Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:42 (GMT +7)
Giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh Động lực cho phát triển nhanh, bền vững
Thứ 2, 01/01/2024 | 13:15:26 [GMT +7] A A
Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã khẳng định “phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.
Bám sát định hướng của Đảng, trong quá trình phát triển, Quảng Ninh luôn xác định phải kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Vùng mỏ. Tại Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”, tỉnh tiếp tục đặt mục tiêu xây dựng con người Quảng Ninh với các đặc trưng: “Bản lĩnh, Tự cường, Kỷ cương, Đoàn kết, Nghĩa tình, Hào sảng, Sáng tạo, Văn minh”. Đặc biệt là phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực quan trọng để xây dựng và phát triển Quảng Ninh với các đặc trưng: “Thiên nhiên tươi đẹp, Văn hóa đặc sắc, Xã hội văn minh, Hành chính minh bạch, Kinh tế phát triển, Nhân dân hạnh phúc”.
Từ nền tảng văn hóa đặc sắc, giàu truyền thống
Có thể nói, văn hóa biển, văn hóa công nhân mỏ, văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số là những thành tố chính tạo nên sự “đa dạng trong thống nhất” của văn hóa Quảng Ninh.
Văn hóa biển gồm văn hóa thời tiền sử, trải qua thời kỳ Văn hóa Đông Sơn và Văn hóa Hạ Long. Đặc biệt, Văn hóa Hạ Long phát triển tới những đỉnh cao, được phát hiện trên các đảo đá của Vịnh Hạ Long cũng như dọc bờ biển từ Móng Cái đến Vân Đồn. Văn hóa Hạ Long về bản chất là văn hóa biển, tồn tại và phát triển rất năng động trong các mối giao lưu, hội nhập và thích ứng văn hóa. Bởi sống gần biển, mưu sinh nhờ biển, con người Quảng Ninh hòa hợp với thiên nhiên, phóng khoáng, mong ước cuộc sống bình yên, khao khát tình yêu, hạnh phúc, thương yêu, trọng tình nghĩa. Văn hóa biển đã thấm đẫm trong con người Quảng Ninh qua biết bao thế hệ như thế.
Quảng Ninh còn là cái nôi của giai cấp công nhân và phong trào công nhân Việt Nam, là quê hương của phong trào “vô sản hóa”, nơi rèn luyện của nhiều nhà cách mạng tiền bối tiêu biểu, góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng trên cả nước. Những giá trị hội tụ trong suốt chiều dài lịch sử về tự nhiên, xã hội, truyền thống đấu tranh dựng nước đã hình thành, phát triển và định hình nên cốt cách con người Quảng Ninh anh dũng trong chiến đấu; cần cù, vươn lên trong lao động sản xuất; hào sảng, thân thiện trong cuộc sống...
Với 43 thành phần dân tộc, Quảng Ninh sở hữu một kho tàng văn hóa truyền thống đồ sộ, quý giá bao gồm 637 di sản văn hóa vật thể (trong đó có 8 di tích quốc gia đặc biệt; 56 di tích quốc gia; 100 di tích cấp tỉnh; 466 di tích được kiểm kê phân loại) và 362 di sản văn hóa phi vật thể (trong đó có 12 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia). Quảng Ninh cũng là nơi duy nhất có nhà vua sau khi thắng giặc ngoại xâm từ bỏ ngai vàng lên núi hóa Phật, để lại Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mang bản sắc riêng của Phật giáo Việt Nam với tư tưởng về hòa nhập đạo pháp với dân tộc và đoàn kết các tôn giáo.
Trên nền tảng những giá trị văn hóa được hình thành và vun đắp, những tiêu chí xây dựng con người Quảng Ninh cũng được đặt ra từ những năm đầu thời kỳ đổi mới và tiếp tục được bổ sung, điều chỉnh trong suốt chặng đường phát triển của tỉnh. Từ đó, không ngừng được nuôi dưỡng, bồi đắp, từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Kiên định chủ trương lớn
Phát triển văn hóa, xã hội và xây dựng con người Việt Nam là chủ trương lớn, thống nhất, xuyên suốt của Đảng ta, nhằm tạo động lực, nguồn lực nội sinh cho sự phát triển bền vững đất nước. Thống nhất, kiên định với chủ trương lớn của Đảng, trong quá trình phát triển, Quảng Ninh đã xác định thiên nhiên, văn hóa và con người là ba trụ cột để phát triển theo hướng bền vững. Vì vậy, những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, dành nguồn lực thỏa đáng tương xứng với mức thu ngân sách của tỉnh cho đầu tư văn hóa, phát triển toàn diện con người Quảng Ninh. Giai đoạn 2018-2022, tổng chi ngân sách cho lĩnh vực văn hóa, thể thao phục vụ cho phát triển văn hóa, con người trên địa bàn tỉnh là 4.759 tỷ đồng.
Từ Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 9/3/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về xây dựng, phát triển văn hoá, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” đến Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững” đã có sự thay đổi, phát triển từ xây dựng con người mang đặc trưng “Năng động, Sáng tạo, Hào sảng, Lành mạnh, Thân thiện, Văn minh” đến “Bản lĩnh, Tự cường, Kỷ cương, Đoàn kết, Nghĩa tình, Hào sảng, Sáng tạo, Văn minh” nhằm phù hợp với xu thế phát triển chung thời đại song vẫn đảm bảo việc phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” của người Vùng mỏ.
Mục tiêu chung của Nghị quyết số 17-NQ/TU xác định: Phát triển con người Quảng Ninh toàn diện cả về nhân cách, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật, tình yêu quê hương, đất nước với các đặc trưng “Bản lĩnh, Tự cường, Kỷ cương, Đoàn kết, Nghĩa tình, Hào sảng, Sáng tạo, Văn minh” phù hợp với xu thế thời đại, thích ứng với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng, phát triển nền văn hóa giàu bản sắc, gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền, trên cơ sở kết hợp hài hoà các giá trị đặc trưng của tỉnh Quảng Ninh “Thiên nhiên tươi đẹp, Văn hóa đặc sắc, Xã hội văn minh, Hành chính minh bạch, Kinh tế phát triển, Nhân dân hạnh phúc” để văn hóa, con người Quảng Ninh thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, nguồn lực và động lực cho phát triền nhanh, bền vững.
Hiện thực hóa mục tiêu này, Nghị quyết số 17-NQ/TU đã đề ra 5 nhóm giải pháp quan trọng. Một là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tố quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh.
Hai là, tăng cường năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa (gồm: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật trong lĩnh vực văn hóa; Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ngành văn hóa, thể thao và du lịch; Tăng cường hợp tác, hội nhập quốc tế; Thực hiện chuyển đổi số).
Ba là, chú trọng xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa tỉnh Quảng Ninh phát triển lành mạnh, năng động, sáng tạo, nhân văn, tiến bộ, là nền tảng tinh thần vững chắc của một xã hội phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Bốn là, phát triển con người Quảng Ninh toàn diện, thực sự là trung tâm, chủ thể, nguồn lực, động lực quan trọng nhất và là mục tiêu của sự phát triển.
Năm là, phát huy mọi nguồn lực phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh (gồm: Tiếp tục đầu tư và khai thác hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao và không gian công cộng phục vụ phát triển văn hóa chất lượng cao, hướng đến đẳng cấp quốc tế; bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị các di sản văn hóa Quảng Ninh, các công trình kiến trúc, cảnh quan mang bản sắc văn hóa truyền thống, đặc trưng; xây dựng và phát triển nền văn học, nghệ thuật; chăm lo xây dựng, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ Quảng Ninh vững mạnh toàn diện; tăng cường đầu tư, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao; phát triển kinh tế thể thao và tập trung phát triển công nghiệp văn hóa, sáng tạo và dịch vụ văn hóa trở thành một mũi đột phá chiến lược thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững).
Năm 2024, Quảng Ninh lựa chọn chủ đề công tác năm là “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”, tiếp tục huy động sự vào cuộc tích cực, quyết tâm của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong việc vun bồi, nuôi dưỡng, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trong xây dựng khối đại đoàn kết, tạo nên sức mạnh tổng hợp để phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Phát triển văn hóa, con người chính là một trong những yếu tố có vai trò quyết định sức mạnh và vị thế của mỗi quốc gia, dân tộc trên trường quốc tế. Thực tiễn đã chứng minh, chủ trương đầu tư cho phát triển văn hóa, con người, đã và đang góp phần quan trọng tạo dựng nên vóc dáng của một Quảng Ninh hôm nay với các đặc trưng “Thiên nhiên tươi đẹp, Văn hóa đặc sắc, Xã hội văn minh, Hành chính minh bạch, Kinh tế phát triển, Nhân dân hạnh phúc”, hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Nguyễn Dung
- Khánh thành 6 phiến đá khắc các khẩu hiệu tuyên truyền về đặc trưng văn hoá, con người Hạ Long - Quảng Ninh
- Góp phần bảo tồn văn hoá phi vật thể
- Độc đáo những sắc màu văn hóa tại hội Trà hoa vàng năm 2023
- Phát huy truyền thống, sức mạnh “Kỷ luật – Đồng tâm” để xây dựng văn hóa ngành Than giàu bản sắc
- Xây dựng môi trường văn hóa trong quân đội
Liên kết website
Ý kiến ()