Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 08:47 (GMT +7)
Giá xăng giảm hơn 1.000 đồng/lít
Thứ 5, 01/12/2022 | 14:39:44 [GMT +7] A A
Từ 15h chiều nay 1/12, giá xăng RON95 bán ra mức 22.700 đồng/lít, xăng E5RON92 bán ra mức 21.670 đồng/lít.
Liên Bộ Công Thương - Tài chính vừa phát đi thông báo điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, bắt đầu từ 15h hôm nay 1/12 với xu hướng đồng loạt giảm.
Theo đó, giá xăng E5RON92 giảm 1.000 đồng/lít, giá bán là 21.670 đồng/lít; giá xăng RON95 giảm 1.080 đồng/lít, giá bán ra là 22.700 đồng/lít.
Trong khi đó, giá dầu diesel giảm 1.590 đồng/lít, giá bán là 23.210 đồng/lít.
Tại kỳ điều chỉnh trước, Liên bộ Công Thương - Tài chính giảm nhẹ các mặt hàng. Theo đó, giá xăng RON95 giảm 80 đồng/lít; giá xăng E5 RON92 giảm 40 đồng/lít. Tương tự, giá dầu diesel giảm 180 đồng/lít, giá bán là 24.800 đồng/lít.
Liên bộ ngừng chi quỹ bình ổn giá, đồng thời trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu với xăng E5 RON 92 ở mức 250 đồng/lít, xăng RON 95 ở mức 200 đồng/lít, dầu diesel, dầu madut 300 đồng/lít (kg).
Lo ngại giá xăng dầu tăng cao từ 1/1/2023
Bộ Tài chính mới đây đưa ra 4 mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu tương ứng với giá dầu thô thế giới.
Cụ thể, trường hợp giá dầu thô thế giới từ 70 USD/thùng trở xuống, thuế bảo vệ môi trường áp mức trần 4.000 đồng/lít xăng, 3.000 đồng/lít nhiên liệu bay, 2.000 đồng/lít dầu diesel…
Trường hợp giá dầu thô thế giới trên 70 USD/thùng đến dưới 80 USD/thùng thì mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu và mỡ nhờn giảm 25% so với mức trần của khung thuế. Cụ thể, thuế đối với xăng là 3.000 đồng/lít, nhiên liệu bay 2.250 đồng/lít, dầu diesel 1.500 đồng/lít
Trường hợp giá dầu thô thế giới từ 80 USD/thùng đến dưới 100 USD/thùng thì mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu và mỡ nhờn còn một nửa so với quy định khung thuế. Theo đó, thuế đối với xăng là 2.000 đồng/lít, nhiên liệu bay là 1.500 đồng/lít, dầu diesel là 1.000 đồng/lít
Trường hợp giá dầu thô vượt ngưỡng 100 USD/thùng, thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu bằng mức sàn của khung thuế. Đó là thuế đối với xăng là 1.000 đồng/lít, nhiên liệu bay là 1.000 đồng/lít, dầu diesel là 500 đồng/lít…
Trả lời VTC News, chuyên gia kinh tế cho rằng nên làm rõ các căn cứ cho việc đánh thuế thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu để hạn chế ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp.
Chuyên gia kinh tế PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng cần làm rõ các căn cứ để đưa ra các kịch bản trên.
"Bộ Tài chính kiến nghị áp dụng 4 mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu trong năm 2023 nhưng không lý giải vì sao lại có các con số đó. Tôi cho rằng nên làm rõ căn cứ để đưa ra các mức thu thuế môi trường với xăng dầu vì xăng dầu vừa là mặt hàng chiến lược quan trọng, vừa là mặt hàng thiết yếu nên biến động giá dù nhỏ cũng tác động đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân. Người dân cần biết rõ những căn cứ đó", ông Long nói.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia, thu thuế bảo vệ môi trường là một trong những công cụ tài chính để bù đắp, khắc phục tổn hại về môi trường, nhưng trong bối cảnh hiện nay, vẫn chỉ nên thu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu ở mức thấp nhất có thể để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
"Về nguyên tắc, muốn có nguồn thu thì phải nuôi dưỡng nguồn thu. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, Nhà nước nên có chính sách khoan thai sức dân, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp hồi phục", chuyên gia Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Long cũng cho rằng cần làm rõ việc sử dụng nguồn thu thuế môi trường với xăng dầu. Theo quy định, việc thu thuế bảo vệ môi trường phải chi cho bảo vệ môi trường, nhưng hiện nay chưa được công khai minh bạch. "Thuế môi trường với xăng dầu là một nguồn thu không nhỏ, nên phải chi đúng mục đích, có hiệu quả tránh thất thoát, lãng phí. Bộ Tài chính nên minh bạch hiệu hiệu quả sử dụng trong việc thu chi hàng trăm nghìn tỷ đồng từ nguồn thuế này", ông Long cho hay.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế, TS. Bùi Trinh nêu quan điểm nên đánh giá lại việc đánh thuế môi trường với xăng dầu. Trường hợp đánh thuế cần làm rõ việc sử dụng cho việc bảo vệ môi trường ra sao?.
"Việc đánh thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu cơ bản chỉ làm tăng giá xăng dầu, không có lợi cho cả người dân và nền kinh tế. Theo tôi, nên bỏ hẳn đi để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Nếu muốn tính, các bộ ngành phải có nghiên cứu và chứng minh bằng cơ sở khoa học rõ ràng”, TS.Bùi Trinh đề xuất.
Về phía doanh nghiệp, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc công ty vận tải Đất Cảng, bày tỏ lo lắng việc giá xăng dầu có thể sẽ tăng mạnh khi nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn hết hiệu lực.
Theo ông Hải, nhằm mục đích giúp hồi phục kinh tế sau dịch COVID-19, nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, trong đó có việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn. Nhưng từ 1/1/2023, thuế này sẽ được đưa trở lại mức trần với xăng (trừ xăng sinh học) từ 1.000 đồng/lít hiện nay lên 4.000 đồng/lít, dầu diesel từ 500 đồng lên 2.000 đồng/lít... Việc tăng thuế môi trường với xăng dầu sẽ khiến giá bán lẻ các mặt hàng này tăng tương ứng.
"Dịch bệnh đã được kiểm soát, hoạt động kinh tế, du lịch, thương mại... dần phục hồi nhưng vận tải hành khách, nhất là tuyến cố định còn nhiều nỗi lo. Nếu giá xăng dầu tăng mạnh sẽ khiến doanh nghiệp vận tải tiếp tục phải đối mặt rủi ro...”, ông Hải nói.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát, cho biết ba năm gần đây doanh nghiệp vận tải quá khó khăn. Đầu tiên là dịch bệnh, kinh doanh đình trệ, xe cộ đắp chiếu. Tiếp đó là giá xăng dầu tăng cao bất thường, đa số nhà xe gánh lỗ. Nay hoạt động vận tải bắt đầu hồi phục thì lo giá nhiên liệu tăng, nguồn cung đứt gãy...
"Ngành vận tải đang quá khổ, lúc nào cũng trong tâm trạng lo âu. Điều doanh nghiệp cần nhất lúc này là sự ổn định để có thể hoạch định chiến lược kinh doanh lâu dài. Tôi cho rằng nên tiếp tục duy trì chính sách giảm thuế môi trường với xăng dầu như hiện nay đến hết năm 2023 để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp", ông Bằng chia sẻ.
Theo vtc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()