Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 18/01/2025 09:04 (GMT +7)
Giá thực phẩm 'chạm nóc' trong 11 năm, nạn đói len lỏi châu Á hậu đại dịch
Thứ 3, 23/11/2021 | 09:12:13 [GMT +7] A A
Khi giá lương thực thế giới chạm mức cao nhất trong một thập kỷ, người dân châu Á đang cảm thấy sức ép nặng nề lên cuộc sống hàng ngày.
Thời tiết cực đoan. Cúm gia cầm. Giá năng lượng tăng cao. Thiếu nhân lực. Chuỗi cung ứng tắc nghẽn và gián đoạn do đại dịch. Tất cả những yếu tố này đã khiến giá thực phẩm tăng lên mức cao nhất trong một thập kỷ.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc, giá thực phẩm thế giới đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2011. Chỉ số giá thực phẩm (FFPI) đạt 133,2 điểm trong tháng 10/2021, tăng 3,9 điểm (tương đương 3%) so với tháng 9/2021 và 31,8 điểm (31,3%) so với tháng 10/2020. Xu hướng tăng này chủ yếu đến từ giá dầu thực vật và ngũ cốc, các mặt hàng đang ngày càng đắt đỏ do những nhà xuất khẩu lớn như Canada, Nga, Mỹ và Malaysia giảm thu hoạch, cũng như do tình trạng thiếu lao động di cư và giá dầu thô tăng vọt.
Các nền kinh tế mới nổi đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ vấn đề này. Nhiều nơi ở Nam Mỹ, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có mức lạm phát giá thực phẩm trên 10%.
Tại châu Á, với bản chất đa dạng, các nền kinh tế chịu ảnh hưởng theo những cách khác nhau, nhưng đều là người nghèo chịu ảnh hưởng nhiều nhất.
Singapore
Lai Chin Hooi, sở hữu một hàng bán rau ở khu dân cư phía Đông Singapore, cho biết dòng người đến khu chợ này ngày càng thưa. “Mọi thứ đều đắt đỏ và giờ rất khó làm ăn”, Lai nói.
Giá rau nhập từ Trung Quốc, như bông cải xanh, đã tăng 30-40% trong những tuần gần đây, do thời tiết khắc nghiệt và phí vận chuyển tăng. Ông nhận xét giá cả thực phẩm năm nay là cao nhất trong vòng 6-7 năm gần đây.
Số liệu của chính phủ Singapore cho thấy lạm phát giá thực phẩm đã tăng 1,6% trong tháng 9, trong khi tháng trước là 1,5%. Một cân nho có giá vào khoảng 8,12 USD trong tháng 6 nhưng tăng lên 11,58 USD trong tháng 9. Một cân rau bina cũng tăng giá 15% trong cùng thời gian.
Các doanh nghiệp lớn, như các chuỗi siêu thị thì có thể tránh gián đoạn bằng cách đa dạng hóa nguồn hàng. Nhưng những doanh nghiệp nhỏ hơn, doanh nghiệp gia đình không thường có lựa chọn này và cuối cùng khách hàng là người phải gánh giá cao.
Các tổ chức phi lợi nhuận ở Singapore đã cảnh báo rằng những người bị mất việc trong dịch bệnh có thể trở nên dễ tổn thương hơn trong tình trạng hiện nay.
Nichol Ng, đồng sáng lập tổ chức Ngân hàng thực phẩm Singapore, cho biết số lượng gia đình lâm vào tình trạng bấp bênh bữa đói bữa no tăng mạnh trong đại dịch năm 2020. Trong những người cần hỗ trợ có cả công nhân và những người làm công việc tự do, những người thường không coi mình là “tầng lớp dưới đáy xã hội”, Ng nói.
Ng cũng cho rằng việc giá cả leo thang mới chỉ bắt đầu, có thể phải đến sang năm các tác động mới lộ rõ, khi các nguồn cứu trợ của chính phủ dần hết.
Một tổ chức từ thiện, Food from the Heart, cho biết họ đã trao tặng 10.000 phần thực phầm trong năm nay, tăng 59% so với 2019.
Tuy nhiên, Thủ tướng Lý Hiển Long, trong một cuộc phỏng vấn gần đây vẫn tỏ ra khá lạc quan. Ông cho biết tỷ lệ lạm phát của Singapore thường xuyên gần bằng 0, và dù các con số đang có vẻ tăng, nó vẫn thấp hơn tỷ lệ tăng tại Mỹ. Bên cạnh đó, ngân hàng trung ương cho rằng tình hình chỉ là tạm thời và sẽ dần ổn định trở lại.
Ấn Độ
Một số gia đình nghèo tại Ayodhya, Ấn Độ đang phải chắt lại dầu hạt cải cặn từ đèn dầu để sau đó dùng nấu ăn. Dầu hạt cải thông thường đã vượt quá khả năng chi trả của họ, tăng giá lên 3,22 USD một lít. Năm ngoái, dầu này chỉ có giá 2 USD một lít.
Một người đàn ông thất nghiệp nói: “Tôi thấy việc lấy dầu từ đèn không làm sao, miễn là có được bữa ăn lấp đầy bụng mấy đứa con”.
Ngoài ra, hầu như không thể nấu món ăn Ấn Độ mà không có hành tây và cà chua - và hai mặt hàng này cùng với các loại rau khác cũng tăng giá.
Raj làm việc trong một tòa soạn báo. Mỗi khi đổ đầy xăng, anh cảm thấy như ngân sách của mình cạn kiệt. Giá xăng và dầu diesel tại Ấn Độ đã tăng gần 35% so với một năm trước.
Manish Chawla bán đồ ăn cho những người lao động trên xe đẩy. Chi phí đầu vào tăng nhưng anh không thể cứ thế nâng giá vì những khách hàng của anh cũng gặp khó khăn do đại dịch. Chawla chấp nhận giảm 30% lương vì đại dịch.
“Lạm phát quá tệ, tôi không thể kiếm được lợi nhuận, vậy mục đích làm tất cả những việc khó khăn này là gì? Tôi đã sống sót trước COVID nhưng tôi không biết liệu mình có tồn tại được với tình hình này hay không”, Chawla nói.
Malaysia, Philippines
Ở Malaysia, khi giá thực phẩm tăng cao, nhiều người thuộc nhóm thu nhập thấp không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cắt giảm lượng thịt trong bữa ăn.
Bà mẹ bốn con Saliya Zamidi, 47 tuổi, là trụ cột của gia đình kể từ khi chồng cô mất việc trong đại dịch. Cả Zamidi và chồng hiện đều làm những công việc lặt vặt để trả tiền thuê căn hộ, cho con đi học và mua thực phẩm.
Nhưng với ba đứa con trong độ tuổi đi học, làm điều này với Saliya không dễ dàng gì. Đặc biệt khi cô chỉ có mức thu nhập khoảng 230 USD hàng tháng, so với trung bình toàn quốc là 700 USD.
Trong khi đó, một con gà có giá khoảng 12 USD. Gia đình này đã quen với việc thay thế thịt bằng trứng, đậu phụ và rau.
Kechara Soup Kitchen, một tổ chức điều hành ngân hàng thực phẩm và bếp ăn cho người nghèo, đã nhận thấy ngày càng có nhiều gương mặt mới trong những tháng gần đây. Nhưng giá thực phẩm tăng cao cũng đặt ra một thách thức đối với Kechara. Tổ chức phải cung cấp các suất ăn thanh đạm hơn, cắt giảm thịt khi nào có thể.
Chính phủ Philippines đã giữ giá gạo thông thường ổn định ở mức 40 peso/kg (0,79 USD) kể từ khi đợt đại dịch bắt đầu vào tháng 4 năm ngoái. Nhưng giá các thực phẩm còn lại nhìn chung dao động tăng. Từ 130 peso/kg vào tháng 6 năm ngoái, cá rô phi tăng 23% lên 160 peso vào tháng 4 này, sau đó giảm 25% xuống 120 peso vào cuối tháng 5 năm ngoái.
Khoảng 17% dân số nước này - từ ngày 28/4 đến ngày 2/5 năm nay đã gặp “nạn đói không tự nguyện”, tỷ lệ cao nhất kể từ khi nhà thăm dò tư nhân Social Weather Stations bắt đầu theo dõi nạn đói vào năm 1998.
Theo vtc.vn
- COVID-19: Lý giải tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới của Peru
- Ngày 22/11: Quảng Ninh thêm 28 ca mắc Covid-19
- Ngày 22/11: Có 10.321 ca mắc COVID-19, trong đó TP HCM, Cần Thơ và Tây Ninh tăng số mắc
- Tiên Yên: Học sinh 8 xã, thị trấn tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch Covid-19
- Cả nước đã tiêm gần 108 triệu liều vaccine phòng COVID-19
Liên kết website
Ý kiến ()