Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:30 (GMT +7)
Giải 'bài toán' ùn tắc nông sản cửa khẩu
Thứ 4, 05/01/2022 | 10:43:45 [GMT +7] A A
Bộ Công Thương khuyến nghị giải pháp căn cơ tháo gỡ khó khăn, giảm ùn tắc hàng hoá tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc là giảm sản xuất tự phát, tăng sản xuất theo tín hiệu thị trường và theo đơn đặt hàng.
Hàng ùn ứ chủ yếu xuất khẩu "tiểu ngạch"
Theo Bộ Công Thương, đến ngày 4/1, tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc chỉ còn 8/76 cửa khẩu, lối mở hoạt động, gồm: Hữu Nghị, Ga quốc tế đường sắt Đồng Đăng, Ga quốc tế đường sắt Lào Cai, Kim Thành II, Chi Ma, Tà Lùng, Sóc Giang và Hoành Mô; cửa khẩu phụ hoạt động là 0/21; lối mở/điểm thông quan đang hoạt động là 0/42. Các cửa khẩu, lối mở/điếm thông quan tạm dừng hoạt động là do phía Trung Quốc đóng cửa để kiểm soát dịch bệnh.
Theo báo cáo của Sở Công Thương các tỉnh biên giới phía Bắc, tổng số phương tiện đang chờ xuất khẩu tại các cửa khẩu biên giới Việt Nam - Trung Quốc đến ngày 3/1/2022 là 4.250 xe. Tình hình ùn tắc tại Lạng Sơn diễn ra nhiều nhất. Tổng lượng xe tồn tại 3 cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma đến ngày 3/1/2022 là 2.558 xe, giảm 1.771 xe so với sáng ngày 24/12/2021.
Bộ Công Thương cho rằng, nguyên nhân trực tiếp và chủ yếu dẫn đến ùn tắc hàng hoá là do phía Trung Quốc dừng hoàn toàn hoạt động thông quan tại gần như tất cả các cửa khẩu, trong đó có những cửa khẩu quan trọng, lượng hàng hóa xuất khẩu thông thương lớn như Kim Thành (Lào Cai), Tân Thanh (Lạng Sơn) và Móng Cái (Quảng Ninh).
Với những cửa khẩu còn tạm thời mở cửa (như Hữu Nghị, Chi Ma, Hoành Mô), quy trình giao nhận hàng hóa được kiểm soát chặt để kiểm soát nguy cơ dịch bệnh, dẫn đến ùn tắc trên diện rộng.
Cùng với đó, nguyên nhân cũng đến từ điểm yếu cố hữu của sản xuất và xuất khẩu nông sản nước ta, sản xuất chưa bám sát tín hiệu, nhu cầu thị trường, chất lượng, bao gói sản phẩm không đảm bảo, vùng trồng chậm đăng ký, công tác truy suất nguồn gốc chưa được quan tâm thấu đáo... nên nhiều sản phẩm chỉ xuất khẩu được sang Trung Quốc theo hình thức trao đổi cư dân (tiểu ngạch), không xuất được theo hình thức chính ngạch và không tiêu thụ được ở các thị trường khác, dù rất nhiều FTA được ký kết. Thống kê cho thấy, trong số hàng hóa ùn tắc tại biên giới phía Bắc, lượng hàng chờ xuất khẩu theo hình thức "tiểu ngạch" lớn hơn nhiều so với lượng hàng chờ xuất khẩu theo hình thức "chính ngạch" qua cửa khẩu quốc tế.
Bốn giải pháp quan trọng
Trước mắt, Bộ Công Thương khuyến nghị các bộ, ngành phối hợp với UBND các địa phương kêu gọi, khuyến cáo thương nhân điều tiết việc đưa hàng lên biên giới phía Bắc, đặc biệt là các cửa khẩu đang có hiện tượng ùn tắc, bao gồm cả những trường hợp khách hàng Trung Quốc đã thanh toán tiền hàng.
"Nếu xe vẫn tiếp tục lên cửa khẩu, đề nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu điều tiết sớm lượng xe vào chờ tại các địa phương phía sau. Bởi từ nay tới Tết Nguyên đán chỉ có thể xử lý các xe đang tồn tại cửa khẩu, nhất là khi lao động phía Trung Quốc có thể nghỉ tới 21 ngày trước Tết để kịp hoàn thành thời gian cách ly", Bộ Công Thương nêu rõ.
Trường hợp khách hàng Trung Quốc đã thanh toán tiền hàng và vẫn đề nghị đưa hàng lên biên giới, Bộ Công Thương khuyến cáo thương nhân trao đổi với khách hàng Trung Quốc để giao hàng qua các cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế tại các tỉnh khác (như Cao Bằng), nhằm giảm ùn tắc tại Lạng Sơn, Quảng Ninh hoặc chuyển sang sử dụng phương thức vận tải khác (như đường sắt, đường biển, vì các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản đang làm tốt).
UBND các tỉnh biên giới, đặc biệt là Lạng Sơn, Quảng Ninh cần chỉ đạo các cơ quan chức năng địa phương thực hiện nghiêm ngặt quy định về phòng chống dịch, nếu để dịch bùng phát thì số ít cửa khẩu còn mở cũng đứng trước nguy cơ bị đóng, thiệt hại có thể còn lớn hơn, không chỉ với xuất khẩu, mà cả nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước.
Về giải pháp căn cơ, Bộ Công Thương cho rằng, cần đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa phương thức vận chuyển, giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, cũng như sự phụ thuộc vào hình thức xuất khẩu tiểu ngạch.
Bốn giải pháp được Bộ Công Thương đánh giá quan trọng nhất gồm: Giảm sản xuất tự phát, tăng sản xuất theo tín hiệu thị trường và theo đơn đặt hàng; nâng cao và kiểm soát chặt chẽ chất lượng nông sản, thuỷ sản, đáp ứng sự trông đợi của người tiêu dùng trong nước và ngoài nước; phổ biến và hướng dẫn các hộ nông dân về phương thức sản xuất, nuôi trồng, đóng gói, chế biến... để đáp ứng tiêu chuẩn của từng nước, từng khu vực nhập khẩu. Đặc biệt, đẩy mạnh việc đăng ký vùng trồng, cũng như công tác truy xuất nguồn gốc để tạo điều kiện cho xuất khẩu chính ngạch và giảm thời gian thông quan hàng hóa.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, về giải pháp lâu dài, cần có những doanh nghiệp lớn, đủ mạnh, có thể đứng ra đặt hàng nông dân sản xuất, sau đó bao tiêu sản phẩm. Những doanh nghiệp này sẽ hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình mới, phù hợp với nhu cầu khách hàng, áp dụng truy xuất nguồn gốc, sử dụng chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu; đồng thời, có đủ năng lực để ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp phân phối ở bên kia biên giới, sử dụng phương thức vận chuyển quy mô lớn như đường biển, đường sắt để tối ưu chi phí. Như vậy, nông dân không phải vừa lo sản xuất, vừa lo bán hàng, doanh nghiệp cũng có thể đưa hoạt động xuất khẩu vào nề nếp.
Lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh, việc cấp bách là đẩy mạnh đàm phán với Trung Quốc để mở rộng danh sách trái cây được nhập khẩu chính ngạch. Cùng với đó, đầu tư mở rộng hạ tầng cửa khẩu, cần phải giảm tải cho cửa khẩu bằng việc xây dựng hệ thống trung tâm logistics lùi vào trong nội địa. Các trung tâm logistics này không chỉ có kho mát, kho lạnh để bảo quản, sơ chế nông sản trước khi xuất khẩu, mà còn là địa điểm kiểm tra, thông quan hàng hóa. Hàng sau khi thông quan chỉ việc niêm phong, đưa lên cửa khẩu để xuất qua biên giới, giảm bớt thời gian, quy trình làm thủ tục thông quan tại cửa khẩu. Với các giải pháp đồng bộ như vậy, xuất khẩu nhiều loại nông sản sẽ dần trở thành chính ngạch.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()