Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:33 (GMT +7)
Gia tăng TNGT liên quan người già, kiềm chế cách nào?
Thứ 4, 23/11/2022 | 16:53:11 [GMT +7] A A
Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, trong 9 tháng đầu năm 2022, TNGT liên quan đến độ tuổi trên 55 chiếm 13,02%, cao hơn 1,09% so với cùng kỳ năm 2020.
Khả năng nhận diện, phản xạ bị suy giảm
Khoảng 12h trưa 9/11, trên QL1, đoạn qua phường Linh Trung, TP Thủ Đức, TP.HCM, tài xế Nguyễn Hùng Dũng (58 tuổi) điều khiển xe đầu kéo BKS 72C-119.31 lùi từ làn xe máy vào công ty ở đường số 2 (phường Linh Trung) để xếp hàng, bất ngờ đâm trúng xe máy do chị Nguyễn Thị T. (31 tuổi, quê Thanh Hoá) cầm lái đang chạy từ phía sau tới. Cú va chạm khiến chị T. ngã xuống đường, bị xe đầu kéo cán qua người tử vong.
Trước đó, sáng 19/10, anh Nguyễn Minh Tỉnh (39 tuổi) điều khiển ô tô đầu kéo BKS 51D-478.25 lưu thông theo hướng từ khu công nghiệp Mỹ Xuân B1 ra QL51 về Đồng Nai, đến ngã tư giao giữa khu công nghiệp B1-A2 và QL51 (TX Phú Mỹ), trong lúc rẽ phải đã va chạm với xe máy BKS 70L1-423.06 do ông Kiều Văn Đắt (57 tuổi, trú tại Hậu Giang) điều khiển chạy cùng chiều. Hậu quả, ông Đắt tử vong.
Tại TP.HCM, khoảng 6h15 sáng 12/9, trên đường Lê Văn Quới đoạn qua hẻm 246 (phường Bình Hưng Hòa A) cũng xảy ra vụ tai nạn khiến 1 người phụ nữ 60 tuổi tử vong khi đi bộ qua đường…
Trên đây chỉ là một vài trong số rất nhiều vụ TNGT liên quan đến người cao tuổi đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây.
Thiếu tá Trần Quang Chinh, Đội phó Đội CSGT số 6, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, quá trình TTKS cho thấy, TNGT liên quan đến người lớn tuổi chủ yếu xảy ra vào buổi sáng sớm khi đi tập thể dục, trời nhá nhem, tầm nhìn hạn chế. Hoặc đa số sử dụng các phương tiện xe 50 phân khối, xe máy điện, khi chuyển hướng không chú ý quan sát, nhất là khi qua các giao lộ nên dễ gặp va chạm.
Để hạn chế TNGT liên quan đến độ tuổi này, Thiếu tá Chinh cho rằng, ngoài ưu tiên, khuyến khích họ sử dụng phương tiện công cộng, cần tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người tham gia giao thông khi thấy người lớn tuổi lưu thông hết sức chú ý giữ khoảng cách, đảm bảo tốc độ, đề phòng những tình huống đột ngột xảy ra.
TS. Nguyễn Minh Hiếu, Trường Đại học GTVT cho biết, người lớn/cao tuổi có xu hướng gặp rủi ro va chạm nhiều hơn so với người trẻ vì khả năng nhận diện, phản xạ với các tình huống trên đường bị suy giảm do thường gặp các vấn đề về mắt, tai đồng thời sức khỏe thể chất cũng giảm sút đáng kể.
Khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng
Theo TS. Hiếu, một nguyên nhân khác còn do người cao tuổi thường có xu hướng sử dụng các phương tiện tương đối cũ hoặc gặp những khó khăn trong điều khiển các phương tiện mới.
Sự thiếu quan sát, chú ý cũng thường xuất hiện ở người cao tuổi, đặc biệt nhóm tuổi trên 70 tuổi khi đi bộ hay băng cắt qua đường.
Họ cũng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc đọc và hiểu các bảng chỉ dẫn giao thông vì ít có cơ hội hoặc không sẵn sàng cập nhật các kiến thức về các biện pháp tổ chức giao thông hiện nay.
TS. Hiếu, các nước trên thế giới thường nhấn mạnh sự ưu tiên khi sử dụng phương tiện công cộng đối với người cao tuổi do xác suất về rủi ro tai nạn cũng như thương tích sẽ được giảm đáng kể so với việc đi bằng phương tiện cá nhân.
“Tại Việt Nam, để hạn chế TNGT, khuyến khích người cao tuổi sử dụng phương tiện công cộng nên là 1 giải pháp cần được đặc biệt chú ý. Cùng đó, cần tiếp tục duy trì và cải thiện những ưu đãi khi đi phương tiện công cộng đối với lứa tuổi này”, TS. Hiếu nói và cho rằng nên xây dựng văn hóa chia sẻ khi lưu thông trên đường với người cao tuổi.
Theo Thượng tá Phạm Việt Công, Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, cần tuyên truyền để người lớn tuổi tự ý thức về sức khoẻ, nếu không đảm bảo để tham gia giao thông an toàn có thể lựa chọn các phương tiện công cộng phù hợp.
Hiện nay, Chính phủ đang triển khai hệ thống dữ liệu liên thông sức khoẻ của người dân, khi hoàn thành sẽ tạo ra một cơ sở dữ liệu về hồ sơ y tế, liên thông với các cơ quan chức năng. Quá trình rà soát nếu phát hiện lái xe có vấn đề về sức khỏe, sẽ có những khuyến cáo tức thời mà không cần phải chờ đến khi đi kiểm tra sức khoẻ lúc cấp lại GPLX.
“Đồng thời, cũng cần tiếp tục đầu tư, nâng cấp, lắp đặt hệ thống hạ tầng giao thông, biển báo, chỉ dẫn đồng bộ để hỗ trợ người tham gia giao thông, đặc biệt với người cao tuổi”, Thượng tá Công nói.
Không đủ sức khỏe, không nên lái xe Theo TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, nhằm hạn chế TNGT liên quan đến người cao tuổi, một số nước đã rút ngắn thời gian đổi bằng lái xe cũng như áp dụng các bài kiểm tra sức khoẻ riêng để xác định họ có đủ sức khoẻ để tiếp tục điều khiển xe hay không. Luật GTĐB Việt Nam đã có thời hạn cấp lại GPLX với từng hạng như: Đối với hạng B1, thời hạn đối với nữ đến 55 tuổi và nam đến 60 tuổi. Đối với trường hợp lái xe nữ trên 45 tuổi và nam trên 55 tuổi, GPLX có thời hạn 10 năm kể từ ngày được cấp. Thời hạn đối với GPLX hạng A4, B2 là 10 năm kể từ ngày được cấp. Thời hạn đối với giấy phép lái xe hạng C, D, E, FB2, FC, FD, FE là 5 năm kể từ ngày được cấp. Như vậy người cao tuổi vẫn có thể lái xe ô tô nếu đủ sức khỏe, tuy nhiên cần quan tâm đến sức khoẻ bằng cách chủ động khám định kỳ và nếu cảm thấy không đủ khả năng lái xe nên dừng lại. |
Theo baogiaothong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()