Chốt phiên giao dịch 21/6, mỗi ounce vàng thế giới giao ngay giảm 40 USD về 2.320 USD, tương đương mức giảm 1,1 triệu đồng mỗi lượng. Diễn biến này đảo chiều hoàn toàn so với phiên trước đó, khi thị trường tăng 30 USD.
Giá vàng hôm qua giảm do USD mạnh lên và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng, sau số liệu tích cực về hoạt động kinh doanh tại Mỹ. Trong tháng 6, chỉ số U.S. Composite PMI Output - theo dõi cả ngành sản xuất và dịch vụ Mỹ của S&P Global - lên cao nhất 26 tháng.
Việc này diễn ra trong bối cảnh ngành lao động phục hồi. Số liệu công bố hôm 20/6 cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ giảm nhẹ tuần trước.
USD hôm qua tăng khoảng 0,2% so với rổ tiền tệ lớn, lên cao nhất hơn 7 tuần. Việc này giúp vàng bớt đắt đỏ với người mua ngoài Mỹ. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng tăng sau số liệu của S&P Global.
Công cụ theo dõi lãi suất CME FedWatch chỉ ra nhà đầu tư hiện đặt cược khả năng Fed giảm lãi tháng 9 là 63%. Xác suất này không thay đổi so với phiên trước đó. Lãi suất thấp sẽ làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng.
Dù vậy, tính chung cả tuần, giá vàng vẫn tăng 0,6%. Đây là tuần thứ hai liên tiếp kim loại quý này đi lên.
"Vàng hưởng lợi từ hàng loạt số liệu kinh tế yếu tuần này. Nhà đầu tư vẫn đang cân nhắc các tin tức có thể khiến Mỹ giảm lãi suất sớm hơn và nhiều lần hơn", Tai Wong - nhà đầu tư kim loại quý độc lập tại New York cho biết trên Reuters.
Giá bạc hôm qua cũng giảm tới 3,7%, về 29,5 USD một ounce. Trong khi đó, giá bạch kim và palladium đều đi lên. Mức tăng lần lượt là 1,8% và 3,2%.
Trên thị trường chứng khoán Mỹ, các chỉ số chính cũng có diễn biến trái chiều. S&P 500 chốt phiên giảm 0,16%. Nasdaq Composite mất 0,18%. Trong khi đó, DJIA lại tăng nhẹ.
Cổ phiếu hãng chip Nvidia giảm mạnh phiên thứ hai liên tiếp, với 3,2%. Dù vậy, tính chung từ đầu năm, mã này vẫn tăng 155%.
Ý kiến ()