Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:24 (GMT +7)
“Giai cấp công nhân Cẩm Phả sớm trưởng thành là yếu tố quyết định trong Cách mạng Tháng Tám”
Chủ nhật, 20/08/2023 | 09:04:02 [GMT +7] A A
E
Bằng những nghiên cứu về khảo cổ, lịch sử trong nhiều năm qua, TS Nguyễn Văn Anh, giảng viên Khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH-NV, Đại học Quốc gia Hà Nội, đã có một vốn liếng dày dặn về các di tích nhà Trần ở Đông Triều và vùng đất Đông Triều trong lịch sử.
Những năm gần đây, từ mạch nghiên cứu ấy, anh tiếp tục có những tìm hiểu, khảo sát, nghiên cứu mở rộng hơn về những vùng đất khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, như khu vực Hoành Bồ cũ (nay thuộc TP Hạ Long), địa đầu Móng Cái, vùng than Cẩm Phả… Và nội dung nghiên cứu không dừng ở giai đoạn văn hoá cổ mà sang cả những giai đoạn cận đại, hiện đại, như việc tìm hiểu về “đất và người” Cẩm Phả mà anh đã chia sẻ với chúng tôi trong cuộc trò chuyện gần đây.
- Qua nghiên cứu các tư liệu lịch sử về văn hoá vùng than Cẩm Phả, anh có nhận xét gì về lịch sử vùng đất này?
+ Cẩm Phả hiện là một thành phố năng động, trung tâm của công nghiệp than. Nhìn sâu vào lịch sử, từ thời tiền sử, con người đã cư trú tại một số hang động, núi đá của Bái Tử Long. Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên, nhất là địa hình chủ yếu là đồi núi nên mặc dù tụ cư từ khá sớm nhưng trong suốt chiều dài lịch sử, mật độ cư dân trên vùng đất Cẩm Phả không cao như các vùng khác. Số lượng và niên đại của di tích lịch sử ở Cẩm Phả cho chúng ta hình dung phần nào bức tranh đó.
Cuối thế kỷ XX, cùng với Hòn Gai, Mạo Khê, Cẩm Phả trở thành trung tâm khai thác than lớn nhất của Pháp ở Bắc Kỳ. Sự phát triển của ngành than kéo theo các luồng di dân hội tụ về Cẩm Phả, chỉ trong một thời gian rất ngắn đã đưa Cẩm Phả từ một vùng dân cư thưa thớt trở thành một thị tứ, một đô thị, mở ra thời kỳ phát triển mới của vùng đất này. Dân cư hội tụ về đây từ nhiều địa phương, nhiều tộc người khác nhau, họ đến và mang theo các tập quán đã hình thành từ quê cũ đến vùng đất Cẩm Phả.
Trong điều kiện môi trường tự nhiên, kinh tế, xã hội mới, các yếu tố văn hoá mới nảy sinh, yếu tố văn hoá cũ - mới đan xen tạo cho văn hoá Cẩm Phả có những yếu tố vừa gần gũi với văn hoá truyền thống vừa có những điểm mới. Bên cạnh văn hoá tình làng nghĩa xóm được duy trì, nảy sinh văn hoá kỷ luật, đồng tâm của người thợ mỏ. Đó là những cảm nhận ban đầu của tôi khi tìm hiểu, nghiên cứu về vùng đất này.
- Cẩm Phả là nơi khởi đầu cuộc Tổng bãi công của 3 vạn thợ mỏ vùng than Quảng Ninh năm 1936. Theo nghiên cứu của anh thì điều đó là tình cờ hay có lý do đặc biệt nào không?
+ Tôi không phải là người nghiên cứu sâu về nội dung này nên bàn về vấn đề này là “đánh trống qua cửa nhà sấm” (cười), vì vậy, chỉ xin chia sẻ một vài cảm nhận cá nhân, không dám lạm bàn. Như đã nói ở trên, đô thị Cẩm Phả được hình thành khá đặc biệt, từ một vùng khá hoang vu chuyển đổi thành một thị tứ rồi một đô thị. Điều đó bắt nguồn từ quá trình hình thành và phát triển ngành công nghiệp than tại Cẩm Phả.
Như đã biết, ngành than không chỉ có hoạt động khai thác mà cùng với khai thác đã kéo theo hàng loạt các ngành nghề phụ trợ khác cùng phát triển. Dịch vụ, thương mại cũng phát triển theo. Sự phát triển mạnh mẽ của ngành nghề là cơ sở hình thành và phát triển tầng lớp công nhân trở thành lực lượng chính trong cơ cấu dân số của Cẩm Phả; thương mại, dịch vụ phát triển giúp cho Cẩm Phả có cơ hội mở rộng tiếp xúc giao lưu, trên cơ sở đó các luồng tư tưởng mới được truyền bá vào.
Nhờ đó, lực lượng công nhân ở Cẩm Phả không chỉ lớn mạnh về số lượng mà trình độ nhận thức, trong đó có nhận thức cách mạng cũng không ngừng được nâng cao, từ đó sớm hình thành nhận thức cách mạng. Vì vậy, phong trào công nhân Cẩm Phả nói chung và sự kiện tổng bãi công năm 1936 nói riêng không phải là những hành động ngẫu nhiên bột phát mà nó thể hiện sự trưởng thành của lực lượng công nhân Cẩm Phả.
- Việc giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám ở Cẩm Phả được gọi là “Khởi nghĩa tự quản” với ý nghĩa đề cao vai trò của lực lượng công nhân mỏ và thanh thiếu niên giác ngộ ở đây. Công nhân mỏ cũng đóng vai trò nòng cốt hết sức quan trọng và to lớn trong việc bảo vệ chính quyền ở Cẩm Phả sau Cách mạng Tháng Tám. Anh có lý giải gì về điều này?
+ Trước tiên cần phải nói rõ là, trên thực tế không có “khởi nghĩa tự quản”, chỉ có chính quyền cách mạng theo hình thức tự quản, bởi như đã biết, ngay từ ngày 12/3/1945, Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, trong đó nêu rõ: Thời cơ tổng khởi nghĩa chưa chín muồi nhưng cũng đang dần đến. Do vậy, Đảng chủ trương, phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước và lấy khởi nghĩa từng phần ở từng bộ phận làm hình thức để thúc đẩy cách mạng phát triển, tạo đà cho tổng khởi nghĩa.
Thực hiện chủ trương đó, từ tháng 3/1945 cho đến trước khi Tổng khởi nghĩa diễn ra trên cả nước, có nhiều cuộc khởi nghĩa thắng lợi và lập nên chính quyền, trong đó có Cẩm Phả. Những cuộc khởi nghĩa này không phải là khởi nghĩa tự phát mà nằm trong chủ trương chung. Lực lượng chính của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền là công nhân, nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Ở Cẩm Phả, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa là do giai cấp công nhân và thanh niên trí thức ưu tú được giác ngộ cách mạng. Sự ra đời sớm, tập trung đông của giai cấp công nhân đã là yếu tố căn bản quyết định cách mạng ở Cẩm Phả phải do giai cấp công nhân lãnh đạo. Khi cách mạng thành công, chính quyền thành lập, cũng chính những người công nhân là đội ngũ tiên phong, nòng cốt tranh đấu để bảo vệ cho chính quyền mà họ vừa thành lập. Do đó, chúng ta gọi chính quyền tự quản là theo nghĩa đó.
- Cẩm Phả cho tới nay vẫn là một vùng than, các cơ sở kinh tế tập trung vào ngành than, người dân đa phần vẫn nối đời gắn bó với các mỏ than, theo anh thì vì sao lại như vậy?
+ Theo tôi, điều này thật dễ hiểu bởi than là thế mạnh lớn nhất của Cẩm Phả, kinh tế chủ đạo của Cẩm Phả gắn với than. Và tôi cho rằng, than vẫn sẽ là nền tảng và là động lực kinh tế quan trọng của Cẩm Phả trong nhiều thập kỷ, và vì vậy, các yếu tố văn hóa, xã hội khác cũng sẽ tiếp tục xoay quanh trục này trong nhiều thập kỷ tới.
Mặc dù chúng ta biết, Cẩm Phả không phải là nơi đầu tiên khai thác than ở nước ta, địa điểm khai thác than đầu tiên ở nước ta là núi Yên Lãng, nay thuộc Đông Triều, nhưng Cẩm Phả là trung tâm của ngành than, do vậy chúng tôi cũng đã từng có đề xuất Quảng Ninh nên chọn Cẩm Phả là nơi xây dựng các hoạt động quan trọng gắn với ngành than.
- Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi!
Phan Hằng (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()