Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 06:25 (GMT +7)
Gia tăng người đột quỵ vào mùa đông: Sai lầm cần tránh và cách xử lý kịp thời
Thứ 6, 10/12/2021 | 17:07:38 [GMT +7] A A
Đột quỵ gia tăng vào mùa đông do thời tiết lạnh giá. Vì thế, tập thể dục hay đi vệ sinh buổi sáng cũng cần chú ý các dấu hiệu đột quỵ.
Gia tăng đột quỵ vào mùa lạnh
Theo các bác sĩ, đột quỵ hay tai biến mạch máu não là bệnh lý tổn thương một phần não xảy ra đột ngột do mạch máu nuôi não bị tắc nghẽn (nhồi máu não) hoặc bị vỡ (xuất huyết não, chảy máu não).
Máu mang oxy và chất dinh dưỡng lên nuôi não. Khi thiếu máu nuôi, não sẽ ngưng hoạt động rồi chết đi trong vòng vài giây đến vài phút. Phần nào của não bị chết thì phần phần cơ thể tương ứng do nó điều khiển sẽ không hoạt động được, biểu hiện bằng liệt nửa người, tê và mất cảm giác nửa người, nói khó hoặc không nói được, hoặc hôn mê...
Một số báo cáo cho thấy, vào mùa đông, khi thời tiết lạnh giá, số ca đột quỵ xảy ra nhiều hơn. Nhiều người bị đột quỵ khi dậy sớm tập thể dục hay dậy đi vệ sinh trong đêm.
Theo TS Đào Việt Phương, Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai), trời rét chính là yếu tố thúc đẩy làm gia tăng các ca đột quỵ.
Nguyên nhân nhiệt độ hạ thấp dễ khiến mạch co lại, gây vỡ mạch máu não sẽ dẫn đến xuất huyết não, đột quỵ.
Ngoài ra, mùa rét mọi người cũng có xu hướng ăn mặn hơn, ăn nhiều chất dầu mỡ, giảm vận động, làm huyết áp tăng cao. Hơn nữa, khi trời lạnh, một số người bị tăng huyết áp cũng ngại đi khám bệnh, lấy thuốc và uống thuốc thường xuyên.
Bác sĩ Nguyễn Danh Cường, Phó trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ (Bệnh viện Lão khoa Trung ương) cũng nhận định, thời điểm đêm khuya và sáng sớm, khi nhiệt độ xuống thấp nhất trong ngày, người cao tuổi rời giường để tiểu đêm hoặc tập thể dục là lúc dễ bị đột quỵ nhất.
"Việc thay đổi tư thế đột ngột hoặc thay đổi nhiệt độ đột ngột đều là những những yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ, đặc biệt là với người cao tuổi", bác sĩ Cường chia sẻ.
Dấu hiệu nhận biết đột quỵ
Theo PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai), đột quỵ não có thể đe dọa đến tính mạng hoặc khiến bệnh nhân bị tàn tật vĩnh viễn. Đối với bệnh nhân bị đột quỵ, việc cấp cứu càng sớm sẽ càng giúp bệnh nhân hồi phục nhanh và ít di chứng.
Tuy nhiên, rất nhiều bệnh nhân bị đột quỵ từ hôm trước hoặc vài hôm trước mới nhập viện. Họ chỉ cho rằng mình mệt mệt, tay chân yếu, tê bì và nằm nghỉ ngơi là hết. Đến khi "nằm hẳn" không động đậy được mới đi viện. Lúc này, việc điều trị khó khăn, khả năng phục hồi là rất khó, thậm chí tử vong.
"Điều tối quan trọng khi phát hiện người thân có dấu hiệu đột quỵ là cần hành động nhanh để kịp đến viện trong giờ vàng", PGS Mai Duy Tôn nhấn mạnh.
Theo PGS Mai duy Tôn, khoảng 1/3 các ca đột quỵ xuất hiện sau khi có một hoặc nhiều cơn đột quỵ nhẹ hay còn gọi là cơn thiếu máu não thoáng qua. Cơn thiếu máu não thoáng qua xảy ra do tình trạng ngừng tạm thời việc cung cấp máu lên não.
Các dấu hiệu như mất thị lực đột ngột, yếu một cánh tay hoặc chân trong ít phút có thể xuất hiện do các cơn thiếu máu não thoáng qua. Sau đó khả năng vận động có thể sớm trở lại.
"Đây chính là lý do khiến nhiều người bệnh chủ quan, cho rằng mình chỉ mệt nhẹ, hoa mắt, chóng mặt bình thường, nghỉ ngơi sẽ hết. Tuy nhiên, nếu bỏ qua các dấu hiệu này sẽ dẫn đến những cơn đột quỵ não, nguy hiểm đến tính mạng", PGS Mai Duy Tôn chia sẻ.
Giám đốc Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai chỉ ra các dấu hiệu nhận biết đột quỵ:
- Đột ngột có cảm giác tê hay yếu liệt ở mặt, tay hoặc chân (các triệu chứng thường xảy ra ở một bên của cơ thể - nửa người);
- Đột ngột không nói được, giọng nói bị méo hoặc bệnh nhân bị nói nhảm, vô nghĩa, không hiểu được lời nói;
- Đột ngột mất thị lực, đặc biệt khi triệu chứng xuất hiện ở một bên mắt;
- Đột ngột đau đầu dữ dội; Chóng mặt, cơ thể bị mất thăng bằng hoặc không thể thực hiện vận động theo ý muốn…
Phát hiện dấu hiệu bị đột quỵ xử lý thế nào?
PGS Mai Duy Tôn khuyến cáo, khi người thân có triệu chứng đột quỵ, cần phải:
- Lập tức gọi xe cứu thương: Xe cứu thương 115 không chỉ đưa người bệnh đến bệnh viện nhanh nhất mà nhân viên y tế còn có kiến thức để xử trí cấp cứu, giảm các tác động của đột quỵ não khi di chuyển bệnh nhân. Hãy nhớ thông báo cho nhân viên 115 khi gọi điện là "nghi ngờ bệnh nhân bị đột quỵ não" để họ có chuẩn bị.
- Phải theo dõi các triệu chứng và hỏi chuyện người bệnh: Phòng ngừa khi đến bệnh viện bệnh nhân không thể trò chuyện được với bác sĩ, trong khi đợi xe cấp cứu đến bạn hãy trò chuyện với bệnh nhân về tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh, tiền sử dị ứng, thời điểm gặp các triệu chứng đột quỵ... Những thông tin này rất hữu ích khi bác sĩ khai thác bệnh sử.
- Khuyến khích người bệnh nằm xuống: Nếu người bệnh đang ngồi hoặc đứng, hãy khuyến khích họ nằm nghiêng với tư thế đầu cao. Để giữ cho người bệnh thoải mái, hãy nới lỏng quần áo của họ. Tư thế này giúp tăng cường lưu lượng máu đến não. Tuy nhiên, nếu người bệnh bị ngã thì đừng cố di chuyển họ.
- Thực hiện hồi sinh tim phổi (CPR): Một số người bệnh có thể bất tỉnh trong cơn đột quỵ não. Nếu điều này xảy, hãy đánh giá tình trạng hô hấp của họ, xem họ có còn thở không. Nếu bạn không thể bắt được mạch, hãy bắt đầu thực hiện hồi sinh tim phổi.
Sai lầm cần tránh với bệnh nhân đột quỵ
- Không được cho người bệnh uống thuốc: Đột quỵ não có thể do vỡ mạch máu não hoặc cục máu đông làm tắc mạch máu não. Do đó, trước khi biết nguyên nhân thì không được cho bệnh nhân dùng bất cứ loại thuốc nào. Nếu dùng nhầm (đang vỡ mạch máu não lại cho uống thuốc loãng máu như An cung hoàn, aspirin) có thể gây nguy hiểm, thậm chí tăng nguy cơ tử vong cho bệnh nhân.
- Không cho bệnh nhân ăn hoặc uống bất cứ thứ gì: Tránh đưa thức ăn hoặc nước uống cho người bị đột quỵ não vì người bị đột quỵ có thể mất khả năng nuốt, dễ gây sặc, suy hô hấp.
- Không cho người bệnh tự đi xe đến bệnh viện: Nếu có dấu hiệu bị đột quỵ não thì tuyệt đối không tự đi xe đến bệnh viện vì việc tự ý di chuyển có thể khiến đột quỵ nặng hơn, nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Hãy gọi 115 và chờ giúp đỡ.
Theo giadinhonline.vn
Liên kết website
Ý kiến ()