Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 19:53 (GMT +7)
Giải bài toán thu nhập trước mắt
Thứ 6, 15/04/2022 | 10:10:48 [GMT +7] A A
Trồng rừng gỗ lớn mang lại nhiều lợi ích như thu nhập cao, bền vững, bảo vệ môi trường… tuy nhiên, một nút thắt lớn cần được quan tâm giải quyết khi thực hiện Đề án trồng rừng gỗ lớn đó là bài toán thu nhập trước mắt cho các hộ dân trồng rừng, bởi hầu hết cây rừng gỗ lớn đều có thời gian trồng, chăm sóc kéo dài, nguồn vốn đầu tư lớn.
Gia đình anh Triệu Kim Bằng, xã Đồng Lâm, TP Hạ Long có 5,2ha rừng trồng keo vừa cho thu hoạch. Nhờ sự tuyên truyền, vận động của chính quyền xã, anh Bằng đã thấy được lợi ích từ cây gỗ lớn và quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng keo trước kia sang trồng khoảng 5.400 cây giổi. Anh Bằng cho biết: Khi được tuyên truyền, vận động triển khai trồng rừng gỗ lớn, tôi cũng rất băn khoăn, bởi thời gian thu hoạch đối với rừng gỗ lớn thường kéo dài hơn so với trồng rừng gỗ nhỏ. Dù vậy, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, tôi cũng hiểu được chủ trương trồng rừng gỗ lớn là rất phù hợp, cho giá trị kinh tế cao và bền vững hơn. Tham gia mô hình, gia đình cũng được hỗ trợ 100% cây giống và phân bón, do vậy, chúng tôi cũng rất yên tâm. Về sinh kế trước mắt, được sự tư vấn của chính quyền địa phương, gia đình cũng sẽ nghiên cứu trồng các loại cây dưới tán để tạo thu nhập.
Hiện TP Hạ Long có khoảng 150.000ha rừng sản xuất và có điều kiện thổ nhưỡng rất thích hợp để phát triển các cây gỗ lớn. Thời gian qua, thành phố cũng đang có chủ trương khuyến khích người dân triển khai trồng rừng gỗ lớn và chuyển đổi diện tích đất trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn để nâng cao thu nhập, phát triển lâm nghiệp bền vững. Thực hiện mục tiêu đó, thành phố cũng đã giao nhiệm vụ cho các phòng, ban chuyên môn và tổ chức HND đẩy mạnh vận động, hướng dẫn hộ dân, chủ rừng có nhu cầu; rà soát, tư vấn, hỗ trợ cây giống, phân bón cho người dân. Cùng với đó là hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, hỗ trợ vay vốn ưu đãi để triển khai mô hình. Đặc biệt, xác định vấn đề thu nhập trước mắt cho các hộ dân là bài toán quan trọng, để người dân yên tâm trồng rừng gỗ lớn, HND thành phố cũng đã tuyên truyền, hướng dẫn các chủ rừng tận dụng diện tích đất, nghiên cứu trồng xen canh một số loại cây thấp tán, cây dược liệu, hoặc chăn nuôi gia súc, gia cầm dưới tán để “lấy ngắn nuôi dài”.
Theo thống kê của tỉnh, qua 2 năm thực hiện Đề án Trồng rừng gỗ lớn, Quảng Ninh đã trồng được gần 1.500ha rừng. Từ đó, đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 60.000 lao động lâm nghiệp, góp phần ổn định trật tự xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh vùng biên giới, hải đảo.
Có thể khẳng định, Đề án Trồng rừng gỗ lớn đã làm thay đổi cơ cấu cây trồng trong ngành lâm nghiệp theo hướng tích cực, đó là tăng diện tích cây bản địa, cây gỗ lớn góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị của rừng. Tuy nhiên, thời gian thu hồi vốn từ trồng rừng gỗ lớn thường quá dài, trong khi điều kiện kinh tế của người dân vẫn còn nhiều khó khăn, là một trở ngại không nhỏ khiến nhiều hộ dân vẫn còn e ngại về chủ trương này.
Nhằm khắc phục hạn chế trên, tỉnh cũng đang chỉ đạo các ngành chức năng triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ người dân tham gia trồng rừng gỗ lớn cũng như tạo thêm sinh kế, thu nhập cho người dân. Với vai trò là tổ chức HND, các cấp hội cũng đẩy mạnh hỗ trợ, đồng hành cùng hội viên, nông dân trong giải quyết bài toán thu nhập. Theo đó, bên cạnh việc hỗ trợ cây giống, phân bón ban đầu cho các hộ, Hội cũng tích cực động viên, hướng dẫn chủ rừng phát triển kinh tế dưới tán rừng thông qua những mô hình kinh tế phù hợp như: Mô hình trang trại, trồng cây dược liệu, nuôi ong lấy mật, mô hình nông - lâm kết hợp… Qua đó, tạo tiền đề vững chắc để hội viên, nông dân triển khai hiệu quả mô hình trồng rừng gỗ lớn.
Yến Vy
Liên kết website
Ý kiến ()