Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 10:36 (GMT +7)
Giấc mơ phim Việt nhìn từ 2,5 tỉ USD Netflix đầu tư cho điện ảnh Hàn Quốc
Thứ 2, 26/06/2023 | 14:13:00 [GMT +7] A A
Chiến thắng áp đảo về chỉ số người xem trong loạt dự án như Squid Game, All of us are dead, Hellbound, The Glory... đã giúp điện ảnh Hàn Quốc thu hút nhiều nguồn đầu tư lớn từ khắp thế giới, trong đó có Netflix với 2,5 tỉ USD.
Sự lớn mạnh của nền công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc
Điện ảnh Hàn Quốc với sự lớn mạnh như vũ bão đã cứu kinh tế Hàn Quốc. Từ thập niên 1990 khi chính phủ Hàn Quốc mang phim Hàn đi tặng không (không lấy tiền bản quyền) cho đài truyền hình các quốc gia châu Á, không ai có thể tin rằng, chỉ trong thời gian ngắn, phim Hàn với sức phủ sóng rộng khắp góp phần giúp Hàn Quốc từ một quốc gia nghèo nhanh chóng có tên trong vị trí top 10 nền kinh tế phát triển nhất châu Á.
SCMP phân tích, “những bộ phim Hàn Quốc những năm 1990 với dàn diễn viên trẻ đẹp lộng lẫy, cốt truyện buồn bã, cảnh quay như mơ... đã tạo ra sức mạnh khủng khiếp, khiến cả châu Á phải đón xem”. Từ phim ảnh, kéo theo sức ảnh hưởng khó cưỡng cho du lịch, thời trang, điện thoại đến ôtô... bán khắp toàn cầu.
Thế nên, khi Netflix tuyên bố đầu tư 2,5 tỉ USD trong 4 năm tới để đẩy mạnh nội dung các chương trình phim truyện, truyền hình, gameshow nói tiếng Hàn trên nền tảng này, truyền thông thế giới đánh giá, làn sóng Hallyu sẽ phát triển mạnh hơn bao giờ hết.
Hiện, chính phủ Hàn Quốc vẫn tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu văn hóa và đầu tư vào công nghiệp giải trí. Năm 2021, xuất khẩu các chương trình của Hàn Quốc bao gồm âm nhạc, trò chơi điện tử và phim, đạt mức cao kỉ lục 12,4 tỉ USD, bỏ xa xuất khẩu về thiết bị gia dụng.
Điện ảnh Việt Nam còn phải đi bao xa?
Bàn về công nghiệp hóa văn hóa, trong đó có điện ảnh Việt Nam, ông Đỗ Duy Anh - nguyên Cục phó Cục Điện ảnh - cho rằng, cần thay đổi từ con người. “Tôi cho rằng, để có thể thay đổi được căn bản về điện ảnh, phải có đội ngũ các nhà làm phim tài năng. Việc đưa người đi du học cũng đã được bàn tới nhiều lần nhưng chưa thể thực hiện. Chúng ta sẽ khó có thể đi chặng đường dài nếu như không bắt đầu từ con người, từ nhân sự” - ông Duy Anh nói.
Trao đổi với phóng viên Lao Động, bà Ngô Phương Lan - nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh - khẳng định, phim Việt đang thiếu tài năng và điều quan trọng không kém, đó là đã đến lúc các nhà làm phim Việt cần thay đổi cách thức, tư duy làm điện ảnh.
“Trước đây, giới làm phim đưa phim ra rạp với tâm lí có gì bán nấy. Tức là, không quan tâm đến thị hiếu khán giả, chỉ chăm chăm tập trung cho đề tài, kịch bản chúng ta tâm huyết, mà không quan tâm khán giả có thích không. Đã đến lúc, tư duy làm phim cần thay đổi, các nhà làm phim Việt phải bán thứ khán giả cần.
Khi điện ảnh thế giới đang phát triển vượt bậc, phim ảnh trên các nền tảng trực tuyến bùng nổ, bất cứ khán giả nào cũng có thể tiếp cận nền điện ảnh tân tiến nhất, những phim hay nhất... Phim Việt càng phải rút ngắn khoảng cách với khán giả, đừng để mình đi sau thị hiếu khán giả” - bà Ngô Phương Lan từng đưa quan điểm.
Ở góc độ những người làm nghề, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cho rằng, để điện ảnh Việt phát triển bài bản trong tương lai cần có chiến lược, đầu tư cụ thể, không chỉ tài chính, nhân sự, mà còn là sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng về chính sách đưa phim đến các liên hoan phim quốc tế chào hàng, còn là cơ chế duyệt phim, kêu gọi doanh nghiệp cùng đầu tư, xã hội hóa sản xuất phim, cởi bỏ những định kiến về đề tài, cảnh nóng...
Theo đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, để điện ảnh Việt “cất cánh”, để công nghiệp hóa thành công là cả quá trình dài và cần có vai trò lớn từ Nhà nước.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()