Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:10 (GMT +7)
Giải cứu cho các chủ tàu du lịch theo hướng nào?
Chủ nhật, 04/07/2021 | 09:34:35 [GMT +7] A A
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát cũng là lúc các chủ tàu du lịch bắt đầu chống chọi với những khoản vay. Hơn một năm trôi qua, giờ đây thì các chủ tàu đã ở vào đỉnh điểm của sự khó khăn với nợ nần bủa vây, thậm chí ngay cả những doanh nghiệp lớn có dự phòng rủi ro cũng rơi vào khánh kiệt…
Chủ tàu chìm trong nợ nần
Chia sẻ tại hội nghị tháo gỡ khó khăn của các doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch trong quan hệ tín dụng ngân hàng, diễn ra tại TP Hạ Long vào trung tuần tháng 6 vừa qua, có chủ tàu đã nghẹn lời khi kể về nỗ lực xoay xở của gia đình để chi cho tàu… nằm bờ và trả các khoản vay chồng chất. Có chủ tàu thậm chí rớt nước mắt vì bế tắc, vì khó khăn trước món nợ mấy chục tỷ khi mà cơ hội trả còn mờ mịt, xa lắc.
Và chắc rằng trong số họ còn không ít những nỗi niềm, cả những giọt nước mắt mà nhiều doanh nghiệp, chủ tàu phải nuốt vào trong khi tài sản gia đình tích luỹ dần ra đi, họ phải cầm cố xe cộ, nhà đất rồi vay mượn họ hàng, bạn bè và thậm chí tìm tới cả những khoản vay tín dụng đen… để trang trải các khoản chi.
Có thực tế ấy bởi lẽ, tàu du lịch là tài sản lớn, các chủ tàu đa số là vay vốn ngân hàng để đầu tư, vậy nên nợ ít cũng tiền tỷ, số vay cao hơn lên tới vài chục tỷ và vay nhiều có thể lên tới hàng trăm tỷ. Covid-19 tràn qua, tàu lúc chạy lúc dừng vì khách du lịch thưa vắng, vì những thời điểm phải giãn cách, dừng hoạt động nên những khoản thu rất thấp, thậm chí bằng không trong khi các khoản chi cho con tàu phải có, từ nhân công, phí đăng ký, đăng kiểm, tiền bảo hiểm, phòng cháy chữa cháy cho tới lãi vay ngân hàng…
Có thể nói, trong cơn bão Covid-19 thì chủ tàu du lịch thuộc hàng khó khăn nhất, bởi lẽ với nhiều cơ sở lưu trú du lịch khác trên bờ có thể khoanh tài sản lại không hoạt động để giảm thiểu chi phí. Ngược lại, tàu vẫn phải có người bảo vệ, trông coi, phải có người bảo dưỡng máy móc, đưa tàu ra, vào khi thuỷ triều lên xuống, bão gió…
Vướng về cơ chế, chính sách
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Quảng Ninh, tính đến ngày 31/5, 22 ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã cho 240 doanh nghiệp, hộ kinh doanh tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long vay tổng dư nợ 1.876 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là 1.670 tỷ đồng. Hoàn cảnh có thể khác nhau, ngân hàng vay vốn đầu tư có thể khác nhau nhưng khó khăn của chủ tàu để giải quyết các khoản vay ngân hàng là tương đối giống nhau.
Ông Đào Mạnh Lượng, Chi hội trưởng Chi hội Tàu du lịch Hạ Long, đã tổng hợp lại và đề đạt nguyện vọng chung của họ. Cụ thể, đó là đề xuất được cơ cấu lại toàn bộ các món vay, kể cả những khoản vay để hoàn thiện tàu mới dở dang mà chủ yếu là giải ngân sau ngày 23/1/2020. Và kể từ thời điểm Chính phủ tuyên bố hết dịch thì tiếp tục cơ cấu thêm 3 năm nữa và gia hạn hợp đồng tín dụng thêm 3 năm so với thời hạn mà hợp đồng đã ký. Gốc và lãi sau khi cơ cấu được trả đều hoặc trả theo hình thức luỹ tiến tăng dần theo tình hình phục hồi thực tế 3 năm được gia hạn.
Ông cũng cho hay, hiện nay đã có những chính sách giãn nợ nhưng áp dụng với thời gian rất ngắn, từ 3-12 tháng thôi, như vậy doanh nghiệp chưa đủ khoảng thời gian cần thiết khôi phục hoạt động, chưa có nguồn thu để trả nợ. Các chủ tàu cũng đề nghị các ngân hàng chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp được vay vốn lưu động, vì sau thời gian phòng chống dịch, các doanh nghiệp đều lâm vào cảnh “sức cùng lực kiệt”, bởi vậy khoản vay vốn lưu động là hết sức cần thiết, giúp doanh nghiệp thuận lợi khởi động lại hoạt động kinh doanh hơn rất nhiều.
Đại diện cho các chủ tàu, ông Lượng cũng đề nghị được chuyển các khoản vay ngắn hạn thành khoản vay trung hạn giúp doanh nghiệp hồi phục để có thể trả nợ; được giữ nguyên các nhóm nợ, không chuyển nhóm nợ thành nợ xấu do ảnh hưởng của dịch bệnh, làm ảnh hưởng đến các khoản vay sau này (khó vay hoặc không được hưởng lãi suất vay ưu đãi). Đồng thời đề nghị có chính sách về giãn nợ thuế, BHXH từ 3-5 năm sau thời gian chấm dứt dịch Covid-19, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hồi phục để tiếp tục đóng thuế…
Nhận diện sớm những khó khăn của chủ tàu du lịch, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Quảng Ninh đã tích cực thúc đẩy nhanh việc tổ chức hội nghị kể trên, nhằm giải quyết sớm, đầu tiên khó khăn cho các chủ tàu du lịch.
Ông Nguyễn Văn Đoan, Phó Giám đốc đơn vị cho hay, thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TU ngày 5/2/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển dịch vụ, ngành ngân hàng đã đưa tỷ trọng cho vay ngành du lịch từ hơn 30% đến hiện nay là tới gần 52%.
Trước đề nghị của các chủ tàu, ông khẳng định các ngân hàng thương mại tại Quảng Ninh đã triển khai các nội dung về việc giảm lãi suất, giãn nợ, cho vay tái sản xuất… theo quy định của hai Thông tư số 01 và 03 (Thông tư 03/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 2/4/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19).
Vì vậy, ông đề nghị 22 ngân hàng thương mại có mặt tại hội nghị nghiên cứu, vận dụng những chính sách tốt nhất cho các chủ tàu du lịch. Với những kiến nghị vượt thẩm quyền theo Thông tư 01, 03 mà ông Lượng đại diện các chủ tàu nêu lên, đơn vị sẽ đề xuất lên cấp trên để tìm hướng giải quyết. Đây cũng là những bất cập mà khi triển khai Thông tư 03 thì các ngân hàng đã có phản hồi nhưng trình tự để thay đổi còn ngoài tầm, cần tiếp tục kiến nghị…
Mong sự đồng hành, chia sẻ cao hơn
Không chỉ là vận dụng, triển khai chính sách, thể hiện tiếng nói của doanh nghiệp, ông Đào Mạnh Lượng cũng như ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đều mong muốn các ngân hàng thương mại có sự chia sẻ lợi ích, khó khăn với các doanh nghiệp tàu du lịch nhiều hơn nữa.
Ông Lượng bày tỏ: “Mối lương duyên” giữa doanh nghiệp tàu du lịch và các ngân hàng có thể nói đã đồng hành với nhau trong suốt những năm qua. Chưa bao giờ các doanh nghiệp tàu du lịch gặp khó khăn như hiện nay, chúng ta giang tay ra cho nhau thì có cái gì khác nữa không ngoài chính sách, chứ đâu phải ngân hàng chỉ biết giữ an toàn cho mình? Vậy nên tìm một tiếng nói chung, một giải pháp để cả hai bên cùng chiến thắng.
Còn ông Thể phân tích: Các ngân hàng cần hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp nhiều hơn, vì qua báo chí cho thấy, lợi nhuận ngân hàng vẫn cao, năm sau cao hơn năm trước. Khi nào mà lợi nhuận của ngân hàng bằng 50% năm trước thì mới là hỗ trợ thực sự cho doanh nghiệp. Làm được vậy cũng là nuôi dưỡng nguồn thu cho những năm sau.
“Cứu tàu du lịch cũng là cứu ngành du lịch Quảng Ninh” - đó là cách nói của ông Trịnh Đăng Thanh, Phó Giám đốc Sở Du lịch. Đúng là ngành du lịch của Quảng Ninh phát triển như hiện nay có sự đóng góp rất lớn của đội tàu du lịch. Du khách đến với Quảng Ninh chủ yếu là đi tham quan Vịnh Hạ Long, và tàu du lịch đã tạo nên thương hiệu, sự tự hào, đẳng cấp của du lịch Quảng Ninh.
Các doanh nghiệp tàu du lịch đã đầu tư những con tàu ngày càng đẹp hơn từ sự hỗ trợ vốn vay của ngân hàng. Không có Covid-19 chắc rằng hai bên vẫn là những đối tác tin cậy, cùng đầu tư cùng thu lợi nhuận như bao nhiêu năm qua. Đáng tiếc rằng, từ sự bùng phát bất ngờ và kéo dài của đại dịch thì các doanh nghiệp tàu du lịch vốn là khách hàng giàu tiềm năng của các ngân hàng bỗng chốc trở thành những con nợ khó đòi.
Tiền nhân có câu “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, trải qua Covid-19 với những bài học nghiệt ngã như thế, thiết nghĩ các doanh nghiệp tàu du lịch cũng nên nhìn nhận lại chính mình. Khi du lịch thuận lợi, các doanh nghiệp không ngần ngại đầu tư những con tàu hàng chục, hàng trăm tỷ đồng chủ yếu từ nguồn vốn vay. Vậy nên khi dừng hoạt động, những khoản nợ khổng lồ như bão táp bủa vây, doanh nghiệp lại kiến nghị các chính sách để tháo gỡ cho mình. Vẫn biết chủ trương hỗ trợ các doanh nghiệp là đúng đắn, vẫn biết Covid-19 tác động tới toàn cầu nhưng qua đây cho thấy, doanh nghiệp cũng nên cơ cấu lại chính mình.
Từ kinh nghiệm xương máu của bản thân, ông Lượng nhắn nhủ: Các doanh nghiệp hãy tự mình giúp mình trước, tôi mong là doanh nghiệp nếu còn tài sản gì bán được thì hãy bán đi để trả bớt các khoản nợ rồi làm lại thì sẽ tốt hơn nhiều thay vì cứ đi đòi chính sách rồi cố giữ tài sản của mình.
Phan Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()