Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:06 (GMT +7)
Gia tăng giá trị ngành chăn nuôi
Thứ 7, 27/07/2024 | 10:01:30 [GMT +7] A A
Theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, một trong những giải pháp quan trọng là sản xuất tập trung, tuy nhiên hiện tỷ lệ chăn nuôi nông hộ trên toàn tỉnh còn rất lớn, chiếm đến 96%, tương đương 39.748 hộ nuôi. Điều này khiến ngành chăn nuôi phải đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc.
Chăn nuôi nông hộ được biết đến là mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế không cao, đặc biệt tiềm ẩn nhiều rủi ro về dịch bệnh. Trong đợt tái diễn dịch tả lợn châu Phi từ ngày 24/2/2024 đến nay, trên toàn tỉnh đã xảy ra các ổ dịch tại 141 hộ/44 thôn, khu/20 xã, phường/6 huyện, thị xã, thành phố với tổng số lợn chết, hủy 885 con, trọng lượng 44.667kg. Trước đó, năm 2019, trên toàn tỉnh, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 15.738 hộ/968 thôn, khu/162 xã, phường/14 huyện, thị xã, thành phố với 144.759 con lợn ốm, chết và buộc phải tiêu hủy, khối lượng 7.040 tấn. Dịch tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại nặng nề làm giảm giá trị gia tăng của ngành đến nay vẫn chưa thể hồi phục hoàn toàn. Chăn nuôi nông hộ còn khiến cơ quan quản lý nhà nước khó quản lý giám sát các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi; khó kiểm soát được chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; khó kiểm soát chất thải, nước thải, mùi hôi chuồng trại khiến ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống dân cư, tác động xấu đến sức khỏe con người, gây mất mỹ quan đô thị.
TX Đông Triều là một trong những trọng điểm nông nghiệp của toàn tỉnh. Tổng đàn chăn nuôi gia súc, gia cầm tại địa phương này rất lớn, trong đó chủ yếu là số hộ chăn nuôi nông hộ. Trong bối cảnh Đông Triều đang đẩy mạnh đô thị hoá, diện tích đất nông nghiệp thu hẹp, nhường chỗ cho những dự án dân cư, hạ tầng thì việc chăn nuôi nông hộ trở lên không phù hợp.
Gia đình bà Nguyễn Thị Sâm, khu Yên Lâm, phường Đức Chính chăn nuôi lợn nhỏ lẻ, mục đích để làm thực phẩm cho gia đình. Tuy nhiên việc xây dựng chuồng trại, ao nuôi sát các công trình nhà ở, sân, bếp; việc xử lý thải chưa hợp lý đã phát sinh mùi hôi và ruồi muỗi, ảnh hưởng đến không gian chung của gia đình bà cũng như những hộ dân lân cận.
Trong nhiều năm qua, tỉnh Quảng Ninh xác định rất rõ chăn nuôi nông hộ khiến các chỉ tiêu về số lượng tổng đàn, phát triển các vùng chăn nuôi tập trung, sản phẩm chủ lực, hệ thống giết mổ tập trung, hình thành các chuỗi lên kết trong chăn nuôi đạt thấp so với mục tiêu tái cơ cấu đề ra. Các hộ chăn nuôi nông hộ cũng ít có điều kiện để chấp hành các quy định của pháp luật về môi trường chăn nuôi, hiện tỷ lệ các cơ sở đã áp dụng các biện pháp xử lý môi trường như hầm Biogas; đệm lót sinh học, men vi sinh... của các hộ chăn nuôi nông hộ đạt tỷ lệ chưa tới 5%. Một số cơ sở chăn nuôi nông hộ gây ô nhiễm môi trường sống dân cư, ảnh hưởng rất rõ trong sinh hoạt hàng ngày của người dân do tác động tiêu cực của chất thải, nước thải và mùi hôi chuồng trại.
Được biết, hiện nay các đơn vị chức năng đang xây dựng và trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi. Nội hàm của Nghị quyết này là Quảng Ninh không khuyến khích chăn nuôi tại vùng lõi, trung tâm của phường, thị trấn không còn đất nông nghiệp, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp cao (trên 80%), có rất ít hộ gia đình chăn nuôi và chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ (1-2 con lợn, 10-30 con gà). Những hộ này tận dụng thức ăn, sử dụng lao động thời vụ rảnh rỗi hoặc người đã quá tuổi lao động, chăn nuôi không phải là sinh kế chính, chuồng trại tận dụng, xuống cấp không đảm bảo các điều kiện về vệ sinh thú y.
Trước mắt, các đơn vị chức năng rà soát, đưa vào một số đối tượng khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi. Đây là những hộ nuôi tự cung, tự cấp, tận dụng thức ăn thừa để lấy thịt, trứng sử dụng trong gia đình, không liên quan gì đến phát triển kinh tế hộ, chăn nuôi hàng hóa. Đa số chuồng trại làm bằng vật liệu rẻ tiền, đã sử dụng lâu ngày, hết khấu hao. Chăn nuôi với mục đích sử dụng trong gia đình, không phải để phát triển kinh tế hộ, không phải là sinh kế chính. Chủ yếu là để tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, tận dụng lao động nông nhàn, người già, trẻ em, công chức, viên chức, người lao động, kinh doanh buôn bán. Những hộ này đều đồng ý sẽ dừng chăn nuôi, chấp hành quy định của nhà nước để đảm bảo môi trường, cảnh quan đô thị.
Nghị quyết quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cần sớm được ban hành để người chăn nuôi tại khu vực không được phép chăn nuôi có đủ thời gian khai thác hết chu kỳ nuôi và không tiếp tục tái đàn.
Việt Hoa
- 1.244 - là số cơ sở chăn nuôi theo quy mô trang trại trên địa bàn tỉnh hiện nay
- Phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung
- Dừng chăn nuôi tại khu vực không được phép
- Thúc đẩy cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp
- Đầm Hà: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao
- Nắm bắt thời cơ để tăng tốc, bứt phá về sản xuất nông nghiệp
- Duy trì đà tăng trưởng nông nghiệp
Liên kết website
Ý kiến ()