood khai thác bối cảnh nội địa. Song, không ít người cũng thắc mắc vì sao một bộ phim có kịch bản cũ kỹ, nhiều lỗi lại hấp dẫn người xem quốc tế đến thế?
Bối cảnh Việt Nam đẹp hút hồn
Không phải ngẫu nhiên mà ê-kíp Hollywood lại quyết định chọn Việt Nam làm bối cảnh chính, làm nền cho chuyện tình trong phim. Năm 2022, nước ta vinh dự được World Travel Awards vinh danh là “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới” (World’s Leading Heritage Destination 2022).
Trong 5 năm gần nhất, giải thưởng từng được Wall Street Journal ví như “Oscar của ngành du lịch thế giới” cũng gọi tên Việt Nam đến 4 lần tại hạng mục “Điểm đến hàng đầu châu Á” (Asia’s Leading Destination).
Theo chân nhân vật chính Amanda (Rachael Leigh Cook), khán giả như được bước vào chuyến du hành đến Việt Nam bằng hình ảnh. Các nhân vật liên tục khám phá những địa điểm nổi tiếng của xứ áo dài như Thánh địa Mỹ Sơn, Hội An, Hà Giang,… Nơi nào cũng có những dấu ấn riêng, để lại nhiều thiện cảm.
Dẫn dắt Amanda xuyên suốt chuyến đi Việt Nam là anh chàng hướng dẫn viên du lịch bản địa tên Sinh (Scott Ly). Theo thời gian, bộ đôi dần xích lại gần nhau, tạo thành một chuyện tình mang màu sắc mơ mộng giữa bối cảnh đẹp nên thơ.
Dễ thấy, câu chuyện không mới, thậm chí khiên cưỡng và có phần nhàm chán. Thế nhưng Việt Nam trong phim hiện lên hút hồn, là yếu tố quan trọng “cứu” một kịch bản cũ kỹ, đi vào lối mòn quen thuộc của thể loại rom-com (hài, lãng mạn). Các nhà làm phim hẳn cũng biết rõ điều đó, nên tập trung đầu tư góc máy, cảnh quay để từng địa điểm đều đẹp nhất có thể trên màn ảnh.
Trước đây nhiều phim Hollywood thường khắc họa nước ta với hình ảnh chiến tranh, bom đạn. Lần này Việt Nam hiện lên đúng với những gì World Travel Awards khen ngợi: Một mảnh đất có nhiều địa điểm hấp dẫn khách du lịch, giàu truyền thống nhưng cũng mang hơi thở thời đại.
Hình ảnh hậu trường khi ê-kíp Hollywood quay phim tại Việt Nam.
Với khán giả quốc tế, nhất là những người chưa từng đến nước ta, họ hoàn toàn có thể bỏ qua những lỗi logic mà người Việt dễ dàng nhận ra. Đơn cử như việc các nhân vật đi từ Hội An lên thẳng Hà Giang chỉ trong một ngày.
Trái lại, những chi tiết gắn với Việt Nam đều trở nên mới lạ với người xem ngoại quốc. Họ cảm nhận được sự háo hức của Amanda khi đặt chân đến xứ Việt, đắm chìm trong những cảnh quan để rồi thêm yêu miền đất xa lạ.
Khéo léo pha trộn các yếu tố văn hóa
Bên cạnh bối cảnh, các yếu tố văn hóa Việt Nam cũng được khéo léo lồng ghép trong phim, từ những chi tiết nhỏ như thắp hương, mặc áo dài, múa lân, múa rối nước,… đến sự kiện lớn như đón Tết cổ truyền.
Với Amanda, đất nước yên bình ở châu Á có quá nhiều thứ để khám phá. Khi đồng hành cùng Sinh, nhân vật như bước vào một cuộc phiêu lưu tại xứ sở mới lạ. Cô phải học cách trả giá để không bị “dắt mũi” khi mua hàng ở chợ Bến Thành, làm quen với giao thông Việt Nam và học cách băng qua đường ở TP.HCM.
Các nhà làm phim Hollywood cũng khéo léo chọn lựa những món đặc sản Việt để đưa lên phim. Khi các nhân vật đến chợ Bến Thành, họ được chứng kiến nhiều món ăn dân dã, quen thuộc như cơm tấm, gỏi cuốn tôm, sữa chua hoa quả, bánh bột lọc,... Dù chỉ xuất hiện thoáng qua nhưng tất cả đều hiện lên đẹp mắt, hấp dẫn trong một bộ phim điện ảnh.
Đến phân đoạn đón Tết Nguyên đán, đoàn du khách quốc tế lại tiếp tục được thưởng thức các món ăn cổ truyền như xôi gấc, bánh chưng, nem rán, chả giò,… Hình ảnh mâm ngũ quả được bày biện cẩn thận cũng được khắc họa trên phim, gây tò mò với bất kỳ ai đam mê khám phá.
Đặc biệt, Amanda cũng có cơ hội được nếm thử sầu riêng – thứ quả đặc sản của vùng Đông Nam Á, vốn nổi tiếng là “vua trái cây” nhưng không hề dễ ngửi và dễ ăn. Ít ai biết rằng đằng sau lớp vỏ gai góc, xù xì là những múi sầu riêng thơm ngon, dễ dàng “đốn hạ” trái tim bất kỳ thực khách.
Trong phim, Amanda ngay lập tức bị sầu riêng “hớp hồn” và không còn lời nào để khen tặng. “Tôi chẳng biết tại sao nhưng hóa ra nó ngon thật đấy”, cô thốt lên và giơ ngón cái, ám chỉ rằng mình rất thích món ăn lạ lẫm này.
Hơn hết, con người Việt Nam trong phim hiện lên hiền hòa, chân phương. Từ hướng dẫn viên du lịch đến người bản địa đều thân thiện, mến khách. Điều đó giúp cho nữ du khách Mỹ có cảm giác ấm áp, gần gũi như đang ở nhà. Thậm chí, chuyến du lịch đến xứ áo dài còn giúp cô “chữa lành”, tạm quên những nỗi đau trong quá khứ.
Thôi thúc mong muốn du lịch của người xem
Bối cảnh luôn đóng vai trò quan trọng trong phim. Trước đó, có không ít bộ phim được “nâng tầm” nhờ chọn được bối cảnh đẹp. Đồng thời nhiều tác phẩm nổi tiếng cũng giúp bối cảnh được chú ý hơn. Đơn cử, New Zealand nhanh chóng trở thành địa điểm ưa thích của nhiều người sau khi The Lord of the Rings tạo “cơn sốt”.
Theo chuyên trang Champion Traveler, bối cảnh phim thường có tác động đến tích cực đến ngành du lịch, bất kể là phim giải trí hay là phim hàn lâm. Đơn cử, Gladiator gợi cảm hứng cho nhiều người đến Rome, hay The Hangover khiến người xem mong muốn đến Vegas hơn, ngay cả khi cả 2 nằm trong danh sách những thành phố thu hút nhiều khách du lịch nhất thế giới.
Dữ liệu nghiên cứu của Champion Traveler cho thấy, trung bình một bộ phim nổi tiếng có thể làm tăng 31% lượng khách du lịch đến địa điểm quay. Con số có thể lên đến mức 300%, như trường hợp Braveheart (1995) từng khiến nhiều du khách kéo đến Đài tưởng niệm Wallace (Scotland) để tham quan.
Tương tự, sau khi xem A Tourist's Guide to Love, phần lớn khán giả thích thú với bối cảnh Việt – vốn ít được Hollywood tái hiện trên phim ảnh. Theo Cosmopolitan, nhiều người xem quốc tế sau khi xem xong phim cũng phải thốt lên rằng: “Tôi muốn đến Việt Nam”.
Ngay khi ra mắt, tác phẩm lập tức nhận được nhiều ý kiến trái ngược từ phía khán giả. Một số cho rằng phim đã làm tốt nhiệm vụ quảng bá du lịch Việt Nam. Họ thậm chí hy vọng các nhà sản xuất sẽ thực hiện phần tiếp theo “vì nước ta vẫn còn nhiều điểm đẹp lắm”.
Dẫu vậy, nhiều người xem trong nước cảm thấy chưa thực sự hài lòng về cách ê-kíp khai thác văn hóa bản địa. Họ thẳng thắn chỉ ra những sai sót, hạn chế trong kịch bản. Chẳng hạn như việc xây dựng hình ảnh hướng dẫn viên du lịch thiếu chuyên nghiệp, hay các yếu tố thời tiết, địa lý chưa chính xác.
Dù vẫn còn những điểm sai sót không đáng có, bối cảnh và những chi tiết văn hóa Việt thực sự giúp dự án trở thành “món ăn” lạ vị với khán giả quốc tế. Đó cũng là lý do một bộ phim rom-com có kịch bản cũ vẫn đủ sức hấp dẫn và “gây sốt” toàn cầu.
Theo Zing
Liên kết website
Ý kiến ()