Theo dự thảo tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, giá vé được chia 3 mức để phù hợp khả năng chi trả của người dân, nhu cầu và mức độ tiên nghị khác nhau.
Giá vé đường sắt tốc độ cao Bắc Nam dự kiến bằng 75% mức trung bình vé máy bay hàng không giá rẻ và phổ thông. Mức này được đưa ra dựa trên cơ sở tham khảo giá vé bình quân của VietnamAirlines và Vietjet - hai hãng hàng không có thị phần lớn nhất trong nước. Trong đó, mỗi km vé hạng nhất dự kiến là 0,18 USD (khoang VIP), hạng hai 0,074 USD và hạng ba là 0,044 USD.
Như vậy, tính trên chặng Hà Nội - TP HCM, vé hạng nhất khoảng 6,9 triệu; hạng hai là 2,9 triệu và hạng ba là 1,7 triệu đồng.
"Giá vé đề xuất không có sự khác biệt lớn với các nước có điều kiện tương đồng Việt Nam", dự thảo tờ trình nêu và so sánh với tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Kinh - Thượng Hải (Trung Quốc), Jakarta - Bandung (Indonesia) và Tohoku (Nhật Bản).
Cũng theo dự thảo tờ trình, tổng mức đầu tư dự án này khoảng 1,7 triệu tỷ đồng, trong đó chủ yếu là chi phí xây dựng và thiết bị (hơn 974.000 tỷ đồng).
Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam có kết cấu 60% cầu, 10% hầm và 30% nền đất. Suất đầu tư khoảng 43,7 triệu USD mỗi km. "Đây là mức trung bình so với một số tuyến đường sắt tốc độ cao trên thế giới có cùng dải tốc độ khai thác khi quy đổi về thời điểm năm 2024", dự thảo viết.
Trên cơ sở các phương án huy động nguồn lực đầu tư, dự án có thể được đầu tư một lần toàn tuyến. Phương án này tạo áp lực về vốn và tổ chức thực hiện, nhưng ưu điểm là phát huy hiệu quả và thu hút toàn bộ hành khách đi lại trên tất cả các cung đoạn ngay khi đưa vào khai thác.
Để rút ngắn thời gian, dự án này được chia thành 4 dự án thành phần và triển khai đồng thời, gồm đoạn từ Ngọc Hồi (Hà Nội) đến Vinh (Nghệ An); Vinh - Đà Nẵng; Đà Nẵng - Diên Khánh (Khánh Hòa) và đoạn còn lại đến ga Thủ Thiêm (TP HCM).
Theo tính toán của Bộ Tài chính, khi đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao, các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của Việt Nam đến 2030 vẫn thấp hơn mức cho phép 5-16%. Theo đó, nợ công cao nhất là 44% (trần Quốc hội cho phép 60%); nợ Chính phủ và nợ nước ngoài lần lượt là 43 và 45% (mức cho phép 50%). Giai đoạn sau năm 2030, các chỉ tiêu về nợ công vẫn trong ngưỡng cho phép. Bội chi và nghĩa vụ trả nợ trực tiếp tăng, song không nhiều so với kịch bản không đầu tư dự án.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam dự kiến giúp GDP bình quân cả nước tăng khoảng 0,97% một năm, so với kịch bản không đầu tư dự án này. Doanh thu thương mại của dự án khoảng 22 tỷ USD và chưa tính đến phần chi phí đầu tư phương tiện, thiết bị sẽ do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chịu trách nhiệm trả nợ. Các yếu tố này sẽ góp phần cải thiện toàn bộ các chỉ tiêu tài chính vĩ mô.
Trước đó, hội nghị Trung ương 10 khóa 13 thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến dự án đường sắt tốc độ cao (350 km/h) trên trục Bắc Nam và giao Ban cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo các cơ quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình kỳ họp thứ 8 khai mạc tháng 10.
Tuyến đường sắt tốc độ cao dự kiến điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP HCM). Dự án đi qua 20 tỉnh thành gồm Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP HCM.
Tại cuộc họp hôm 25/9, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu đường sắt tốc độ cao 350 km/h đi qua 20 tỉnh thành từ Hà Nội đến TP HCM cần thẳng nhất có thể, tức gặp núi qua núi, gặp sông bắc cầu.
Để tối ưu chi phí, tuyến đường sắt sẽ có khổ 1,435 m, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; chiều dài 1.541 km với 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa. Tuyến đường này chủ yếu vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh và có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Đường sắt Bắc Nam hiện hữu sẽ vận chuyển hàng hóa và du lịch chặng ngắn.
Ý kiến ()