Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 04:26 (GMT +7)
Giấc mơ xuất khẩu phim hoạt hình Việt
Thứ 7, 13/08/2022 | 07:47:57 [GMT +7] A A
Sự xuất hiện gần như liên tục những bộ phim hoạt hình made in Việt Nam được người xem hào hứng gắn mác “must watch” (phải xem) đã tiếp thêm động lực cho các đạo diễn trẻ. Không chỉ đặt mục tiêu chinh phục khán giả trong nước, những người mộng mơ này còn muốn xuất khẩu phim hoạt hình Việt.
Bộ phim được vinh danh ở Cannes
Những người yêu điện ảnh đều biết giá trị của một giải thưởng ở LHP Cannes quan trọng như thế nào đối với sự nghiệp của một đạo diễn, nó thậm chí được đánh giá cao hơn cả giải Oscar và chỉ có thể so sánh với Nobel của văn học hay Grammy của âm nhạc. Cho nên, không ai thấy ngạc nhiên khi các fan của thể loại hoạt hình đặt rất nhiều mong đợi vào Mai Vũ - người vừa được nhận giải thưởng Light on Women Award ở hạng mục La Cinef của Liên hoan phim Cannes 2022 với bộ phim hoạt hình ngắn “Spring Roll Dream” (Giấc mơ gỏi cuốn). Nói thêm, La Cinef là một hạng mục tìm kiếm tài năng làm phim trên toàn thế giới của LHP Cannes. Năm nay, có 1.528 tác phẩm được gửi về từ các trường điện ảnh, nhưng chỉ 16 cái tên được chọn trong đó có “Giấc mơ gỏi cuốn” của Mai Vũ.
“Cô gái bất ngờ” (cách gọi của cộng đồng mạng) sinh năm 1992 tại TPHCM. Mai Vũ bắt đầu gắn bó với hoạt hình từ năm 2011 với xuất phát điểm tự học, tự làm hầu hết các khâu từ biên kịch, chụp ảnh, đến dựng phim. Năm 2020, cô sang Anh du học ngành hoạt hình, và mới tốt nghiệp tháng 3 năm nay.
“Giấc mơ gỏi cuốn” (9 phút) thực hiện bằng kỹ thuật stop motion - hoạt hình tĩnh vật mà trong đó các nhân vật được xây dựng dựa trên việc ghép các động tác lại với nhau một cách liên tục để tạo cho người xem cảm giác giống như nhân vật đang thực sự chuyển động. Cách làm này cần rất nhiều thời gian và yêu cầu cao về sự chau chuốt, tỉ mỉ. Đó là lý do vì sao Mai Vũ và đồng đội phải mất 8 tháng liền chỉ để ghi hình. Trung bình, với 10 giây hình trên phim, cô mất một ngày làm việc liên tục từ 10 giờ sáng đến 10 giờ tối.
“Giấc mơ gỏi cuốn” kể câu chuyện về một gia đình người Việt tại Mỹ. Chuyện phim bắt đầu từ việc ông Sang, cha của Linh - một bà mẹ đơn thân - sang Mỹ thăm con gái và cháu ngoại. Cuộc sống hai mẹ con bị đảo lộn vì gu ẩm thực giữa Linh và cha của cô khác nhau. Họ bất đồng trong việc chọn món ăn khi ông Sang quyết làm món gỏi cuốn cho cháu, còn Linh muốn nấu mì ống và phô mai. Một câu chuyện có thể gặp ở bất cứ đâu khi mà văn hoá phương Tây – phương Đông liên tục mâu thuẫn và mài giũa lẫn nhau trên hành trình phát triển. Ở đó người trẻ muốn xây dựng cái tôi, còn người già khó khăn trong việc hòa nhập.
Chia sẻ về lý do chọn gỏi cuốn làm “chiêu bài ẩm thực” giới thiệu với thế giới, Mai Vũ cho biết: “Tôi nghĩ tới một món ăn tượng trưng cho bản sắc văn hóa Việt để truyền tải câu chuyện về người bố. Bản thân tôi là du học sinh, nhiều khi cũng nhớ những món ăn của bố mình, nhưng không có cách nào nấu được vì nhiều lý do. Ở Việt Nam, bạn ra đầu ngõ là đã thấy nhiều hàng ăn nhưng tại Mỹ, mọi thứ khá đắt đỏ, ngay cả quán đồ Việt thì du học sinh như chúng tôi cũng chẳng dám vào.
Ban đầu có rất nhiều món ăn trong suy nghĩ của tôi, đó có thể là phở hay bánh xèo, bánh canh, thậm chí là mướp đắng nhồi thịt. Cuối cùng thì gỏi cuốn được lựa chọn, cũng bởi đây là món ăn Việt có sự nhận diện khá tốt bên nước ngoài, theo góc nhìn của tôi”.
Để câu chuyện “thuần Việt” nhất có thể, ngoài nội dung, âm nhạc, Mai Vũ còn chọn cách tạo hình bằng đất sét để tăng hiệu ứng mộc mạc, giản dị mà các thể loại 2D và 3D khó thể đạt được. Vì theo đuổi cảm giác đơn sơ này, cô và cộng sự đã phải thử nghiệm rất nhiều cách để giữ phom cho nhân vật bởi đất sét rất dễ bị móp méo sau các cảnh quay. Họ nghĩ ra cách dựng một khung nhôm kim loại bên trong, cũng như trộn vào những chất liệu khác để tăng độ bền cho nhân vật.
Lồng tiếng cho phim cũng là một câu chuyện thách thức với Mai Vũ. Chọn lựa mãi, cuối cùng cô nhờ NSND Bùi Bài Bình lồng tiếng cho ông bố, Elyse Dinh sống ở Mỹ lồng tiếng cho vai Linh và bé Jarlan Bogolubo sống ở Anh lồng tiếng cho con trai của Linh. 3 nhân vật ở 3 nơi khác nhau với những múi giờ hoàn toàn khác nhau. Để khớp nối, Mai Vũ dậy lúc 3h ở Anh, Nghệ sĩ Nhân dân Bùi Bài Bình đến phòng thu lúc 10h ở Hà Nội, Elyse Dinh làm phòng thu tại gia lúc 21h ở Los Angeles.
Nói về thị trường phim hoạt hình Việt Nam, Mai Vũ cho biết cô có niềm tin và lạc quan về thị trường này, cô cũng cho rằng trong tương lai Việt Nam cũng sẽ có những bộ phim hoạt hình không thua kém bất cứ bộ phim hoạt hình nào của thế giới.
Giấc mơ lớn
Trên các diễn đàn làm phim của các đạo diễn trẻ, câu chuyện của Leo Đinh luôn thu hút sự chú ý của nhiều người. Đại ý, bởi vì suốt hơn mười năm nay, sinh viên tốt nghiệp ngành Multimedia Design tại Đại học Swinburne (Úc) chưa từng ngưng theo đuổi ước mơ sản xuất và đem những bộ phim hoạt hình mang các giá trị Việt Nam ra thế giới. Những bình luận: hão huyền, viển vông... ít dần theo thời gian, nhất là vào tháng 6 vừa qua, khi “U Linh tích ký – Bột thần kỳ” (7 phút 23 giây) của anh vừa ra mắt đã được cộng đồng nghiện phim chia sẻ rộng rãi, được đánh giá là “quân tiên phong” cho lối làm phim hoạt hình mới ở Việt Nam. Điều đáng nói, trước khi ra mắt khán giả trong nước, bộ phim đã được công chiếu tại các liên hoan phim ITFS (Đức), SIFF (Mỹ) và Fantasia (Canada).
“U linh tích ký” chọn con nghê - một linh vật trong văn hóa Việt Nam - là nhân vật chính, lấy bối cảnh là tiệm bún cá - một món ăn có ở khắp ba miền và kiến trúc lấy cảm hứng từ phố cổ Hội An. Ngoài ra, tên phim nhắc đến bột thần kỳ cũng xuất phát từ thói quen ăn uống hay nêm gia vị của người Việt.
“Ngoài câu chuyện hay, hình ảnh hấp dẫn, khán giả quốc tế cũng rất quan tâm đến yếu tố văn hóa bản địa của các nền văn hóa khác nhau mà họ chưa có cơ hội khám phá. Yếu tố văn hóa bản địa đó có thể đến từ một quốc gia, một cộng đồng dân cư có thật; cũng có thể là những câu chuyện được phóng tác”, Leo Đinh lý giải về những lý do một khán giả nước ngoài quan tâm đến một bộ phim hoạt hình của nước khác.
Trước “U Linh tích ký”, Leo Đinh và cộng sự từng có một dự án hoạt hình là “Tản Viên phong châu” lấy cảm hứng từ truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh.
“Mục tiêu của chúng tôi không chỉ là phục vụ thị trường điện ảnh ở Việt Nam mà còn muốn đem phim ra thế giới. Những nhân vật như Sơn Tinh, Thủy Tinh hay Thánh Gióng có thể nhiều người Việt Nam biết tới, nhưng với khán giả thế giới thì lại xa lạ. Việc giới thiệu những nhân vật này ra toàn cầu là một thách thức không dễ. Mình phải kể làm sao cho khán giả thế giới thấy là, những nhân vật anh hùng thần thoại của người Việt Nam có đủ yếu tố thu hút họ”, anh chia sẻ trong sự kiện “Giấc mơ hoạt họa” vừa diễn ra gần đây.
Cũng trong sự kiện này, khán giả còn được gặp một “kẻ mộng mơ” khác là đạo diễn Đặng Hải Quang qua tác phẩm “Tàn thể: Tiền truyện” (16 phút).
Có đề tài khá lạ: “Tàn thể: Tiền truyện” thiết lập một thế giới giả tưởng hậu tận thế, nơi con người, máy móc và những bản thể nhân bản buộc phải tham gia cuộc chiến sống còn để đảm bảo sự sinh tồn cho từng giống loài.
Phim được khen ngợi khi thể hiện được những nét văn hóa Việt thông qua những nét đặc trưng thuần Việt một cách tự nhiên, không gượng ép, kết hợp hài hòa với cảm hứng viễn tưởng từ Samurai Jack, Blade Runner, Ghost In The Shell...
Phim cũng từng được trình chiếu trong các nhiều liên hoan phim, sự kiện tại Hy Lạp, Nhật Bản, Ý… và thắng giải phim 2D xuất sắc nhất tại Liên hoan phim hoạt hình Khem (Mỹ), lọt chung kết Liên hoan phim hoạt hình quốc tế Montreal (Canada).
Ngay sau đó, bộ phim vinh dự được góp mặt vào Top Trending trên nền tảng phát sóng trực tuyến Iflix và hồ sơ chính thức trên IMDb (một trang cơ sở dữ liệu trực tuyến về điện ảnh thế giới).
Một khán giả bình luận: “Chỉ trong một thời lượng khá ngắn phim đã kết hợp được yếu tố truyền thống và sci-fi (khoa học viễn tưởng). Điều đặc biệt nhất của phim là khắc họa trọn vẹn hình ảnh một Việt Nam với những tập tục, tín ngưỡng dân gian xưa cũ và đẹp đẽ như thờ cúng, cô đồng,… Phần twist (cú lật nội dung) không quá mới mẻ với những khán giả là quen với thể loại viễn tưởng nhưng vẫn đủ để gây ấn tượng và đủ hợp lý để mở rộng mạch chuyện”.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()