Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 01:37 (GMT +7)
Gia tăng mức hưởng thụ văn hóa của người dân
Thứ 7, 12/03/2022 | 08:28:07 [GMT +7] A A
Cùng với những giải pháp quyết liệt, hiệu quả trong phát triển kinh tế, thời gian qua, Quảng Ninh luôn chú trọng tới việc không ngừng gia tăng mức hưởng thụ văn hóa của người dân. Cụ thể là phát huy vai trò, giá trị phục vụ của các thiết chế văn hóa; rút ngắn khoảng cách mức hưởng thụ văn hóa giữa các địa bàn dân cư...
Ngày 9/3/2018, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết 11-NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Nghị quyết nêu rõ, văn hóa, con người là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là nguồn lực để phát triển KT-XH, là sức mạnh nội sinh quan trọng phục vụ cho sự phát triển bền vững của tỉnh. Trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người cần bảo vệ, giữ gìn, phát huy bền vững những giá trị truyền thống tốt đẹp; chỉ ra và từng bước loại trừ những tập quán lạc hậu, hủ tục, thói hư tật xấu; chăm lo nuôi dưỡng, khẳng định những giá trị mới đang hình thành. Đồng thời, đầu tư xây dựng và phát huy tối đa hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao nhằm đáp ứng đời sống tinh thần, phát triển thể chất cho người dân...
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TU với sự vào cuộc mạnh mẽ của các ban, ngành, địa phương, đến nay nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người đã tạo được nhiều chuyển biến mạnh, tích cực. Điển hình như hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm đầu tư đồng bộ với tổng mức đầu tư gần 680 tỷ đồng. Đặc biệt, ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, các công trình nhà văn hóa thôn bản được quan tâm xây dựng, nâng cấp đã góp phần đáng kể để nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của cộng đồng. Bởi đây là địa điểm phục vụ thường xuyên cho việc hội họp, sinh hoạt của mỗi khu dân cư; vừa thuận tiện để tổ chức đều đặn các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân.
Nội dung về xây dựng đời sống văn hóa cũng được lồng ghép có hiệu quả vào nhiệm vụ xây dựng NTM; trong các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” được duy trì thực hiện rất sôi nổi. Mức hưởng thụ văn hóa của người dân cũng được gia tăng khi đồng thời cả những giá trị truyền thống, đương đại đều được quan tâm phát huy. Toàn tỉnh có trên 600 di tích văn hóa, lịch sử đã được kiểm kê, trên 100 di tích được xếp hạng, công tác trùng tu, tôn tạo được quan tâm; nhiều loại hình văn hóa dân gian tiêu biểu được phục dựng. Bên cạnh đó, loạt các công trình văn hóa của tỉnh như: Bảo tàng - Thư viện tỉnh, Công viên hoa Hạ Long, Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh... đều đã đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Để tiếp tục gia tăng mức hưởng thụ văn hóa của người dân, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa các địa phương trong tỉnh, ngày 24/3/2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 65/KH-UBND triển khai đề án "Chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng DTTS giai đoạn 2021-2030" trên địa bàn tỉnh. Nội dung thực hiện được xây dựng rất đa dạng, gồm: Xây dựng mô hình điểm CLB văn hóa, nghệ thuật ở thôn, bản, làng, để từng bước nhân rộng đảm bảo phù hợp nhu cầu thực tế; tổ chức đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp và không chuyên đi biểu diễn ở vùng sâu, vùng xa, ưu tiên các loại hình văn hóa truyền thống có nguy cơ bị mai một; tổ chức các ngày hội, liên hoan, hội thi, hội diễn văn hóa, nghệ thuật quần chúng; tổ chức chiếu phim lưu động tại cơ sở; hỗ trợ xây dựng tủ sách thư viện, phát triển văn hóa đọc từ cấp xã...
Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 258/KH-UBND triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em” trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tỉnh giao Sở TT&TT phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông thực hiện việc xây dựng hạ tầng phủ 70 vị trí lõm sóng di động (phấn đấu hoàn thành trước tháng 12/2022) và 117 điểm lõm Internet băng thông rộng cố định (phấn đấu hoàn thành trước tháng 9/2023) tại toàn bộ khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, biên giới, hải đảo của tỉnh. Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng phủ sóng 4G tại các khu vực đô thị, đặc biệt là các khu đô thị mới phát triển. Kinh phí thực hiện từ nguồn quỹ đầu tư phát triển của doanh nghiệp viễn thông, ngân sách tỉnh và xã hội hóa.
Ngày 28/2/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 58/KH-UBND về triển khai Chương trình thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022-2026.
Mục tiêu của chương trình hướng tới tiếp tục phát triển phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2022-2026 có chiều sâu, chất lượng, hiệu quả, thiết thực; thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 9/3/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững" và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV; tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng, phát triển con người Việt Nam toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, bảo đảm sự phát triển bền vững, hội nhập quốc tế và bảo vệ Tổ quốc.
|
Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()