Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 19:59 (GMT +7)
Giải bài toán “được mùa, mất giá” ở Đông Triều
Thứ 3, 29/11/2022 | 16:26:50 [GMT +7] A A
Từ lâu, điệp khúc “được mùa, mất giá” đã trở thành nỗi ám ảnh đối với người nông dân nói chung, người sản xuất nông nghiệp ở TX Đông Triều nói riêng. Nhằm giải quyết “bài toán” này, nhiều năm trở lại đây, Đông Triều đã đẩy mạnh thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển sản xuất cho bà con địa phương.
Mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đầu tiên và tiêu biểu nhất ở Đông Triều tính đến thời điểm hiện tại phải kể đến là mô hình liên kết sản xuất khoai tây Atlantic với Công ty Orion Vina Hàn Quốc. Thực hiện mô hình liên kết 4 nhà, thị xã trồng thí điểm 10ha khoai tây Atlantic từ vụ Đông năm 2012-2013 tại xã Bình Dương. Trong đó, doanh nghiệp cam kết đảm bảo cung cấp cây giống, thuốc vi sinh chống bệnh nấm mốc và hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình trồng, chăm sóc, hỗ trợ máy móc thiết bị làm đất; tập huấn quy trình trồng và chăm sóc, thu mua toàn bộ sản phẩm cho nông dân.
Nhờ có sự “bắt tay”, liên kết giữa 4 nhà (nhà nông - nhà nước - nhà khoa học và doanh nghiệp), vùng trồng khoai tây ở Bình Dương cho sản lượng cao, năng suất tốt, doanh thu ổn định. Thành công liên tiếp ở Bình Dương đã tạo được hiệu ứng lớn và sức lan tỏa mạnh mẽ. Nếu như năm 2012, khi bắt tay vào triển khai mô hình chỉ có xã Bình Dương đăng ký tham gia, thì đến nay đã có 3/21 xã, phường tham gia mô hình này. Tổng diện tích trồng năm 2022 đạt khoảng 170ha. Năng suất thu hoạch bình quân đạt hơn 6 tạ/sào. Thu nhập bình quân sau khi trừ chi phí đạt khoảng 60-70 triệu đồng/ha.
Từ thành công của mô hình trồng khoai tây Atlantic, nhiều năm gần đây, TX Đông Triều đẩy mạnh chỉ đạo các HTX tổ chức liên kết sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản theo chuỗi, từ cung ứng giống, vật tư đầu vào, kỹ thuật, đến chế biến, phát triển những sản phẩm nông nghiệp có lợi thế như lúa chất lượng cao, nếp cái hoa vàng, vùng cây ăn quả, hoa cây cảnh, cây dược liệu, vùng rau... Hiện toàn thị xã có 48 HTX nông nghiệp theo mô hình HTX kiểu mới sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, đã tạo được chuỗi liên kết trong sản xuất. Tiêu biểu, Công ty Giống cây trồng Quảng Ninh và HTX Chất lượng cao Hoa Phong liên kết sản xuất tiêu thụ giống lúa chất lượng cao tại 2 xã Bình Dương, Nguyễn Huệ với quy mô 44,89ha; Công ty Giống cây trồng Quảng Ninh và HTX Nông nghiệp xanh liên kết sản xuất tiêu hụ lúa chất lượng cao áp dụng phân bón hữu cơ tại các xã Bình Dương, Hồng Phong, Thủy An và phường Đông Triều với quy mô 83ha…
Một số HTX bước đầu tổ chức thực hiện liên kết với công ty của Hàn Quốc chế biến các sản phẩm rau, củ, quả giải quyết đầu ra cho nông sản và làm tăng giá trị gia tăng của nông sản địa phương. Một số trang trại lợn tại xã Bình Khê, Tràng Lương liên kết với các công ty CP Group, Grinfit, Dabaco cung cấp con giống, bao tiêu sản phẩm, đảm bảo thu nhập ổn định cho người dân. Một số chăn nuôi gia cầm quy mô lớn tại xã Hồng Thái Đông phối hợp với Công ty Lượng Huệ bao tiêu sản phẩm.
Công ty TNHH Han Nông là một trong những doanh nghiệp tích cực liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Hiện công ty đã ký hợp đồng liên kết cung cấp 100 tấn ớt xanh cho nhà máy của Công ty TNHH MTX F-One Global Foods, cung cấp 30-50 tấn hành Paro Hàn Quốc cho 1 công ty ở Mộc Châu… Ông Heo Su Yeong, Giám đốc Công ty TNHH Han Nông, cho biết: Hiện công ty đã liên kết với các hộ dân ở Bình Khê, Đức Chính, An Sinh, Tràng Lương và Hồng Phong triển khai các hợp đồng. Chúng tôi hỗ trợ toàn bộ cây giống, cũng như chuyển giao đầy đủ quy trình, công nghệ chăm sóc. Sau khi thu hoạch, sẽ thu mua sản phẩm với giá ổn định, đảm bảo hiệu quả kinh tế cho người dân.
“Gia đình chúng tôi tham gia trồng 3ha ớt Hàn Quốc. Dự kiến 2 tháng nữa có thể cho thu hoạch. Sau thời gian chăm sóc, hiện cây ớt sinh trưởng, phát triển tốt. Trong vòng 6 tháng có thể cho thu hoạch 30 tấn/ha. Công ty TNHH Han Nông sẽ thu mua với giá 15.000 đồng/kg. Nếu mô hình này hiệu quả, tôi sẽ tiếp tục nhân rộng diện tích trồng lên 10ha hoặc hơn, hướng tới phủ kín các cánh đồng bỏ hoang của xã” - Ông Lê Xuân Liêm (thôn Phú Linh, xã Bình Khê) chia sẻ.
Việc liên kết theo chuỗi sản xuất không chỉ giúp tăng năng suất lao động, nâng cao doanh thu, lợi nhuận cho người dân, mà còn bảo đảm quy trình sản xuất an toàn, nâng cao an toàn lao động, loại bỏ các rủi ro về sức khỏe cho người sản xuất và góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Hoàng Anh
Liên kết website
Ý kiến ()