Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:15 (GMT +7)
Gia tăng cháy nổ mùa khô hanh
Thứ 2, 23/12/2024 | 13:47:26 [GMT +7] A A
Những ngày gần đây, nhiều địa phương trên cả nước liên tiếp xảy ra cháy nổ và có diễn biến phức tạp hơn, gia tăng về mức độ thiệt hại. Thời tiết hiện rất khô hanh, cùng với đó hoạt động sản xuất, kinh doanh cuối năm cũng sôi động hơn..., vì vậy, đang đặt ra yêu cầu cấp thiết tại mỗi địa phương, đơn vị trong công tác PCCN.
Trong 2 ngày (17 và 19/12) tại TP Hạ Long liên tiếp xảy ra 2 vụ cháy rừng. Cụ thể: Cháy đồi thuộc khu vực từ tổ 2 đến tổ 5, khu 7 và tổ 8, khu 4 (phường Bãi Cháy). Ngay khi nhận tin báo cháy, lực lượng chức năng trong tỉnh và TP Hạ Long kịp thời tham gia chữa cháy. Tuy nhiên, thời tiết khô hanh, gió to khiến đám cháy lan nhanh, công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn. Do khó tiếp cận đám cháy nên lực lượng chức năng phải sử dụng các thiết bị thông dụng để dập lửa, tạo đường băng cản lửa khống chế đám cháy. Hiện nguyên nhân cháy và thiệt hại do cháy gây ra đang được lực lượng chức năng điều tra làm rõ.
Cùng với cháy rừng, vào 15h ngày 18/12, tại nhà xưởng của Công ty Điện tử Vạn Lực, KCN Cái Lân, phường Bãi Cháy (TP Hạ Long) cũng xảy ra đám cháy lớn. Công an tỉnh đã chỉ đạo, điều động 11 xe chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, xe trạm bơm các loại và 70 CBCS thuộc lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH và Công an TP Hạ Long; cùng nhiều lực lượng đến hiện trường tổ chức công tác chữa cháy, di chuyển người ra ngoài an toàn. Đám cháy đã nhanh chóng được khống chế, không có thiệt hại về người và không để lan sang công trình lân cận, tuy nhiên đám cháy được xác định mức độ nguy hiểm cao khi đó là khu vực xưởng tổng hợp bơm gas, chỉnh lửa, nhiều công nhân làm việc. Các lực lượng tiếp tục triển khai các biện pháp chữa cháy và xác định nguyên nhân, thiệt hại.
Quảng Ninh được xác định là trọng điểm về PCCC và CNCH của cả nước, bởi tốc độ đô thị hóa cao, thu hút nhiều dự án lớn; nhiều khu đô thị, nhiều tòa nhà cao tầng; nhiều lĩnh vực trọng điểm có yêu cầu cao về PCCC như Cảng tàu khách quốc tế, kho, cảng xăng dầu... Cùng với đó, trên địa bàn có hàng nghìn cơ sở diện quản lý về PCCC; cơ sở nhà ở kết hợp kinh doanh nằm trong khu đông dân cư, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ. Quảng Ninh còn có diện tích rừng lớn, nhất là sau bão số 3, nhiều diện tích rừng bị hỏng, đang trong quá trình dọn dẹp, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao.
Thời gian qua, phong trào toàn dân tham gia PCCC được các địa phương trong tỉnh chú trọng triển khai. Tại các địa phương, nhiều hoạt động PCCC thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo nhân dân, như: “Tổ liên gia an toàn PCCC”; phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy”, “Nhà tôi không chuồng cọp”, “Tặng bình chữa cháy cho hộ nghèo”; “Điểm chữa cháy công cộng”; “Tự quản PCCC tại các khu dân cư, cơ quan, đơn vị”... Các đơn vị, doanh nghiệp bên cạnh đầu tư thiết bị chữa cháy đảm bảo theo quy định, còn tăng cường công tác tuyên truyền cho công nhân, nhân viên, lao động và du khách để nâng cao tính chủ động trong công tác PCCC. Đặc biệt, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền qua diễn tập PCCC tại khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp, trường học, công tác này còn được triển khai hiệu quả thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Đồng thời, lực lượng PCCC còn quan tâm tuyên truyền trực tiếp tới các hộ dân để nhằm trang bị tốt hơn kiến thức an toàn về PCCC ngay từ địa bàn, từ gia đình. Trong đó, quan tâm hướng dẫn tuyên truyền về tầm quan trọng của trang thiết bị PCCC; kỹ năng, kiến thức chủ động phòng ngừa để kịp thời ngăn chặn sự cố cháy nổ. Đặc biệt, công an các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, xác định rõ trọng điểm, phù hợp với đặc thù cơ sở, nhằm tăng cường công tác PCCC; vận động các cơ sở, chủ hộ gia đình ký cam kết thực hiện các giải pháp tăng cường bảo đảm an toàn PCCC... Ngoài ra, tập trung nâng cao năng lực cho lực lượng PCCC tại chỗ, phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ”, hằng năm có phương án PCCC, bố trí diễn tập sát với thực tế, đặc điểm tình hình cơ sở...
Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 141 vụ cháy, làm 4 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính trên 1,185 tỷ đồng; giảm 12 vụ so với cùng kỳ năm 2023; thiệt hại về tài sản trên 5,8 tỷ đồng.
Thời điểm cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, thời tiết hanh khô, cùng với đó là hoạt động sản xuất, kinh doanh, dự trữ hàng hóa phục vụ Tết tăng cao, các nguyên vật liệu, hàng hóa tập kết lớn, việc tiêu thụ điện, nhiên liệu tăng cao... nguy cơ mất an toàn về PCCC. Để bảo đảm an toàn PCCC, lực lượng chức năng khuyến cáo các ngành, đơn vị, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và kiến thức, quy định về PCCC đến từng nhân viên, người dân. Các hộ gia đình, cơ sở đảm bảo duy trì các điều kiện an toàn về PCCC; cẩn trọng khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thắp hương, đốt vàng mã, sử dụng các thiết bị sinh nhiệt như bóng đèn sợi đốt, bàn là, bếp điện, thiết bị sưởi ấm… Đặc biệt, mỗi người dân nêu cao trách nhiệm trong công tác PCCC và CNCH; tự trang bị kiến thức, kỹ năng cho bản thân, gia đình, cùng cộng đồng giảm thiểu nguy cơ chảy nổ xảy ra.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()