Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 16/01/2025 00:09 (GMT +7)
Giải bài toán nhân lực chất lượng cao
Thứ 6, 17/02/2023 | 16:20:21 [GMT +7] A A
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra nhiều cơ hội để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đổi mới, phát triển. Tuy nhiên, đi liền với đó là các thách thức liên quan đến trình độ nhân lực. Nhận diện từ thực tế, Quảng Ninh đã chú trọng đến khâu đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, nhằm đáp ứng sự chuyển mình trong xu thế mới.
Để đạt mục tiêu trên, Quảng Ninh đã và đang lên kế hoạch tổng thể cho việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng công nghệ cho CBCCVC, người dân và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ thông tin để phục vụ tiến trình chuyển đổi số. Trong đó, trọng tâm đổi mới và hiện đại hóa các cơ sở giáo dục để đào tạo nguồn “nhân lực số” ngay từ trên ghế nhà trường, gắn chặt với việc đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng kiến thức, phát triển kỹ năng số trong các cơ quan nhà nước và khu vực tư nhân. Đồng thời, nhanh chóng nghiên cứu, tham mưu, ban hành, triển khai thực thi các cơ chế, chính sách tìm kiếm, thu hút và trọng dụng nhân tài trong lĩnh vực công nghệ thông tin làm việc cho tỉnh.
Cuối năm 2022, tỉnh đã ban hành nghị quyết về chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, chính sách hỗ trợ đào tạo sau đại học đối với một số đơn vị, nhằm từng bước thu hút thêm các nguồn nhân lực chất lượng cao về địa phương làm việc, cũng như đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn cho đội ngũ CBCCVC của tỉnh.
Hàng năm, tỉnh đều tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, phổ biến kiến thức và diễn tập về công nghệ thông tin, an toàn thông tin, chuyển đổi số cho đội ngũ CBCCVC trên địa bàn tỉnh, nhằm tăng cường trình độ công nghệ, đáp ứng yêu cầu công việc, cũng như thích nghi với tiến trình phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và mục tiêu chuyển đổi số của tỉnh.
Đặc biệt, xác định “nhân lực số” là yêu cầu cốt lõi tạo nên sự chuyển biến căn bản về chuyển đổi số, tỉnh đã thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng với 1.462 tổ công nghệ số cộng đồng địa phương và 11 tổ công nghệ số cộng đồng của doanh nghiệp, thu hút trên 11.200 người tham gia. Các tổ công nghệ số đã được tập huấn, bồi dưỡng để trở thành những hạt nhân đi đầu phổ cập kỹ năng số cho cộng đồng dân cư, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng lên kế hoạch triển khai chương trình “Học từ làm việc thực tế” mà cơ quan nhà nước đóng vai trò là cầu nối giữa các trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong tỉnh để xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu thực tế và đặt hàng của doanh nghiệp. Xây dựng và triển khai nền tảng số kết nối các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp để thúc đẩy học từ làm việc thực tế, đào tạo và đào tạo lại kỹ năng số cho người lao động, kết nối cung cầu thị trường lao động; ưu tiên các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, đột phá và các khu đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp quan trọng.
Trước những thách thức, tác động to lớn của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi đội ngũ nhân lực cần đi vào chiều sâu. Các ngành, địa phương cũng cần quan tâm xây dựng chiến lược, tầm nhìn dài hạn về công tác tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn với chiến lược phát triển của địa phương. Cùng với đó, chú trọng đào tạo, đào tạo lại, gắn với sử dụng và trọng dụng nhân tài; thực hiện tốt chính sách để nuôi dưỡng tài năng đối với cán bộ khoa học trẻ; tăng cường hoạt động giao lưu, trao đổi học thuật quốc tế song phương và đa phương để phát huy tiềm năng sáng tạo đội ngũ này.
Yến Vy
Liên kết website
Ý kiến ()