Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:51 (GMT +7)
Giải bài toán nuôi trồng thủy sản tự phát?
Thứ 2, 28/03/2022 | 07:53:08 [GMT +7] A A
Phát triển thủy sản không theo quy hoạch, hệ lụy là lãng phí hoặc quá tải tài nguyên mặt nước, chất lượng thủy sản nuôi giảm, không cân đối nguồn cung - cầu, sản phẩm ứ, ế phải "giải cứu", lộn xộn, mất ANTT trên biển… Tại Quảng Ninh, sau khi Luật Quy hoạch có hiệu lực (ngày 1/1/2019), các quy hoạch chuyên ngành trước đó bãi bỏ, trong khi quy hoạch mới chưa hình thành đã dẫn đến tình trạng phát triển thủy sản tự phát tại nhiều địa phương.
Quảng Yên nguy cơ ứ, ế 20.000 tấn hàu cửa sông
Sau Tết Nguyên đán 2022, phần lớn các hộ nuôi hàu cửa sông trên vùng mặt nước TX Quảng Yên kéo bè nuôi về dọc bờ sông Chanh và sông Rút. Hiện lòng 2 con sông Chanh, sông Rút gần như bị phủ kín, nhiều vị trí luồng lạch trên sông bị lấn chiếm, không chỉ làm mất mỹ quan dòng sông, mà còn làm thu hẹp, ảnh hưởng đến an toàn tuyến giao thông thủy của thị xã.
Nguyên nhân các bè hàu "đổ bộ" bởi tránh độ mặn đang lên cao ở vùng nuôi cũ, tập trung ở khu vực Hoàng Tân, Tân An, có thể gây chết hàu; trong khi sông Chanh, sông Rút có dòng chảy tương đối cao, độ mặn giảm, phù hợp sinh trưởng của con hàu.
Theo khảo sát của đơn vị chuyên môn, thị xã hiện có hàng trăm hộ nuôi hàu cửa sông, diện tích mặt nước bị phủ kín, đặc biệt là ở khu vực Hoàng Tân, Tân An, khu vực mặt nước giáp Cát Hải (TP Hải Phòng)… Trong khi Quảng Yên không ưu tiên phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS), nhiều năm qua không tổ chức gia hạn hoặc giao, cho thuê mới mặt nước đối với tổ chức, cá nhân, đồng nghĩa với phần lớn người dân nuôi hiện nay là tự phát, trái phép.
Đến thời điểm này, các hộ nuôi hàu cửa sông đang bước vào vụ thu hoạch, kéo dài đến hết tháng 6/2022. Sản lượng ước tính trên 20.000 tấn, trong khi đó thị trường tiêu thụ đang gặp khó, dẫn đến nguy cơ ứ, ế.
Ông Nguyễn Minh Viên, một hộ nuôi hàu cửa sông ở xã Hoàng Tân, cho biết: Con hàu cửa sông chủ yếu xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc và tiêu dùng nội địa. Thị trường Trung Quốc đang đóng cửa để phòng, chống dịch Covid-19, thắt chặt an ninh đường biên, chống thẩm lậu hàng hóa qua các đường mòn, lối mở. Thị trường nội địa sức tiêu dùng không cao, ngay cả khi mở cửa du lịch trở lại. Bởi vậy nguy cơ không tiêu thụ được 20.000 tấn hàu cửa sông là rất cao, các hộ nuôi có thể phá sản vì hàu cửa sông.
Vân Đồn dẹp NTTS lấn chiếm luồng lạch giao thông thủy
Tại huyện Vân Đồn cũng thời gian dài không tiến hành giao, cho thuê mặt nước, song nhu cầu NTTS của các hộ dân rất cao, khiến cho không ít hộ bất chấp quy định mà NTTS trái phép. Cuối năm 2020, lực lượng chuyên môn khảo sát thực tế vùng NTTS phục vụ kế hoạch chuyển đổi phao xốp sang phao nổi HDPE theo quy định của tỉnh, cho thấy diện tích NTTS của Vân Đồn hiện hơn 5.000ha đã vượt quá tính toán của địa phương đến năm 2030. Các vùng thả nuôi nhuyễn thể phủ kín khu vực mặt nước trong và ngoài phạm vi 3 hải lý, rất nhiều vị trí bị NTTS phủ kín là luồng lạch giao thông, khiến cho mặt biển Vân Đồn chằng chịt những lồng, bè và phao xốp.
Giải quyết tình trạng này, trong suốt tháng 12/2021 đến Tết Nguyên đán 2022, huyện Vân Đồn tập trung cao độ lực lượng, phương tiện để triển khai các phương án di dời, giải tỏa các bè NTTS, trả lại độ thông thoáng, an toàn cho luồng lạch giao thông. Theo báo cáo của huyện, trên 100 vị trí luồng lạch giao thông thủy lớn, nhỏ thuộc các xã có biển của huyện đã được làm sạch.
Tiếp tục xử lý tình trạng NTTS xâm lấn, gây ảnh hưởng đến luồng lạch giao thông thủy, Vân Đồn đang lập tổ công tác do lực lượng công an huyện làm nòng cốt, tổ chức giải tỏa, di dời diện tích NTTS trái phép tại các xã đảo, cũng là những vùng mặt nước có mật độ NTTS lớn nhất huyện. Công an huyện phối hợp sớm thực hiện hệ thống phao, biển báo, đèn hiệu nhằm báo hiệu đường thủy nội địa và công bố các luồng, tuyến thủy nội địa rõ ràng đến các hộ dân, tránh trường hợp tái diễn NTTS lấn chiếm luồng lạch giao thông.
Cùng với lấn chiếm luồng lạch giao thông, NTTS tự phát đang tạo áp lực lớn cho Vân Đồn trong chuyển đổi phao xốp sang phao nổi HDPE, bài toán về cơ sở chế biến thủy sản trên bờ, nhất là tiêu thụ khi vào vụ thu hoạch. Thực tế những năm gần đây, Vân Đồn là địa phương liên tiếp phải kêu gọi "giải cứu", hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thủy sản từ nhuyễn thể đến cá biển các loại. Từ đầu năm 2022 đến nay, sản lượng tiêu thụ hàu sữa của huyện chậm, giá thu mua thấp kỷ lục, người nuôi hàu chấp nhận bán hàu làm thức ăn nuôi cua cá với giá chỉ bằng 50% chi phí sản xuất.
Hướng đến NTTS bền vững
Phải khẳng định Quảng Ninh có lợi thế phát triển NTTS với khoảng 10% diện tích mặt biển, tức gần 60.000ha có thể nuôi biển. Đặc thù mặt nước biển Quảng Ninh nhiều động thực vật phù du, là nguồn thức ăn cho đối tượng NTTS; độ mặn, pH, oxy hòa tan, độ sâu phù hợp; nhiều vụng kín, tốc độ dòng chảy nhỏ, ít ảnh hưởng gió bão cũng như xa nguồn ô nhiễm dầu, chất thải công nghiệp, nước thải sinh soạt… thuận lợi cho đối tượng NTTS sinh trưởng.
Từ những điểm cộng trên, phát triển NTTS là xu hướng tất yếu, mang lại lợi ích cho cả người dân, ngành thủy sản nói riêng, nông nghiệp nói chung và sự tăng trưởng toàn tỉnh. Tuy nhiên, về lâu về dài, diện tích mặt nước biển này cần phải được giao, cho thuê cụ thể đối với cá nhân, tổ chức NTTS, qua đó giải quyết dứt điểm tình trạng NTTS tự phát, trái phép, từng bước phát triển ổn định, lâu dài, đảm bảo công tác quản lý nhà nước.
Theo Sở NN&PTNT, để giao, cho thuê mặt nước đối với tổ chức cá nhân, thời gian qua đơn vị và các địa phương đã nghiên cứu áp dụng nhiều giải pháp, trong đó có Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ban hành ngày 10/2/2021, tuy nhiên trong thực tế hiện nay của Quảng Ninh, Nghị định này gần như không khả thi. Về lâu dài, Quảng Ninh buộc phải trông vào tiến độ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, trong đó có tích hợp các dữ liệu phát triển NTTS toàn tỉnh, làm “kim chỉ nam” cho các địa phương xây xựng kế hoạch, đề án, dự án phát triển thủy sản trên địa bàn. Quy hoạch này cũng là cơ sở để Bộ TN&MT ban hành đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm (thường gọi là đường triều kiệt) cho Quảng Ninh, lấy đây là cơ sở để phân cấp, phân quyền việc giao, cho thuê mặt nước cho các tổ chức, cá nhân.
Theo quy định, phạm vi mặt nước 3 hải lý tính từ đường triều kiệt ra biển sẽ do UBND cấp huyện thực hiện giao, cho thuê; phạm vi 3-6 hải lý do UBND tỉnh thực hiện; ngoài 6 hải lý do cấp trung ương quản lý. Hiện chưa có đường triều kiệt, nên chưa phân định rõ về cấp thẩm quyền quản lý, thực hiện giao, cho thuê mặt nước để NTTS cho các tổ chức, cá nhân.
Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đang được đẩy nhanh xây dựng. Đến thời điểm này, dự thảo Quy hoạch đã được tỉnh trình Bộ KH&ĐT. Bộ KH&ĐT đang xin ý kiến đóng góp của các bộ, ngành liên quan... Nhằm đảm bảo trật tự và phát triển NTTS, nhất là trong thời điểm chờ Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được phê duyệt, một trong những đề xuất của các địa phương là giao, cho thuê tạm thời diện tích mặt nước để NTTS, trước mắt là tính hết năm 2022. Đề xuất này đang được ngành Nông nghiệp tỉnh tổng hợp, báo cáo, tham mưu UBND tỉnh xem xét giải quyết.
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()